Báo Công An Đà Nẵng

Giao quyền cho hiệu trưởng triển khai kiểm tra học kỳ II… tại nhà

Thứ năm, 13/05/2021 15:35

Ngay sau khi Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng ban hành Công văn số 1371 về việc hướng dẫn hoàn thành chương trình, kiểm tra cuối năm và kết thúc năm học 2020-2021 đối với bậc tiểu học (TH), chiều tối 11 và ngày 12-5, Phòng GD-ĐT các quận, huyện đã có công văn hướng dẫn các trường tiểu học về kiểm tra học kỳ II... tại nhà cho HS. Trong đó, phần lớn giao quyền chủ động cho Hiệu trưởng theo đúng tinh thần hướng dẫn của Sở.

HS Đà Nẵng ôn tập chờ kiểm tra học kỳ tại nhà.

Còn đó băn khoăn, quan ngại!

Theo hướng dẫn của Sở, Hiệu trưởng các trường TH chủ động, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra cuối năm học. Theo đó, Hiệu trưởng có trách nhiệm chỉ đạo các tổ chuyên môn ra đề kiểm tra các môn học theo quy định, trong đó không kiểm tra các nội dung đã được giảm tải. Các trường in, sao đề kiểm tra, tập hợp đề của các môn (mỗi HS 1 tập đề các môn kiểm tra) theo từng lớp, gởi đến phụ huynh học sinh (PHHS) thông qua giáo viên chủ nhiệm (GVCN). GVCN có trách nhiệm thông báo và thống nhất với PHHS về cách thức nhận đề, nộp bài làm của HS… Tùy theo điều kiện thực tế, các trường xây dựng lịch kiểm tra, hoàn thành trước ngày 18-5.

Chấp hành chỉ đạo cấp trên, trong ngày 12-5, hầu hết các trường TH trên địa bàn đã khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra học kỳ II… tại nhà. Bên cạnh ý kiến sẻ chia với ngành, cũng có không ít băn khoăn, quan ngại từ một số cán bộ quản lý, GVCN cũng như PHHS, cho rằng, cách kiểm tra này không mang lại hiệu quả về mặt chất lượng, rằng “không khéo GV chấm bài của PH chứ không phải của HS”. “Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, Bộ GD-ĐT lại chưa có quy định lùi thời gian kết thúc năm học, chúng tôi rất chia sẻ với ngành trong việc chủ động có công văn hướng dẫn về tổ chức kiểm tra học kỳ II tại…nhà; đành phải thực hiện, không thể nào khác hơn. Tuy nhiên, khó có thể khẳng định chất lượng bài kiểm tra tại nhà hoàn toàn do HS làm, dù trong công văn hướng dẫn đã có nhiều điểm lưu ý như HS phải tự giác, nghiêm túc tự làm bài, không có sự tham gia của cha mẹ, anh chị, người thân hoặc bạn bè… Đánh giá HS là cả quá trình, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ; trong đó đánh giá thường xuyên là quan trọng, bài kiểm tra định kỳ chỉ là một điều kiện, không quyết định hoàn toàn việc đánh giá cuối năm đối với HS. Vậy tại sao ta không căn cứ vào tình hình “đặc biệt” đang diễn ra tại Đà Nẵng để xin ý kiến Bộ, hoặc căn cứ trên việc kiểm tra đánh giá thường xuyên để đánh giá cuối năm? Chúng tôi tin GVCN hoàn toàn có năng lực, khách quan để đánh giá việc này. Nếu không được thì chờ khống chế dịch bệnh, tổ chức kiểm tra cũng đâu có muộn?”- một cán bộ quản lý bày tỏ suy nghĩ. Đồng tình quan điểm trên, chị D.- PHHS- quan ngại việc kiểm tra này sẽ không mang lại kết quả thực chất, bởi thực tế có không ít PH vì thương con hoặc chạy theo thành tích sẽ tìm cách “can thiệp” vào bài làm của con…

Áp lực đặt lên vai người đứng đầu các trường tiểu học

Tuy có ý kiến trái chiều, nhưng qua tìm hiểu, được biết hầu hết các trường trên địa bàn thành phố vẫn nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của cấp trên. 

Đơn cử, tại Q.Hải Châu, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của Sở và Phòng GD-ĐT, trường TH Trần Văn Ơn đã tổ chức họp liên tịch qua zalo để lấy ý kiến của các tổ chuyên môn… Trên cơ sở đó, trong đêm 11-5, nhà trường soạn kế hoạch chi tiết, cụ thể; sáng 12-5 triển khai đến các GV trong toàn trường. Bà Ông Thị Thái Hằng - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, nhà trường đã lường trước những khó khăn phải đối mặt khi tổ chức kiểm tra học kỳ II tại nhà đối với HS. Theo đó, trong kế hoạch, nhà trường xây dựng một số nội dung  như: đối với Tiếng Việt phần đọc, Anh văn phần nói và phần thực hành Tin, nhà trường giao cho GV thông qua đánh giá thường xuyên để ghi điểm cho HS. Đối với chính tả, khối lớp 1, 2, 3 đề đổi từ hình thức nghe - viết sang tập chép, đối với khối lớp 4, 5 không có nội dung chính tả mà chấm lồng vào phần tập làm văn với biểu điểm: tối đa 4 điểm cho chính tả, 6 điểm cho nội dung làm bài tập làm văn. Các nội dung khác thì triển khai theo văn bản hướng dẫn của cấp trên…

Theo bà Trần Thị Lệ - Hiệu trưởng trường TH Nguyễn Du, quá trình kiểm tra cho HS tại nhà sẽ gặp phải những khó khăn sau đây: Đối với môn Tiếng Việt phần đọc thành tiếng vốn yêu cầu kiểm tra 1 cô -1 trò, nên GV sẽ  khó kiểm tra 100% HS tất cả các khối; thêm vào đó khó khăn do một số phụ huynh không có điều kiện sử dụng công nghệ để cho con em tương tác cùng GV khi đánh giá. Nếu thực hiện đánh giá theo hướng trên sẽ mất rất nhiều thời gian. Vì thế, nhà trường có hướng xử lý để việc kiểm tra diễn ra suôn sẻ. 

Tương tự, tại huyện Hòa Vang, bà Phạm Hồ Quỳnh Trang- Trưởng Phòng GD-ĐT huyện cho biết, ngành GD-ĐT huyện đã triển khai theo văn bản hướng dẫn từ  Sở. Đến thời điểm này, các trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể. Theo bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hải Châu, trong việc triển khai kiểm tra học kỳ II tại nhà cho HS, áp lực cũng như trách nhiệm đặt lên vai Hiệu trưởng các trường TH là rất lớn.

P.THỦY

HỌC SINH BẬC TRUNG HỌC ĐÀ NẴNG SẼ KIỂM TRA HỌC KỲ II THEO HÌNH THỨC TRỰC TUYẾN VÀ TRỰC TIẾP

Chiều 12-5, Sở GD-ĐT tiếp tục có công văn số 1400 hướng dẫn các đơn vị, trường học kiểm tra cuối kì II và hoàn thành chương trình bậc trung học năm học 2020-2021. Theo đó, các trường THCS, THPT tiếp tục tổ chức dạy học qua Internet cho HS và hoàn thành chương trình trước ngày 16-5. Riêng lớp 9 và 12, các đơn vị, trường học duy trì dạy học, ôn tập qua Internet; hỗ trợ, động viên giúp HS  chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho các kì thi sắp đến.

Hình thức tổ chức kiểm tra học kỳ II đối với các HS THCS, THPT được tổ chức trực tuyến và trực tiếp, bắt đầu từ ngày 17-5 đến ngày 25-5. 

Đối với các HS không thể tham gia kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến (không có thiết bị, trong khu vực phong tỏa, chưa hết thời gian cách li, gặp sự cố đường truyền khi làm bài kiểm tra…), nhà trường rà soát, lập danh sách, xây dựng kế hoạch kiểm tra theo hình thức trực tiếp tại trường.