Báo Công An Đà Nẵng

Giêng, hai đi “Xem tương lai”

Thứ năm, 20/02/2014 09:00

* BÀI 1: “THÁNH” PHÁN RỢN NGƯỜI!

(Cadn.com.vn) - Tiếp tục thâm nhập các điểm xem bói, bốc quẻ, tử vi... trong những ngày đầu năm, ghi nhận thực tế của chúng tôi là: lời phán của những ông “thầy”, bà “cô”, “chiêm tinh gia” về hậu vận chưa đến hồi kiểm chứng, song tác động của nó đến tâm lý những người đi “xem tương lai” gần như tức thì, làm xáo trộn đời sống tinh thần của không ít cá nhân, gia đình, cộng đồng...

Bây giờ, những gì “cô”, “thầy” phán không sai là mấy so với Google.

PHÁN NHƯ... GOOGLE!

Nghe chị hàng xóm mách nước “sang cô H. ở đường Hoàng Diệu mà xem, chính xác lắm!”, tôi chạy xe máy lòng vòng mãi trong con kiệt sâu hun hút của đường Hoàng Diệu (Đà Nẵng), hỏi thăm năm lần bảy lượt mới tìm được nhà “cô” H. Căn nhà trông khá thâm u, ở dưới là nơi sinh hoạt, tiếp khách, trên gác được ngăn thành 2 nửa, nửa trong là buồng ngủ của “cô”, nửa ngoài là “đại am” hành lễ. Khác với hình dung của tôi về những người xem tướng số, “cô” H. còn khá trẻ, trắng, nõn nà và lối ăn nói rất... trẻ. Thắp nhang vái lạy “cõi trên” giới thiệu người mới đến, “cô” không nhìn, hỏi tôi:

- Mới qua?

- Dạ, nhờ chị X. giới thiệu...

- Ừ, chỗ quen biết giới thiệu nên ưu tiên chứ người ta còn chờ cả “bầy” dưới đó. Mà lạc đường chứ gì?

- Tại kiệt lòng vòng...

- Không, con phải lạc đường, vì đó là “bề trên” thử thách sự thành tâm và kiên nhẫn của con. Con đến được đây là “linh” đó!

Tiếp tục khấn vái lầm rầm, lúc sau “cô” dừng lại, đưa chiếc đĩa, 3 đồng tiền, bảo tôi thả. Tiếng đồng tiền rơi lẻng xẻng, 2 sấp, một ngửa hiện ra. “Cô” nhìn 3 đồng tiền rồi nhìn tôi, mặt khá tươi, bảo năm nay đúng là năm phát tài, mọi sự hanh thông, không khéo còn được đề bạt làm sếp. Thấy tôi tỏ ra hớn hở, “cô” nghiêm mặt:

- Đừng mừng vội, trắc trở cũng nhiều đó!

-  “Cô” cứ dạy.

- Tuổi gì?

- Dạ, Bính Thìn.

- Tuổi Bính Thìn năm nay có quý nhơn phù trợ nên rất thuận lợi đường công danh, sự nghiệp. Tuy nhiên, đi cùng với đó là tiểu nhơn hãm hại, thọc gậy sau lưng nên con phải cẩn thận.

- Nghề của con có cạnh tranh với ai đâu thưa “cô”!

- Nói nhảm, đến người lượm ve chai còn phải cạnh tranh nữa là làm việc trong cơ quan Nhà nước. Coi chừng không ngóc đầu lên được chứ đừng nói thăng quan.

- Vậy con phải làm gì ạ?

- Giải hạn. Giải hạn là hanh thông. Cứ để đó “cô” lo cho, ra lễ này chỉ 2 triệu thôi. Nhiều người gặp hạn nặng, phải ra lễ cả mấy chục triệu chứ tưởng giỡn. Đừng tiếc tiền! Chỗ quen biết, mấy hôm nay bận quá, ít bữa nữa sang đây “cô” ra lễ cho để yên tâm làm ăn.

Tôi đặt tờ 100.000 đồng lên chiếc đĩa giữa bàn thờ rồi cáo từ ra về thì cô dặn với theo: “Nói con X. hôm sau cô sang nhậu một bữa, Tết nhất bận quá không qua được!”.

Theo lời “cô” phán, tôi về gõ google tra thì “y chang”.

Một ngày xem bói bài, bà Th. cũng kiếm được tiền triệu.

“ĐÂY NÓI, ĐÓ CHỈ CÓ NGHE!”

Chị hàng xóm dẫn tôi lòng vòng một lúc rồi rẽ vào con đường nhỏ nằm sau Khu du lịch Non Nước (Q. Ngũ Hành Sơn), nơi bà Th. được người ta đồn là “xem bói bài cực hay”. Nhà bà Th. cũng khá đông người ngồi đợi. Sau lúc chờ đợi, tôi và chị hàng xóm được gọi vào. Vừa ngồi, bà đã chỉ mặt chị hàng xóm: “Mặt mũi chi buồn thườn thượt rứa?”. “Dạ, trước Tết con chơi biêu, bị giật mấy chục triệu, chồng la hoài” - chị hàng xóm trả lời. Xóc xóc bộ bài, “cô” xòa ra, nhìn rồi phán: “Năm nay gặp hạn, nhưng may mắn của đi thay người”. Rồi lại xóc bài, bảo chị hàng xóm rút 3 lá, bài lật ra, bà nhìn, tiếp tục:

- Chửi mắng chỉ là cái cớ, chồng có bồ nhí nên mới dựa vào đó.

- Dạ không, ổng đi làm hết giờ là về chứ không đi mô, làm chi có bồ.

- Nhìn đây nầy. Con này là ổng, con này là chị, con này là người thứ ba, trẻ đẹp, hấp dẫn hơn. Hạnh phúc của chị đang bị “bức tường lửa” ngăn cách.

- Dạ, con khẳng định là ổng không có bồ đâu cô.

- Im, đây nói thì đó chỉ có nghe, không được cãi. Đây nói là nói trên chính những con bài đó rút ra chứ không phải đây rút. Bài chỉ rõ ràng như vậy, chẳng lẽ đây nói sai - bà gắt rồi nhìn đăm đăm vào chị hàng xóm của tôi như dò tìm điều gì. Sắc mặt chị tái mét, “cô” tiếp:

- Tiền bạc đi thì nó sẽ về, yên tâm đi. Còn chuyện bồ bịch của ổng, may mà biết sớm để còn ngăn chặn chứ không thì khổ.

- Rứa con phải làm răng để giữ ổng?

- Đây chỉ xem chứ không có trách nhiệm giữ chồng cho đó. Biết vậy là được, tự tìm cách mà giữ gìn hạnh phúc. Phá “bức tường lửa đi”. Rồi chợt bà gay gắt:

- Mà chị ăn chơi vừa vừa ấy, đừng tự phá nát hạnh phúc của mình.

- Con có ăn chơi chi mô cô!

- Cãi, lại cãi. Đây nói, đó chỉ có nghe! Con bài nó nói lên tất cả chứ đây không bịa. Ồn quá!

Chị hàng xóm run run rút tờ 100.000 đồng đưa cho bà Th., lí nhí cảm ơn rồi cáo lui. Bà Th. đón tờ tiền, mặt bớt nhăn hơn, vẫy người khác vào.

LÊN ĐỒNG CŨNG... NHẦM!

Trên đường về, chị hàng xóm hỏi tôi “bức tường lửa” là gì vì chị không hiểu. Rồi để chắc chắn, chị rủ tôi tìm đến thầy T. mà theo chị thì “thầy” được người ta đồn là “nhập xác cô ba” nên gọi là “cô ba”, rất thiêng.

Căn phòng hành lễ trên gác của “cô ba” chừng 5-6m2, trông khá kỳ bí và ngập ngụa khói nhang. Sau chừng 20 phút chờ đợi, chúng tôi được diện kiến “cô”. “Cô ba” mồ hôi nhễ nhại đón chúng tôi bằng cái nhìn sắc lẻm: “Vợ chồng hành lễ đi, cần gì cứ xin!”. Chị hàng xóm định phân bua thì “cô” bảo: “Đừng nói gì cả, cứ thành tâm rồi có kết quả”. Chúng tôi hành lễ, “cô” khấn vái rồi bất thình lình nhảy, giật, trông phát khiếp và thốt giọng the thé đến rợn người: “Ăn ở bạc, thánh thần khó dung! Chúng mày là lũ khốn! Vô ơn! Con mẹ này phải vào chùa gửi phận 3 tháng 10 ngày mà xá tội, bằng không khó tránh tai họa khủng khiếp...”. Lúc sau, “cô ba” ngả nghiêng rồi đánh rầm một cái, xếp bằng như người ta ngồi ăn cỗ, còn chị hàng xóm trán tứa mồ hôi.

Đưa ly hớp ngụm nước cái ực, “cô ba” giải thích: “Bà tổ cô nhập về, trách vợ chồng ăn ở bạc nên bắt tội. Chị phải vào chùa phục dịch 3 tháng 10 ngày mới rửa được tội. Thôi, coi chùa nào đó được thì xin vào tu mà xá tội. Nhớ là phải ra lễ trước để báo cáo. Nếu làm ở đây, “cô” lo cho, 8 triệu trọn gói”.

- Dạ, “cô xem có giảm được không ạ, vợ chồng con khó khăn quá!”, tôi run run.

- Mức lễ là rứa, mà nếu khó khăn, cô làm phước cho, lấy 6 triệu đồng.

- Để vợ chồng con về lo tiền lễ, giờ con gửi cô chút gọi là lễ mọn lòng thành” - tôi đặt tờ 200.000 đồng lên chiếc đĩa trước ánh nhìn đầy thất vọng của “cô ba” rồi nắm tay chị hàng xóm vội vàng xuống gác...

Phóng sự: Nhật Minh
(còn nữa)