Báo Công An Đà Nẵng

Giao tranh Israel-Palestine: 11 ngày, hơn 600 triệu USD

Thứ hai, 31/05/2021 17:10

LHQ đã kêu gọi 95 triệu USD viện trợ khẩn cấp cho người Palestine nhằm giải quyết "các nhu cầu rất tức thời" ở Gaza như thực phẩm, y tế và vật tư y tế sau 11 ngày giao tranh đẫm máu.

Người Palestine ngồi trong một căn lều tạm bợ giữa đống đổ nát của ngôi nhà đã bị phá hủy trong các cuộc không kích của Israel. Ảnh: Reuters

Cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas nắm quyền Gaza của Palestine kéo dài 11 ngày đã gây thương vong lớn cho cả hai bên, đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế ở các khu vực giao tranh.

Theo thống kê ban đầu, trong 11 ngày xảy ra chiến sự, phía Hamas bắn khoảng 4.000 quả đạn pháo và tên lửa hướng sang lãnh thổ Israel. Tuy nhiên, một phần trong số này rơi ngay trong lãnh thổ Gaza, phần còn lại vượt qua biên giới đa số đều bị đánh chặn bởi hệ thống phòng thủ "Vòm Sắt" của Israel, hoặc rơi vào các khu vực không có người ở. Vì vậy, thiệt hại trực tiếp về vật chất, chẳng hạn như phá hủy nhà cửa, đường sá, cơ sở sản xuất… do bom đạn gây ra là không lớn nếu xét về quy mô của các trận "mưa tên lửa" như vậy.

Cho đến nay, vẫn chưa có báo cáo chính thức nào về chi phí cũng như thiệt hại kinh tế của cuộc chiến từ phía Israel. Ước tính sơ bộ cho thấy, phí tổn ngoài vũ khí, đạn dược, nhân sự cung cấp cho chiến dịch "Bảo vệ những bức tường" các thiệt hại về kinh tế chủ yếu là dưới dạng gián tiếp, do nhiều doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc để tránh đạn pháo và tên lửa của Hamas, khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ. Ngoài ra, một số ý kiến còn tính cả những thiệt hại vật chất gây ra bởi các cuộc bạo lực sắc tộc giữa các cộng đồng Do Thái và Arab tại nhiều thành phố của Israel, diễn ra trước và sau khi chiến tranh kết thúc.

Trong khi đó, theo truyền thông địa phương, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiêu tốn hơn 100 triệu shekel, tức 11 ngày chiến dịch mất khoảng 1,5 tỷ shekel, cộng thêm các chi phí liên quan thì tổng cộng cả chiến dịch tiêu tốn khoảng trên 2 tỷ shekel (hơn 600 triệu USD). Hiện vẫn chưa rõ các chi phí này có bao gồm hoạt động của hệ thống "Vòm Sắt" hay không, bởi mỗi quả tên lửa đánh chặn của Israel có giá từ 40.000-100.000 USD.

Theo thông báo của Hiệp hội Chế tạo Israel (MAI), có khoảng 50 khu công nghiệp và chế xuất tại nước này trực tiếp bị ảnh hưởng bởi đạn pháo, đều là những sự cố gây thiệt hại không lớn. Thiệt hại của các doanh nghiệp chủ yếu là gián tiếp, ước tính vào khoảng 1,2 tỷ shekel (369 triệu USD). Tuy nhiên, trong những ngày chiến sự, khoảng 35% lực lượng lao động tại các thành phố phía Nam của Israel và 10% tại các thành phố miền Trung gần với biên giới Dải Gaza phải nghỉ việc, khiến sản lượng và doanh số bán hàng giảm mạnh.

Đó còn chưa tính đến các thiệt hại không thể đong đếm chẳng hạn các doanh nghiệp Israel bị mất uy tín về môi trường an ninh an toàn với các đối tác nước ngoài hoặc các đơn giao hàng chậm. Một số tàu chở hàng phải đi vòng qua khu chiến sự. Nhiều chuyến bay ra vào Israel bị hủy do sân bay đóng cửa... Trong đó, thiệt hại nghiêm trọng hơn cả là những dân thường ở Gaza.

LHQ mới đây đã kêu gọi 95 triệu USD viện trợ khẩn cấp cho người Palestine nhằm giải quyết "các nhu cầu rất tức thời" ở Gaza như thực phẩm, y tế và vật tư y tế sau 11 ngày giao tranh đẫm máu. Lynn Hastings, Điều phối viên nhân đạo của LHQ cho các vùng lãnh thổ Palestine, cho biết, tổ chức này đang cân nhắc các nhu cầu nhân đạo hiện tại và sẽ đánh giá các thiệt hại lâu dài và hỗ trợ cần thiết cho các hoạt động tái thiết của người dân Palestine ở các khu vực này. Theo bà Hastings, LHQ đưa ra lời kêu gọi nhằm giải quyết các nhu cầu tức thì bao gồm thực phẩm, y tế, thuốc men và sửa chữa cơ sở hạ tầng cũng như hỗ trợ tiền mặt cho người dân Palestine. Cho đến nay, Qatar đã cam kết chi 500 triệu USD giúp tái thiết Gaza trong khi đó Mỹ cam kết bổ sung 75 triệu USD viện trợ phát triển và kinh tế cho người dân Palestine trong năm 2021 và 5,5 triệu USD hỗ trợ thiên tai cho Gaza và 32 triệu USD cho cơ quan viện trợ Palestine của LHQ ở Gaza.

KHẢ ANH