Báo Công An Đà Nẵng

TƯ VẤN PHÁP LUẬT VÀ DOANH NGHIỆP:

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thể bị hủy nếu có động cơ không trung thực

Thứ hai, 30/06/2014 11:40

(Cadn.com.vn) - Có “động cơ không trung thực (ĐCKTT)” khi đăng ký nhãn hiệu (ĐKNH) là hiện tượng xuất hiện tại tất cả các nước có hệ thống đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT). Luật SHTT không có một định nghĩa cụ thể thế nào là ĐCKTT. Tuy nhiên, khái niệm này được ghi nhận rải rác ở nhiều văn bản pháp lý khác nhau. Về cơ bản, ĐCKTT trong quá trình đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu xuất hiện khi một bên cố ý xin ĐKNH trên cơ sở nhãn hiệu nổi tiếng hoặc nhãn hiệu có trước của người khác (ví dụ: người nộp đơn có quan hệ kinh doanh từ trước với chủ sở hữu nhãn hiệu như từng là đại lý, nhà phân phối…).

Trong việc thẩm định đơn ĐKNH, Cục SHTT hầu như không chủ động xem xét về ĐCKTT của người nộp đơn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, dù không có đơn phản đối của một bên thứ ba, Cục SHTT vẫn từ chối cấp văn bằng bảo hộ do nhãn hiệu xin đăng ký trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu mà Cục SHTT cho là nổi tiếng. Trong trường hợp này, Cục SHTT coi nhãn hiệu xin đăng ký có ĐCKTT. Trong thực tế, nếu một bên thứ ba khiếu nại với Cục SHTT về một trường hợp ĐKNH có ĐCKTT, bên thứ ba phải có nghĩa vụ chứng minh bằng việc nộp cho Cục SHTT các bằng chứng xác đáng.

Cục SHTT sẽ thông báo cho bên bị khiếu nại và yêu cầu phải trả lời trong khoảng thời gian nhất định. Trong nhiều trường hợp, Cục SHTT còn đưa ra quan điểm của mình trong thông báo đó. Do vậy, để tránh những hành vi ĐKNH có ĐCKTT, DN nên cân nhắc thực hiện những biện pháp như sau: một là, nộp đơn đăng ký độc quyền nhãn hiệu đối với nhãn hiệu đang sử dụng tại Việt Nam càng sớm càng tốt. Hai là, thường xuyên quan tâm theo dõi các đơn ĐKNH được công bố trên công báo để có thể nộp đơn phản đối khi cần thiết.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn
của Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng.
Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0511.3600109 – 0905102425