Báo Công An Đà Nẵng

Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Thứ hai, 22/05/2017 11:30

(Cadn.com.vn) - Kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, Đà Nẵng phối hợp Đoàn Thanh niên (TN) xã tổ chức lễ dâng hương và học tập nêu gương anh hùng liệt sĩ (LS) Lâm Quang Triện, người con ưu tú của địa phương hy sinh năm 1955 và mai táng tại Nghĩa trang LS H. Vĩnh Linh (Quảng Trị). Sau 40 năm, hài cốt LS Triện đã được gia đình tìm kiếm, cải táng về quê hương…

Chương trình thắp nến tri ân là hoạt động thường xuyên của các địa phương trên địa bàn huyện Hòa Vang và được tổ chức định kỳ tại nghĩa trang LS mỗi xã vào các tối 14 và ngày cuối tháng âm lịch. Xen lẫn trong chương trình thắp nến tri ân là hoạt động học tập nêu gương các thế hệ cha anh đã hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Việc nêu gương học tập các anh hùng LS  được thể hiện qua mỗi câu chuyện kể đã làm lay động lòng người đến dự khán và tạo cho các thế hệ CCB, đoàn viên phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Hội CCB xã Hòa Phong Lê Văn Bút cho biết, thực hiện Nghị quyết của Hội CCB huyện về công tác phối hợp chăm lo giáo dục thế hệ trẻ, hằng năm, Hội CCB xã chủ động xây dựng chương trình phối hợp liên tịch với Đoàn TN, tổ chức ký kết ngay từ đầu năm mà trọng tâm tập trung vào việc xây dựng tổ chức Đoàn, giáo dục tinh thần yêu nước truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ và chương trình thanh niên xung kích phát triển KT-XH, AN-QP và đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp. Theo đó, Hội triển khai, chỉ đạo đến toàn thể hội viên về phương pháp tập hợp thanh niên, kỹ năng tổ chức các hoạt động phong trào, nhiều CCB tự nguyện làm đoàn viên danh dự cùng tham gia hoạt động với chi đoàn, thuyết trình tư vấn, hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho các bạn trẻ...

Lễ dâng hương và học tập, nêu gương anh hùng liệt sĩ tổ chức tại Nghĩa trang LS xã Hòa Phong.

Để có thông tin về các anh hùng LS, ngoài việc tìm kiếm tài liệu ở cơ quan chức năng, các cấp Hội còn về tận gia đình các LS để xin tư liệu hoặc nhờ thân nhân kể lại. Từ đó, đối chiếu và biên tập lại thành một câu chuyện chân thật về cuộc đời và chiến công của các LS. Thông qua các câu chuyện, người dân địa phương biết thêm về những chiến công anh dũng mà các thế hệ đi trước đã chiến đấu, hy sinh như: LS Lâm Quang Tiếu, Đặng Ngọ, Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Thị Xuyến (cùng quê xã Hòa Phong)... hay những trận đánh ác liệt như trận công đồn địch ở Túy Loan năm 1952, trận đánh xóm Đình Bồ Bản mùa xuân 1969, trận đánh đồn Phước Tường, trận đánh Trại giam Lao Xá (TP Hội An, Quảng Nam) năm 1966-1967 có người dân địa phương tham gia. Cũng có những câu chuyện mà nhân vật chính là các CCB, họ kể về mình, về các trận chiến mà họ từng trải qua. Đó là những tư liệu lịch sử sống, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo... 

Sau 5 năm tổ chức, đến nay, Hội CCB xã đã tập hợp xây dựng thành tập tư liệu lược ghi lại 30 tiểu sử liệt sĩ, 20 lượt kể mẫu chuyện kháng chiến. Nhiều đoàn viên TN xã Hòa Phong chia sẻ, qua những câu chuyện mà các bác, các chú CCB sưu tầm kể lại, giúp họ càng tự hào thêm về những trang sử hào hùng của quê hương mình. Cho nên, việc phối hợp tổ chức các hoạt động chỉ là một trong những phần việc nhỏ mà thế hệ trẻ có thể làm để tri ân công lao với thế hệ cha ông đi trước...

Lễ dâng hương và học tập, nêu gương các anh hùng LS còn thu hút sự tham gia của cả thân nhân LS và người dân địa phương. Nhiều người mặc dù bận rộn công việc gia đình nhưng vẫn luôn thu xếp thời gian để kịp đến tham dự. Bà Đặng Thị Túy Phong, cán bộ hưu trí địa phương xác nhận: "Đây là một chương trình nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, đồng thời bày tỏ lòng tri ân và biết ơn những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Đó là hoạt động hết sức ý nghĩa cần được phát huy, nhân rộng".

Vy Hậu