Báo Công An Đà Nẵng

Giết mổ gia súc, gia cầm -những điều trông thấy

Thứ bảy, 12/04/2014 10:23

(Cadn.com.vn) - Lâu nay, người tiêu dùng TP Đà Nẵng đôi phần an tâm vì trên địa bàn và các tỉnh lân cận không xảy ra tình trạng nông dân sử dụng chất tăng trọng độc hại vỗ béo cho gia súc, gia cầm (GS, GC).

Tuy nhiên, với những gì đã chứng kiến từ chuyến đi thực tế vừa qua, chúng tôi không khỏi giật mình bởi người tiêu dùng đang đối mặt với những nguy cơ khác, đang tiềm ẩn đó là tình trạng mất VSATTP trong khâu giết mổ, vận chuyển... 

Gia cầm bày bán công khai tại các chợ nội thành. 

Heo mổ lậu, bò bơm nước      

Từ ngày 1-4-2014, trên địa bàn TP Đà Nẵng chỉ có 8 cơ sở được cấp phép giết mổ GS, GC, gồm: Trung tâm chế biến GS, GC Đà Nẵng, 4 HTX giết mổ tại Hòa Thọ Tây, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Phước và 3 cơ sở giết mổ tư nhân tại P. Hòa Phát, Hòa Khánh Bắc hoạt động. Riêng 24 điểm giết mổ nhỏ lẻ ở các xã vùng sâu, vùng xa, như: Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Phú... bị đình chỉ hoạt động.

Đồng thời UBND TP hỗ trợ mỗi HTX 50 triệu đồng mua sắm trang thiết bị, chuyển đổi việc giết mổ sàn sang giết mổ treo và hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở mua sắm trang thiết bị, đảm bảo vệ sinh khi vận chuyển thịt GS,GC đi tiêu thụ. Tuy nhiên, liệu những động thái tích cực đó có làm người tiêu dùng... an tâm?

Khoảng 4 giờ sáng một ngày đầu tháng 4, chúng tôi có mặt tại các lò mổ nhỏ lẻ tại xã Hòa Phú và Hòa Liên. Mặc dù không hoạt động công khai nhưng việc giết mổ, mua bán, vận chuyển thịt đi tiêu thụ khá rộn ràng.

Tại đây chúng tôi chứng kiến cảnh những chú heo vừa chích điện được kéo ngay ra sàn xi-măng ẩm ướt dính đầy lông, tiết heo để mổ, sơ chế thịt và nội tạng. Sản phẩm chuyển đi tiêu thụ chỉ che đậy sơ sài, bằng bao tải hoặc giỏ xách không đảm bảo vệ sinh.

Ngày 7-4, có mặt tại Trung tâm chế biến GS, GC Đà Nẵng, chúng tôi chứng kiến cảnh giết mổ, vận chuyển thịt đi tiêu thụ tại các chợ tuy đã tuân thủ theo quy định như thịt được bỏ vào thùng tôn khi vận chuyển bằng xe máy, tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số người buôn bán nhỏ chở thịt không được che chắn...

Cách đây không lâu, ở Đà Nẵng phát hiện tình trạng một số chủ lò mổ bơm nước vào dạ dày bò trước khi mổ để tăng trọng lượng. Sau đó Chi cục Thú y đã tăng cường kiểm tra, xử phạt các đối tượng vi phạm nên tình hình có giảm đi nhưng vẫn còn một số đối tượng cố tình vi phạm.    

Cũng trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết thị trường Đà Nẵng đang tiêu thụ một lượng lớn thịt heo, bò được vận chuyển theo đường "tiểu ngạch" từ các địa phương lân cận, như: Quảng Ngãi, Quảng Nam, TT-Huế. Cụ thể, lúc 5 giờ ngày 9-4-2014, xe ô-tô tải loại 500kg BKS 76M-138x đang giao thịt bò cho bà L. chuyên bán thịt bò tại vỉa hè gần chợ Cẩm Lệ.

Ngoài ra, còn có một số phương tiện vận chuyển thịt heo, bò từ Quảng Nam ra Đà Nẵng thông qua các tuyến đường QL14B, Điện Tiến-Đà Nẵng... không có chốt kiểm soát nên ai có thể đảm bảo số thịt này đảm bảo VSATTP.

Lò giết mổ gia cầm tại chợ Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu.

Nạn giết mổ gia cầm tại các chợ nội thành 

Ngoài thịt heo, thịt bò, mỗi ngày người tiêu dùng Đà Nẵng còn tiêu thụ gần 50.000 con GC các loại. Theo quyết định của UBND TP, hoạt động mua bán, giết mổ GC chỉ được thực hiện tại các chợ Miếu Bông (Hòa Phước), Túy Loan (Hòa Phong), Hòa Vang, Thanh Vinh (Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu).

Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi thì tình trạng mua bán, giết mổ GC đều tràn lan tại các chợ trong nội thành. Ông N.T.M, trú Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu cho biết: Từ khi chợ Hòa Khánh dời về địa điểm mới, một số người đến đây thuê 3 lô đất liền kề trên đường Vũ Ngọc Phan để giết mổ GC.

Việc mua bán, giết mổ tại đây diễn ra một cách công khai, tấp nập, không tuân thủ đúng các tiêu chí về ATVSTP. Hàng ngày, nước thải, lông hàng ngàn con gà, vịt và các chất thải từ GC... được đổ xuống cống nước thải sinh hoạt gây ô nhiễm đến môi trường trong khu dân cư. Điều lo lắng nhất là trong thời điểm diễn ra dịch cúm GC, các cơ sở này vẫn "vô tư" thực hiện việc giết mổ mà vẫn không có cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý.

Nhiều người dân phản ánh sự việc nhưng đều nhận được những câu trả lời: Sẽ chuyển các hộ mua bán giết mổ GC từ chợ Hòa Khánh về chợ Thanh Vinh song không nêu rõ thời hạn di dời. Cho nên, hơn 5 năm trôi qua, câu trả lời trên vẫn tồn tại trên giấy và tình trạng mất vệ sinh trong khu dân cư do giết mổ GC vẫn tái diễn.

Không riêng  tại chợ Hòa Khánh, tình trạng mua bán, giết mổ GC vẫn diễn ra tại các chợ trong khu vực nội thành, như: Chợ Mới (Hòa Thuận Đông, Hải Châu), chợ Cẩm Lệ (P. Khuê Trung, Cẩm Lệ) và các chợ thuộc địa bàn Q, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Điều bức xúc nhất của người dân sống trong khu vực gần các lò mổ GC là tình trạng vệ sinh môi trường bị ô nhiễm nặng.

Do các chất thải đều không được thu dọn một cách khoa học, không được tiêu độc, khử trùng thường xuyên dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường và mang các mầm bệnh nguy hiểm lây lan trong khu dân cư, có nhiều gia đình mắc bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy...

Có lò mổ, chỉ cần có mặt bằng vài chục mét vuông, mỗi ngày có thể giết mổ hàng trăm con gà, vịt. Để đối phó, những người hành nghề giết mổ GC tại các chợ thường thuê mặt bằng nằm ngoài khu vực quản lý của Ban Quản lý chợ... nhằm tránh nghĩa vụ nộp thuế cùng các khoản lệ phí khác và nhất là dễ bề đối phó khi lực lượng chức năng ra quân kiểm tra.

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng này,  ông Trần Tới-Chi cục phó Chi cục Thú Y Đà Nẵng cho biết: Xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ thực tế của người dân và tập quán mua bán tại địa phương nên khó có thể quản lý được việc mua bán, giết mổ GC sống nhỏ lẻ tại các chợ khu vực nội thành. Việc quản lý hoạt động này thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương.

M.T