Báo Công An Đà Nẵng

Giao thông lộn xộn sau giờ đóng cửa hầm Hải Vân

Thứ tư, 23/05/2018 17:50

Đây là thời gian cao điểm mà lưu lượng xe cộ lưu thông trên QL1A qua cung đường miền Trung tăng cao. Tuy nhiên, vào 13 giờ 15 đến 13 giờ 45 hàng ngày, hầm đường bộ Hải Vân nối liền 2 địa phương TT-Huế và Đà Nẵng phải đóng cửa hầm để nổ mìn, phục vụ cho việc thi công mở rộng dự án hầm đường bộ Hải Vân. Dự kiến, việc đóng cửa hầm mỗi ngày 30 phút sẽ kéo dài đến tháng 9-2019.

Phương tiện tham gia giao thông dừng lại ở phía Bắc hầm Hải Vân trong thời gian đóng cửa hầm thi công nổ mìn.

Thời gian qua, nhiều lái xe du lịch đã phản ánh, sau giờ đóng cửa hầm đường bộ Hải Vân để phục vụ việc thi công nổ mìn, tình hình giao thông trên tuyến trở nên lộn xộn, có ngày xe rồng rắn và khó khăn lắm mới “bò” ra được khu vực này...Anh Nguyễn Thiện Th. (trú Quảng Ngãi) cho biết, anh thường chạy xe qua hầm Hải Vân đúng lúc cửa hầm đóng để phục vụ việc nổ mìn, khi qua đoạn đường này dù trước đây chỉ mất khoảng 25 phút nhưng từ khi đóng cửa hầm, có lúc anh phải mất hơn 80 phút mới ra khỏi “cửa ải”này. Theo anh Th., dù thời gian chờ nổ mìn chỉ mất 30 phút nhưng do kẹt xe kéo dài nên di chuyển rất khó khăn. Anh Trần Văn D., lái xe tour Huế- Đà Nẵng cũng cho rằng, sau khi chờ đóng cửa hầm 30 phút để nổ mìn, có ngày, phải mất hơn 30 phút xe mới “bò” ra được phía Bắc cửa hầm Hải Vân…Trước tình trạng này, một số lái xe cho rằng, có ngày, thời gian đóng cửa hầm kéo dài hơn so với quy định nên mới dẫn đến tình trạng xe rồng rắn trên QL1A. Trả lời về việc này, ông Phạm Minh Đức- Giám đốc BQLDA Hải Vân khẳng định: hoàn toàn không có chuyện đó. Có thể do lái xe thấy thời gian chờ đợi quá lâu do tình trạng kẹt xe nên họ có suy nghĩ như vậy…

Được biết, việc đóng cửa hầm Hải Vân diễn ra từ 13 giờ 15 đến 13 giờ 45 hàng ngày để thi công nổ mìn phục vụ thi công mở rộng hầm Hải Vân 2 được Bộ GTVT cho phép. Thời gian thực hiện từ ngày 11-8-2017 đến khi hoàn thành vào tháng 9-2019. Tại văn bản cho phép đóng cửa hầm này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu, BQLDA, nhà đầu tư tiếp tục chủ động phối hợp cùng Cục QLĐB II, Cục QLĐB III, CSGT địa phương tiến hành thực hiện công tác đảm bảo ATGT, phân luồng giao thông cho các phương tiện tham gia giao thông đảm bảo không xảy ra hiện tượng ùn tắc, mất ANTT, đảm bảo cho các phương tiện đi theo đường đèo Hải Vân được thông suốt, an toàn.

Ông Phạm Minh Đức cho biết, lâu nay, BQLDA đã bố trí 3 nhân công/đầu hầm để thực hiện công tác đảm bảo giao thông. “Do lực lượng đảm bảo ATGT quá ít và đặc thù của việc dừng xe, điều khiển, phân luồng giao thông không có chế tài xử lý các vi phạm, ý thức chấp hành hiệu lệnh của lái xe không tốt, dừng đỗ lộn xộn, dàn thành hàng 2 hàng 3, chen lấn giành đường để vào hầm khi hầm mở trở lại, cộng với việc chèo kéo, mời chào bán hàng rong, người trên xe vứt rác xuống đường...Vì vậy, thường xuyên xảy ra tình trạng mất trật tự, vệ sinh, ATGT gây tắc cục bộ làm cản trở những xe có nhu cầu đi tuyến đèo Hải Vân ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân ở hai bên tuyến đường”- ông Đức nói.

Ông Phạm Minh Đức thừa nhận rằng, việc bố trí nhân lực đảm bảo ATGT, với 3 người/đầu hầm chưa đáp ứng được việc dừng xe, phân luồng và công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả công tác ATGT, tiến độ thi công DA, ngày 14-5, nhà đầu tư đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận việc bổ sung thêm 2 người/đầu hầm để điều khiển giao thông. Như vậy, tăng lên 5 người/đầu hầm. Đồng thời, kiến nghị bổ sung thêm một số trang thiết bị phục vụ cho việc đảm bảo ATGT trong khi nổ mìn thi công hầm.

 Đại úy Phan Bảo Trung- Trạm trưởng Trạm CSGT Phú Lộc thuộc Phòng CSGT CA tỉnh TT-Huế cho biết: “Trước đây, nhà đầu tư mở rộng DA hầm đường bộ Hải Vân có hợp đồng với lực lượng CSGT CA tỉnh TT-Huế và CA địa phương tham gia công tác đảm bảo ATGT, phân luồng giao thông cho các phương tiện tham gia nhằm đảm bảo không xảy ra hiện tượng ùn tắc, mất ANTT… ở đoạn cửa hầm phía Bắc Hải Vân nhưng sau này họ đã cắt hợp đồng nên lực lượng CSGT không tham gia nữa”. Cũng theo đại úy Trung, trước đây có xảy ra tình trạng kẹt xe nhưng nay có giảm hơn do các xe họ biết trước giờ nổ mìn nên tránh qua hầm vào thời điểm đó. Tuy nhiên, tình trạng giao thông lộn xộn, xe chen lấn, không tuân thủ theo phần đường…sau giờ nổ mìn cũng diễn ra. Nhiệm vụ đảm bảo ATGT trên tuyến đường trong quá trình thi công DA là thuộc về trách nhiệm của nhà đầu tư.

H.LAN