Báo Công An Đà Nẵng

Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu qua đời

Thứ bảy, 02/10/2021 12:49

Giáo sư, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Vũ Khiêu, nhân sĩ, trí thức tiêu biểu, nhà khoa học lớn của đất nước đã qua đời lúc 12 giờ 37 ngày 30-9, tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội.

Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu. 

Giáo sư Vũ Khiêu tên thật là Đặng Vũ Khiêu, sinh ngày 19-9-1916 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, H. Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Trong quá trình nghiên cứu văn hóa Đông - Tây từ cổ đại đến hiện đại, đến năm 1958, ông đã có gần 30 cuốn sách và tham gia biên soạn gần 30 cuốn sách khác ở nhiều lĩnh vực.

Ông cũng là Chủ tịch Hội đồng biên soạn Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long (4 tập); tham gia biên soạn bộ Bách khoa thư Hà Nội, trực tiếp thực hiện tác phẩm lịch sử khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hà Nội; đồng thời, làm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn khoa học bộ sử Ngàn năm Thăng Long gồm hơn 100 cuốn, gần đây nhất là bộ Văn hiến Thăng Long gồm 3 tập dày 2.400 trang...

Giáo sư Vũ Khiêu đã được Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, như: Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2000, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2006, Công dân Thủ đô ưu tú. Năm 2017, Giáo sư Vũ Khiêu vinh dự được trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. 

H.N

* Cùng ngày, thông tin từ gia đình cho biết, nhà thơ Văn Công đã qua đời tại nhà riêng ở TP Tuy Hòa (Phú Yên), thọ 95 tuổi.

Nhà thơ Văn Công

 Văn Công là lớp nhà thơ đầu tiên của văn học giải phóng miền Nam. Những bài thơ vượt tuyến của Văn Công được tặng giải nhất báo Thống Nhất trong những năm 1956-1959, được Nhà xuất bản Văn Nghệ in 17 bài trong tập Tiếng hát Miền Nam (gồm 3 tác giả Văn Công - Giang Nam - Thanh Hải), được Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam tặng giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu năm 1965. Bài thơ Người cộng sản của Văn Công sáng tác năm 1959 được dịch ra tiếng Pháp xuất bản ở Paris năm 1969.

Nhà thơ Văn Công tên thật là Cao Xuân Thiêm, sinh năm 1926 tại xã Diễn An, H, Diễn Châu (tỉnh Nghệ An). Năm 1946, ông tham gia đoàn quân Nam tiến, sống, chiến đấu và gắn bó với Phú Yên cho đến ngày tạ thế. Ông từng là thành viên Ban chấp hành Văn nghệ giải phóng khu Trung Trung Bộ, chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Yên; Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách khối kinh tế phục vụ chiến trường Phú Yên, cán bộ phụ trách Ban chi viện chiến trường khu Trung Trung Bộ, quyền Chủ tịch rồi Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Khánh.

P.Y