Giao quyền chủ động cho nhà trường trong thực hiện kế hoạch giáo dục
Sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các trường THPT trên địa bàn TP Đà Nẵng khẩn trương bắt tay vào việc tổ chức dạy - học, hướng dẫn ôn tập cho học sinh lớp 12 (HS) cuối cấp để chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT Quốc gia. Trong khi đó, đối với các trường TH, học kỳ hai năm học 2019-2020 là giai đoạn vô cùng bận rộn cho việc chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM) theo hình thức cuốn chiếu với sự khởi động đầu tiên dành cho khối lớp 1. Phóng viên Báo CATP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Bích Thuận- Giám đốc Sở GD-ĐT TP- xung quanh những vấn đề này.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cùng lãnh đạo TP thăm phòng tin học của trường THPT Hòa Vang. Ảnh: P.T |
P.V: Thưa bà! Được biết, kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định, cơ bản như năm 2019. Để chuẩn bị cho HS cuối cấp THPT bước vào kỳ thi sắp tới với tâm thế tự tin, đạt kết quả tốt, ngành GD-ĐT TP đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các trường THPT dạy- học, ôn tập như thế nào?
Bà Lê Thị Bích Thuận: Để chuẩn bị cho HS cuối cấp THPT bước vào kỳ thi sắp tới với tâm thế tự tin, đạt kết quả tốt, ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT TP tiếp tục giao quyền chủ động cho nhà trường thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng dạy-học theo phẩm chất và năng lực HS; tăng cường đa dạng hình thức dạy học, đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá... Đối với HS lớp 12, Sở GD-ĐT tiếp tục ra đề kiểm tra học kỳ (HK) chung cho toàn TP, chỉ đạo các đơn vị, trường học phân tích kết quả kiểm tra HK, thi THPT quốc gia các năm vừa qua, rút kinh nghiệm dạy học, ôn tập cho HS, đặc biệt là HS lớp 12 để giúp các em có kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới. Sở GD-ĐT tiếp tục xây dựng ngân hàng đề thi, tổ chức kỳ thi thử cho HS lớp 12 nhằm giúp HS rà soát lại kiến thức, kịp thời bổ sung, điều chỉnh các kiến thức còn hạn chế, làm quen với phương án, hình thức thi của Bộ GD-ĐT...
P.V: Thưa bà! Năm nay Bộ GD-ĐT không công bố đề thi minh họa như những năm trước. Điều này ảnh hưởng gì đến tâm lý HS và giáo viên Đà Nẵng?
Bà Lê Thị Bích Thuận: Đây là năm thứ 4 Bộ GDĐT tổ chức thi THPT quốc gia theo phương án thi mới và hằng năm Bộ GD-ĐT thường công bố đề thi minh họa. Đề thi minh họa sẽ là một trong những kênh tham khảo cho giáo viên và HS trong việc tổ chức dạy học. Năm nay Bộ GD-ĐT không công bố đề thi minh họa như những năm trước, Sở GD-ĐT vẫn chỉ đạo các trường, các tổ bộ môn thực hiện đầy đủ các quy định chuyên môn, nghiên cứu các nội dung dạy học, tổ chức ôn tập hiệu quả để hướng đến kỳ thi đảm bảo chất lượng.
P.V: Thời gian qua, Đà Nẵng được đánh giá là một trong số những tỉnh thành của cả nước tổ chức tốt kỳ thi THPT Quốc gia. Để tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, điều ngành GD-ĐT TP quan tâm, đặt lên hàng đầu nhất là vấn đề gì?
Bà Lê Thị Bích Thuận: Xin cảm ơn về lời nhận xét này. Về phía ngành, chúng tôi xem đây là nguồn động viên để ngành tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình. Để tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, điều mà ngành GD-ĐT TP quan tâm, đặt lên hàng đầu nhất là công tác tuyên truyền, triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, sự phối hợp của tất cả sở, ban, ngành, đoàn thể của TP để tạo nên thành công của kỳ thi.
P.V: Năm học tới 2020-2021, cả nước sẽ triển khai CTGDPTM theo hình thức cuốn chiếu với sự khởi động đầu tiên dành cho khối lớp 1. Theo quy định, việc chọn lựa bộ SGK phù hợp để giảng dạy sẽ do các trường Tiểu học tự quyết. Để giúp cho các trường thực hiện tốt công việc này, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn như thế nào?
Bà Lê Thị Bích Thuận: Để giúp cho các trường thực hiện tốt việc lựa chọn SGK, Sở GD-ĐT phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hội thảo giới thiệu các bộ SGK với sự tham gia của lãnh đạo phòng GD-ĐT các quận, huyện, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Tổ trường chuyên môn tổ 1 các trường tiểu học; đội ngũ giáo viên cốt cán cấp tiểu học. Tại hội thảo, các đại biểu được nghe và trao đổi với các giáo sư, tác giả, chủ biên SGK thuộc các bộ sách được phê duyệt (2 hội thảo vào ngày 9-1-2020 và ngày 13-2-2020, giới thiệu đủ 5 bộ sách). Trước khi tham gia hội thảo, CBQL, giáo viên các trường tiểu học đã được tiếp cận, đọc các bộ sách do các NXB cung cấp... Tổ chuyên môn của các trường nghiên cứu, thảo luận, đánh giá SGK, có sự so sánh, phân tích, từ đó có sự lựa chọn, đề xuất danh mục SGK phù hợp để sử dụng trong nhà trường (lựa chọn 1 SGK cho mỗi môn học) theo đúng Thông tư hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Mỗi trường sẽ thành lập 1 hội đồng lựa chọn SGK với nhiều thành phần tham gia (lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên các môn học...), đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
P.V: Điều cha mẹ HS âu lo, quan tâm là khi triển khai dạy-học với nhiều bộ SGK, việc tổ chức thi cử, đánh giá HS được thực hiện như thế nào?
Bà Lê Thị Bích Thuận: Trong CTGDPTM, SGK là phương tiện để giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học, đảm bảo yêu cầu cần đạt của chương trình đối với từng bài học, chủ đề, môn học. Như vậy, dù lựa chọn bộ SGK nào thì vẫn phải thực hiện các hoạt động dạy học, giáo dục đảm bảo mục tiêu của chương trình và thực hiện đánh giá HS theo quy định về đánh giá HS tiểu học do Bộ GD- ĐT ban hành.
P.V: Xin cảm ơn bà vì cuộc phỏng vấn này. Nhân dịp năm mới, chúc ngành GD-ĐT TP tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong công tác dạy-học.
PHAN THỦY (thực hiện)