Báo Công An Đà Nẵng

Giáo viên miền núi khổ sở vì thiếu nhà công vụ

Thứ ba, 05/01/2016 11:55

(Cadn.com.vn) - Giải quyết nhu cầu về nhà công vụ cho giáo viên (GV), nhất là giáo viên ở địa bàn vùng sâu, vùng xa có thể coi là giải pháp để giữ chân đội ngũ cán bộ, giáo viên (CBGV) tiếp tục công tác giảng dạy, yên tâm gắn bó với trường lớp, góp phần vào sự phát triển toàn diện, bền vững của sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên hiện nay, nhu cầu nhà công vụ cho giáo viên vẫn còn rất lớn. Nhiều nơi, đội ngũ CBGV đang ngày ngày sống trong những căn nhà tạm bợ, thiếu thốn đủ bề và đối mặt với môi trường sống hết sức khắc nghiệt.

GV không thể yên tâm

Có mặt tại các điểm trưởng Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú Tiểu học (TH) Trà Leng (xã Trà Leng) và Trường mầm non và TH Ngọc Linh (xã Trà Linh, H. Nam Trà My, Quảng Nam), chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến cảnh các thầy, cô và học sinh đang phải học tập, sinh sống trong các gian nhà tạm, nền đất nhão nhoẹt sau cơn mưa. Các nhà công vụ của đội ngũ CBGV đều lợp tôn, thưng bằng những tấm ván hay phên nứa sơ sài, mục nát.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu đất dành để xây dựng khu nhà công vụ mới cho CBGV nhà trường, thầy Bùi Quang Ngọc - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH Trà Leng cho biết: Sau khi khảo sát, Ban giám hiệu nhà trường cũng như tập thể hội đồng sư phạm thống nhất chọn khu đất này để xin nguồn vốn xây thêm nhà công vụ cho GV. Dẫu rằng hiện nay vấn đề giải quyết chỗ ăn ở cho đội ngũ GV là hết sức cấp bách, tuy nhiên, với mong muốn học sinh có điều kiện học bán trú tốt hơn nên nhà trường quyết định nhường lại phần diện tích đất này để xây nhà ở cho học sinh bán trú.

Nói về cuộc sống của tập thể CBGV, thầy Ngọc giọng buồn: "Trường TH Trà Leng có tất cả 9 điểm trường lẻ và 1 điểm trường chính, với 27 CBGV, 315 học sinh. Ở điểm trường chính, mười mấy GV sống chen chúc trong 4 căn phòng chật hẹp, ẩm thấp, hư hại lâu năm nay đã xuống cấp nặng nề. Ở các điểm lẻ, cơ sở vật chất trường lớp hết sức tạm bợ. Điều kiện ăn ở của GV cắm bản khó khăn".

Tại điểm trường chính Trường mẫu giáo Trà Leng, sau giờ tan lớp, cô giáo Trần Thị Hoàng Oanh - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường mẫu giáo Trà Leng tiếp chúng tôi trong căn phòng chật hẹp dùng chung cho cả nơi làm việc của Ban giám hiệu, văn phòng, lưu trữ tài liệu và cũng là nơi ăn ở sinh hoạt của CBGV. Theo cô  Oanh, hiện nay, ngoài điểm trường chính nằm ở trung tâm xã, Trường mẫu giáo Trà Leng có thêm 6 điểm trường khác nằm rải rác khắp các thôn, nóc. Cơ sở vật chất trường lớp chỉ là những phòng ốc tạm bợ. "Điều kiện ăn ở của GV hết sức khó khăn. Chưa có nhà công vụ, GV chỉ ở tạm trong những căn phòng do người dân thôn bản chung tay dựng lên ngay điểm trường. Nhiều nơi chưa có nhà ở, GV phải ở nhờ nhà dân, mọi sinh hoạt đều hết sức bất tiện. Nhất là những ngày mưa, rét giữa rừng núi heo hút, ai cũng mong muốn có một ngôi nhà công vụ chắc chắn để ở. Thực sự mà nói, không có nhà công vụ, GV không thể an tâm đứng lớp", cô Oanh trăn trở.

Thầy giáo Lê Hồng Thứ - giáo viên Trường mẫu giáo và tiểu học Ngọc Linh tự tay dựng nhà ở cho chính mình ngay tại điểm trường Tak Ngoc.

Vấn đề cấp bách cần giải quyết

Cũng như nhiều trường học trên địa bàn miền núi tỉnh Quảng Nam, Trường Mẫu giáo và TH Ngọc Linh (xã Trà Linh, H. Nam Trà My) có đến 9 điểm trường mẫu giáo và 7 điểm trường tiểu học. Thầy Nguyễn Thành Hùng - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: "Tất cả các điểm trường đều ở xa trung tâm xã, có những điểm trường phải đi bộ cả ngày đường mới đến nơi. Để đảm bảo công tác dạy học, phần lớn các thầy, cô giáo phải sống ngay tại điểm trường. Tuy nhiên, ngày ngày GV phải sống trong những căn phòng tạm, tồi tàn. Bởi vậy, điều mong muốn lớn nhất đối với đội ngũ CBGV là có một mái nhà công vụ vững chãi để có thể yên tâm dạy học".

Để giải quyết bài toán này, trong thời gian qua, UBND H. Nam Trà My đã huy động nhiều nguồn lực từ các chương trình, dự án khác nhau, cùng nguồn vốn xã hội hóa đã tập trung kiểm tra, rà soát, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xây dựng thêm một số phòng lớp học. Nhưng đến nay, toàn huyện vẫn còn khoảng 101 phòng công vụ xây dựng tạm bợ, đó là chưa kể số lượng nhà công đang xuống cấp nghiêm trọng.

Theo ông Nguyễn Đình An - Trưởng phòng GD-ĐT Nam Trà My, để giải quyết chỗ ở cho CBGV trên địa bàn toàn huyện thì cần đến gần 300 phòng ở công vụ. Ngành GD-ĐT H. Nam Trà My mong muốn các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn đến đời sống của CBGV, để họ có thể yên tâm công tác và cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục miền núi.

Trong nhiều lần trao đổi với Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, Hà Thanh Quốc, về những vấn đề khó khăn mà ngành GD-ĐT tỉnh đang phải đối mặt, ông luôn dành thời gian, tình cảm để nói về đội ngũ CBGV đang công tác tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khi đến với H. miền núi Nam Trà My, chúng tôi cũng được nghe những lời tâm sự thật lòng của ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND H. Nam Trà My: "Xin nhà báo, phóng viên viết bài quan tâm đến vấn đề nhà công vụ GV, đây là vấn đề mà chính quyền, ngành GD-ĐT địa phương hết sức trăn trở trong thời gian qua nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết thấu đáo".

Khải Minh