Báo Công An Đà Nẵng

Giáo hoàng Francis bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông

Thứ hai, 20/10/2014 07:49

(Cadn.com.vn) - Sáng 19-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ, Liên minh Châu Âu (EU), Cộng hòa Liên bang Đức, tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 10 (ASEM 10) tại Milan, Cộng hòa Italy và thăm Tòa thánh Vatican.

Trước đó, nhận lời mời của Giáo hoàng, ngày 18-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thăm Tòa thánh Vatican, hội kiến Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Tòa thánh Pietro Parolin. Vatican là điểm dừng chân cuối cùng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm và làm việc tại Châu Âu lần này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Giáo hoàng Francis.

Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Tòa thánh

Giáo hoàng Francis hoan nghênh chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho đây là dịp rất tốt để hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau, qua đó thúc đẩy tốt đẹp hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh; bày tỏ sự cảm phục đối với dân tộc Việt Nam; đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và đời sống mọi mặt của người dân ngày càng được cải thiện.

Giáo hoàng Francis hoan nghênh việc thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo đạt nhiều kết quả của Việt Nam và việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc; bày tỏ vui mừng trước các hoạt động ngày càng sôi động của Công giáo Việt Nam như các Hội nghị thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam và việc tổ chức những ngày lễ trọng của Công giáo như Lễ hội hành hương La Vang, Đại hội giới trẻ Công giáo...; cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ và chính quyền các cấp của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Đặc phái viên không thường trú Tòa thánh tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Tòa thánh, đồng thời thực hiện nhất quán và không ngừng hoàn thiện chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của người dân; ủng hộ Giáo hội và đồng bào Công giáo Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam và Tòa thánh Vatican đã có những bước phát triển tích cực, thể hiện qua các cuộc tiếp xúc ở cấp cao, việc tổ chức và triển khai hiệu quả thỏa thuận tại các cuộc họp Nhóm Công tác hỗn hợp cũng như hoạt động của Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam.

Giáo hoàng Francis khẳng định Tòa thánh Vatican luôn chủ trương phát triển quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, tiếp tục ủng hộ Giáo hội Công giáo Việt Nam tham gia tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Giáo hoàng Francis nhấn mạnh phải thực hiện tốt hơn nữa đường hướng "sống Phúc âm giữa lòng dân tộc", "giáo dân tốt phải là công dân tốt", "người Công giáo Việt Nam phải đồng hành cùng dân tộc Việt Nam xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc", "người Công giáo Việt Nam phải là người yêu nước".

Hai bên thống nhất tích cực duy trì đối thoại, tiếp xúc để tăng cường quan hệ tốt đẹp và hướng dẫn Giáo hội cùng cộng đồng Công giáo Việt Nam thực hiện tốt các huấn từ và sứ điệp của Giáo hoàng nêu trên.

Giáo hoàng bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông và khẳng định mong muốn đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh tại khu vực và trên thế giới.

Cuộc gặp đã diễn ra trong bầu không khí chân thành, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Giáo hoàng và Tòa thánh dành cho Đoàn Đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam.

Việt Nam và Trung Quốc mãi mãi là hai nước láng giềng

Phóng viên báo Deutsche Welle đã có bài phỏng vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong đó đặt câu hỏi về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông. Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Việt Nam là quốc gia thành viên Liên hợp quốc; Việt Nam kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia vì hòa bình và phát triển bền vững. Vì vậy, Việt Nam không ngừng nỗ lực xây dựng quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, đặc biệt là với các nước ASEAN và các đối tác chiến lược, toàn diện và truyền thống. Chỉ có như vậy các bên mới có được sự tin cậy lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi và phát triển bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chính sách nhất quán của Việt Nam là không liên minh với nước này để chống nước khác. Việt Nam kiên định đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đồng thời luôn chân thành bày tỏ thiện chí cùng các nước xây dựng lòng tin chiến lược, bền vững, lâu dài trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Điều đó có nghĩa các bên phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Việt Nam không chấp nhận hành động can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Ngoài ra, Việt Nam luôn muốn thúc đẩy hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.

Việt Nam hoan nghênh mọi chính sách của các nước lớn đối với Châu Á-Thái Bình Dương nếu các chính sách đó tôn trọng luật pháp quốc tế và các thể chế khu vực, không can thiệp vào nội bộ và nhất là không xâm phạm độc lập, chủ quyền của các quốc gia khác. Chỉ như vậy, các chính sách đó mới đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh cũng như hợp tác khu vực và quốc tế. Về quan hệ với Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng và mãi mãi là hai nước láng giềng. Việt Nam luôn mong muốn hai nước cùng nhau làm hết sức mình để gìn giữ quan hệ hòa bình, hữu nghị, xây dựng lòng tin, đưa quan hệ đối tác chiến lược đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, đem lại lợi ích chính đáng cho hai nước và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác khu vực.

Mọi tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Không để tái diễn tình hình căng thẳng, không dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực. Sau khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam và Trung Quốc đã cùng nhau nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề.

B.T
(theo TTXVN - chinhphu.vn)