Báo Công An Đà Nẵng

Giáo viên "vượt rừng, xẻ núi" đưa nước sạch về trường

Thứ bảy, 17/10/2015 10:39

(Cadn.com.vn) - Trong chuyến công tác lên huyện miền núi Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), chúng tôi thật sự cảm phục tấm lòng và ý chí của những người cán bộ, giáo viên ở đây, họ đã không quản ngại gian khổ "băng rừng, xẻ núi" để đưa nước sạch về trường...

Cần có sự chung tay của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ trường học
xây dựng công trình nước sạch.

Nhà trường bỏ tiền, giáo viên bỏ công

Chúng tôi đến thăm Trường Tiểu học và THCS Phước Thành (xã Phước Thành, H. Phước Sơn, Quảng Nam) khi giáo viên đang chuẩn bị nấu cơm trưa cho học sinh bán trú. Ngồi rửa rau dưới vòi nước sạch đang tuôn chảy, cô giáo Nguyễn Thị Vạn Hạnh phấn khởi nói: "Từ khi có nguồn nước sạch sử dụng, công tác phục vụ sinh hoạt cũng như việc nấu ăn phục vụ bán trú cho học sinh nhà trường thuận lợi hẳn. Có nguồn nước đảm bảo vệ sinh sử dụng, giáo viên, học sinh rất yên tâm".

Dẫn chúng tôi đi xem hệ thống đường ống dẫn nước, chứa nước phục vụ sinh hoạt, ăn ở cho học sinh, thầy Nguyễn Văn Mẫn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Phước Thành chia sẻ: Để có được nguồn nước sử dụng hợp vệ sinh như hiện nay là vấn đề không phải đơn giản đối với một trường học đóng chân trên địa bàn vùng cao. Bởi vậy, khi công trình dẫn nước tự chảy đưa nước về tới trường, niềm vui của tập thể giáo viên, học sinh như vỡ òa. Có được nguồn nước đảm bảo vệ sinh phục vụ sinh hoạt ngay tại trường đã chấm dứt cảnh giáo viên, học sinh xuống suối xách nước về sử dụng, xóa bỏ nỗi lo nguồn nước bị ô nhiễm, gây bệnh tật.

Điều khiến chúng tôi khá bất ngờ là toàn bộ hệ thống dẫn nước đều được nhà trường chắt chiu kinh phí hoạt động để mua sắm. Việc lắp đặt đường ống để đưa nguồn nước về trường cũng chính do bàn tay cán bộ, giáo viên trong trường thực hiện. Nhớ lại việc này, thầy Mẫn tâm sự: "Thật sự khi bắt tay vào thực hiện lắp đặt đường ống dẫn nước, ai cũng có cảm giác lo lo bởi khối lượng công việc rất lớn, nặng nhọc, địa hình lại phức tạp, nguy hiểm. Tuy nhiên, trước nhu cầu bức thiết nên ai cũng hăng hái, quyết tâm chung tay làm. Sau một thời gian dài gắng sức, bất chấp gian khổ, hệ thống đường dẫn nước "xuyên núi, xẻ rừng" cũng đưa được nước về trường".

Giáo viên, học sinh yên tâm khi có nguồn nước sạch sử dụng.

Cần sự đầu tư từ chính quyền

Để công trình dẫn nước về trường hoạt động thông suốt, công tác duy tu, bảo dưỡng, khắc phục sửa chữa cũng do chính cán bộ, giáo viên phụ trách. Càng cảm động hơn khi thầy Hiệu trưởng trực tiếp quản lý, điều hành công việc này. Là lãnh đạo nhà trường nhưng thầy Mẫn cùng giáo viên "trèo đèo, vượt núi" thực hiện công tác khắc phục, sửa chữa đường ống mỗi lúc bị hư hại. "Trong thực tế đã có nhiều nơi, nhiều trường được đầu tư xây dựng công trình nước sạch, tuy nhiên, do công tác bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng hay khắc phục sửa chữa không tốt dẫn đến công trình không sử dụng được hoặc sử dụng được nhưng không mang lại hiệu quả. Chính điều đó vừa gây lãng phí, vừa gây ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp của trường học, của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Hơn nữa đây là công trình do nhà trường tự bỏ kinh phí ra xây dựng nên công tác bảo vệ, sử dụng phải được thực hiện tốt. Là người chịu trách nhiệm đứng đầu trường học thì trách nhiệm, ý thức và việc làm của mình càng phải cao hơn", thầy Mẫn chia sẻ.

Chỉ 1/3 giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ

Theo thống kê của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, tính đến tháng 7-2015, có 22.770 giáo viên tiếng Anh phổ thông đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ trên tổng số 69.691 giáo viên các cấp (tỷ lệ trên 32%). Tỷ lệ này ở mỗi cấp học khác nhau. Cụ thể, đối với cấp tiểu học có gần 6.000/18.922 giáo viên (31,7%), THCS hơn 12.300/33.741 giáo viên (36,5%), THPT có số giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ thấp nhất, chỉ có khoảng 4.400/17.028 (25,83%). Số lượt giáo viên tiếng Anh phổ thông đã được bồi dưỡng trong nước là 877/69.691, bồi dưỡng ở nước ngoài là 1.978/69.691. Trong thời gian tới, đề án tiếp tục chủ trương tập trung nâng cao năng lực dạy tiếng Anh cho giảng viên và giáo viên.

TN

Theo thầy Nguyễn Ngọc Triên - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Phước Thành, công trình dẫn nước không chỉ được nhà trường đầy tư xây dựng cho điểm trường chính, mà hiện nay các điểm trường lẻ đều đã có nguồn nước đảm bảo hợp vệ sinh phục vụ cho giáo viên, học sinh sử dụng. Tuy nhiên, trăn trở của lãnh đạo nhà trường là trước nhu cầu học sinh ở bán trú ngày càng tăng thì việc đầu tư xây dựng công trình dẫn nước yêu cầu chắc chắn hơn. Vì vậy, nhà trường cần nhận sự quan tâm đầu tư từ chính quyền địa phương nhằm đảm bảo cho nguồn nước được vận hành sử dụng lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh.

"Để đảm bảo công trình nước luôn luôn hoạt động thông suốt, hàng tháng nhà trường đều bỏ kinh phí đầu tư khắc phục sửa chữa. Tuy nhiên, có một vấn đề mà nhà trường luôn thắc mắc là trong thời gian 3 năm qua, tháng nào nhà trường cũng phải trả 300 ngàn đồng tiền phí nước và ngay từ đầu năm học này, mức đóng tăng lên 500 ngàn đồng/tháng. Điều khó hiểu hơn nữa khi người đứng ra thu tiền phí là một cá nhân ở địa phương. Chính vì vậy, rất mong chính quyền địa phương điều tra làm rõ, giúp nhà trường tiết kiệm được kinh phí để đầu tư sửa chữa duy trì, đảm bảo cho công trình hoạt động".

Khải Minh