Báo Công An Đà Nẵng

Giáo viên cắm bản trèo đèo, vượt lũ để “gieo chữ” vùng cao

Thứ sáu, 16/09/2022 12:58
Điểm trường Khe Nạp đang còn 1 lớp học tạm bợ.

Trèo đèo, vượt lũ, vào bản “gieo chữ”

Hậu quả của trận mưa lũ ngày 4-9 chưa kịp khắc phục xong thì ngày 11-9 lại thêm một trận mưa lũ khác ập đến. Các xã Bảo Nam, Bảo Thắng, Chiêu Lưu của H.Kỳ Sơn là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau hai đợt mưa lũ này. Hiện đường xá vẫn chưa được thông, nước suối vẫn còn lớn, đường bị đất đá vùi lấp khiến việc di chuyển càng khó khăn hơn. Năm nay, mưa lũ trúng vào dịp khai giảng năm học mới nên 5 điểm trường của Trường Mầm non (MN), Tiểu học (TH) thuộc xã Chiêu Lưu và 3 trường MN, TH, THCS xã Bảo Nam không thể tổ chức lễ khai giảng được.

Để đến được các điểm trường, các thầy cô giáo phải đi bộ hàng chục km, vượt qua nhiều đồi núi, khu vực bùn đất lầy lội, sông suối có nước lũ chảy xiết hết sức nguy hiểm.

Cô Lương Thị Bé - GV MN điểm trường ở Huồi Hốc thuộc Trường MN xã Bảo Nam cho biết, cô dạy học ở các điểm trường lẻ gần 20 năm nhưng đây là mùa mưa để lại dấu ấn không thể nào quên. “Sau khi vượt 20 km, băng qua 2 con suối vào điểm trường chính, tôi cùng các đồng nghiệp nghỉ chân tại đây một đêm.Sau đó, tôi cùng 8 đồng nghiệp khác bắt đầu di chuyển lên điểm trường lẻ từ lúc 6 giờ sáng hôm sau. Từ điểm trường chính ở bản Nam Tiến 1, xã Bảo Nam lên điểm trường ở Huồi Hốc cũng hơn chục km. Con đường bị sạt lở nhiều, trơn trượt, bùn đất nhão nhoét, có nhiều đoạn lối mòn nhỏ cheo leo nằm sát sườn núi, bên dưới là vực sâu hun hút. Xác định, việc di chuyển khó khăn nên chúng tôi mang theo cơm nắm, vừa đi vừa nghỉ. Sau hơn 7 tiếng lội bộ, đến 3 giờ chiều, tôi và cô Lô Thị Mai mới vào được điểm trường mình dạy. Còn 6 GV khác ở gần hơn cũng phải mất gần 4 tiếng mới đến được các điểm trường lẻ tại các bản Thảo Đi, Lưu Tân và Hín Pèn (xã Bảo Nam). Vừa đến được điểm trường lẻ, chúng tôi bắt tay ngay vào việc quét dọn, lau chùi bàn ghế, thiết bị học tập để chuẩn bị đón HS đi học” – cô Lương Thị Bé cho biết.

Còn Trường MN Chiêu Lưu 2 (đạt Chuẩn quốc gia), sau 2 trận mưa lũ đã làm sập 50m bờ rào tường xây, 90m bờ rào thép B40; cuốn trôi và làm hư hỏng hệ thống đồ dùng dạy học, đồ chơi của trẻ. Sau khi mưa lũ rút để lại một khối lượng bùn đất trong toàn bộ khuôn viên nhà trường. Phải mất gần 2 ngày, chính quyền xã huy động toàn bộ cán bộ, công chức, dân quân và hàng trăm phụ huynh HS cùng toàn thể cán bộ, GV, nhân viên nhà trường chung tay khắc phục để đón các cháu tới trường. Cô Phan Thị Hiếu- Hiệu trưởng Trường MN Chiêu Lưu cho hay: “Hậu quả của trận mưa lũ lớn ngày chưa kịp khắc phục thì tối 11- 9 tiếp tụcmột trận mưa lớn khác ập xuống làm sạt lở đất, một khối lượng bùn đất đã tràn vào khuôn viên trường. Bên cạnh đó, khe nước Khe Thù dâng cao khiến một số GV nhà ở phía ngoài muốn vào trường phải đi vòng xuống Cửa Rào, H.Tương Dương với quãng đường hàng trăm km mới vào được trường. May mắn, trường được chính quyền địa phương cùng các lực lượng trong xã hỗ trợ trong việc khắc phục hậu quả nên việc đón HS trở lại trường cũng được triển khai kịp thời sau khi dứt đợt mưa thứ hai”.

Các cô giáo Trường MN Bảo Nam vượt nước lũ đến trường.

Còn đó nhiều trăn trở

Xã Bảo Nam, H.Kỳ Sơn là huyện vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, chủ yếu là người dân tộc Khơ Mú. Hiện xã có 10 bản nằm trải dài trên diện tích hơn 60km2. Để áp ứng công tác dạy - học, ngoài điểm trường chính đóng tại bản Nam Tiến 1, Trường MN Bảo Nam còn có 10 điểm trường lẻ với 21 GV. Tất cả đều là GV nữ, trong khi các điểm trường lẻ cách điểm trường chính khá xa, việc di chuyển rất khó khăn và nguy hiểm vào mỗi mùa mưa bão.

Trong số các điểm trường lẻ, điểm trường ở bản Khe Nạp của xã Bảo Nam cách điểm trường chính 65km. Từ điểm trường chính, nếu muốn đi vào bản Khe Nạp, các cô giáo phải di chuyển ra Mường Xén khoảng 20km, sau đó đi thêm 45km (trong đó 8km đường đất) mới vào được điểm trường. Cô Phạm Thị Tuyết - Hiệu trưởng Trường MM Bảo Nam, cho biết, đây là điểm trường lẻ có số HS đông nhất với 45 cháu. Hiện tại, điểm trường này đã được hỗ trợ xây dựng 1 phòng đã sử dụng. Còn lại vẫn còn 1 phòng học tạm được mở từ 3 năm nay. “Nói là phòng học nhưng thực ra phía trước được dựng bằng gỗ còn phía sau được chắp vá bằng phên tre nứa tạm bợ để có chỗ cho các cháu học. Tại điểm trường này có 2 GV cắm bản và hiện các cô đang phải ở tạm trong một gian nhỏ sát bên phòng học đã xây, mọi sinh hoạt cũng rất khó khăn, chật chội. Hiện nhà trường đang xin hỗ trợ để xây phòng học này nhưng vẫn chưa thực hiện được” – cô Phạm Thị Tuyết cho biết.

Qua cô Tuyết, được biết, dù khó khăn đến mấy, các GV trong trường luôn luôn đồng thuận,sẵn sàng vượt khó đến các điểm trường để khắc phục hậu quả mưa lũ sớm đón HS trở lại trường.

Dương Hóa