Báo Công An Đà Nẵng

Giao tranh Ukraine khiến EU rơi vào thế khó

Thứ hai, 14/03/2022 10:21

Khép lại hội nghị hai ngày vào cuối tuần qua tại Cung điện Versailles ở Pháp, lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được đồng thuận nhưng ít tính cụ thể về cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như lời giải cho bài toán tăng cường tự chủ chiến lược.

Các nước châu Âu phụ thuộc phần lớn vào năng lượng từ Nga.

EU đã phản ứng mạnh với Nga bằng hàng loạt biện pháp trừng phạt nặng nề, nhưng tất cả đã gần chạm đến giới hạn do vấp phải trở ngại tưởng như không thể vượt qua trong điều kiện hiện nay là sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu hàng hóa chiến lược từ Nga, đặc biệt là năng lượng.

EU và các nước thành viên đứng trước một bài toán hết sức phức tạp, đó là làm thế nào để cân bằng giữa việc đối phó với Nga, bảo vệ an ninh, các nguyên tắc của liên minh, đồng thời giữ cho châu Âu tránh khỏi cú sốc kinh tế-xã hội lớn. Và đây mới là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của sự kiện đặc biệt này. “Chúng ta phải loại bỏ phụ thuộc vào khí đốt của Nga”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định. Trong bài phát biểu trước hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đề xuất phải “loại bỏ hẳn khí đốt từ Nga" để phát đi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm hành động của EU. Cuộc thảo luận về sự phụ thuộc vào năng lượng do Nga cung cấp, như thường lệ, làm bộc lộ khác biệt trong nội bộ EU.

Làm sao để “cai nghiện” khí đốt Nga?

Các nước thành viên tiêu thụ một lượng lớn khí đốt từ người láng giềng phía Đông, điển hình là Đức, Áo, Hungary, tiếp tục phản đối việc chặn hoàn toàn nguồn cung Nga.

Trước sức ép lớn từ đồng minh, Đức đã phải chấp nhận đình chỉ xem xét phê chuẩn dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, nhưng nước này khó có thể đi xa hơn.Tại Versailles, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hạn chế ảnh hưởng kinh tế cho người dân châu Âu, đồng thời cho biết sẽ chỉ tán thành EU đưa ra những biện pháp trừng phạt có mục tiêu cụ thể để gây sức ép đối với Moscow. Quan điểm này khác với một số nước Đông Âu như Ba Lan, Latvia, kêu gọi EU dừng ngay tức khắc nhập khẩu từ Nga. Thiếu đồng thuận về việc cấm vận khí đốt Nga, EU đã phải bằng lòng với việc nhất trí từng bước cắt giảm nhập khẩu.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đề xuất đến năm 2027 sẽ không cần nguồn dầu khí của Nga nữa, nhưng cũng không thể thuyết phục được tất cả các nước thành viên, giống như một đề xuất khác của EC là giảm hai phần ba lượng khí đốt nhập khẩu từ nay đến cuối năm. Một câu hỏi lớn là, liệu căng thẳng trong quan hệ song phương có dẫn đến việc Nga chặn hoàn toàn đường ống khí đốt sang châu Âu hay không? Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh: “Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản”.

Theo các đề xuất mới, EU sẽ tích lũy khí đốt đến mức 90% của mạng lưới kho dự trữ vào thời điểm đầu tháng 10 hằng năm. Hiện nay, dự trữ khí đốt của EU chỉ đạt 26% năng lực, trong khi giá khí đốt trên thị trường quốc tế đang ở mức rất cao, lên đến 212 Euro/MWh, kỷ lục lịch sử và tăng đến 230% so với hồi đầu năm. Lượng khí đốt từ Nga vẫn chảy đều đặn sang châu Âu từ khi nổ ra cuộc xung đột nhưng Moscow cảnh báo có thể buộc phải khóa một đường ống lớn do lệnh trừng phạt của phương Tây.

Củng cố an ninh quân sự

Độc lập năng lượng mới chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh rộng lớn về những hạn chế của EU khi đối phó cuộc khủng hoảng Ukraine.

Bắt đầu là quân sự, theo đề xuất của Tổng thống Pháp Macron, người luôn coi việc xây dựng tự chủ chiến lược cho EU là ưu tiên trong nhiệm kỳ sắp kết thúc. Pháp đã muốn tranh thủ những động lực tạo ra từ bất ổn tại châu Âu để thúc đẩy các ý tưởng của mình. Chỉ một thời gian ngắn trước, sự hăng hái của Pháp vẫn còn vấp phải thái độ e dè của nhiều nước vì lo ngại sự hội nhập về quốc phòng của EU sẽ chồng chéo với nhiệm vụ của NATO. Nhưng đến nay, ngay cả những nước vốn do dự nhất như Đức hay theo đuổi đường lối trung lập như Thụy Điển đều bày tỏ sự ủng hộ nhất định.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng “đáng kể ngân sách quốc phòng” để đáp ứng những nhu cầu của môi trường an ninh mới. Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, EU sẽ tiếp tục nghiên cứu trong vài tuần nữa và thực hiện chủ trương này một cách phối hợp, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của NATO đối với an ninh châu Âu. EU dự kiến vào ngày 25-3 sẽ công bố Định hướng chiến lược (Strategic Compass), trong đó xác định những mối đe dọa và chiến lược của khối từ nay đến năm 2030. Chưa rõ cuộc xung đột Ukraine có ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch.

KHẢ ANH