Báo Công An Đà Nẵng

Gìn giữ "lá phổi xanh" thành phố

Thứ tư, 17/01/2018 18:00

Lâu nay, việc khai thác trái phép tài nguyên rừng đang là vấn đề nóng bỏng xảy ra ở nhiều nơi. Thế nhưng, ở xã Hòa Phú, H.Hòa Vang, Đà Nẵng vẫn tồn tại nhiều khu rừng nguyên sinh rất có giá trị mà người dân nơi đây đã đồng lòng cùng với chính quyền bảo vệ. Nhìn các thảm rừng đầu nguồn xanh tươi tốt giáp ranh với các H. Đông Giang, Đại Lộc (Quảng Nam) hiện nay, chúng tôi như cảm giác nó đang góp thêm cho đời sự dịu êm, trong lành và cũng đem lại sự ấm no cho cư dân địa phương. Để khôi phục và phát triển gần 5.300ha rừng trên địa bàn, trong đó có hơn 3.000ha rừng nguyên sinh làm "lá phổi xanh" cho thành phố, những người giữ rừng nơi đây phải nỗ lực tuần tra, bảo vệ ngày đêm.

Những người giữ rừng xã Hòa Phú quây quần bên đống lửa, xua tan giá lạnh.

Phó Trưởng CAX Hòa Phú Nguyễn Văn Quy cho biết, sau ngày đất nước thống nhất, một phần do hậu quả chiến tranh, phần còn lại do người dân dưới xuôi lên rừng, lấy gỗ về làm nhà; người dân gần rừng thì phá lấy củi làm chất đốt nên nhiều cánh rừng trơ trụi. Năm 2003, khi UBND huyện triển khai QĐ/04 giao cho Chủ tịch UBND các xã có rừng chịu trách nhiệm vận động người dân địa phương không được tác động vào rừng. Song, những cánh rừng xanh mơn mởn kia khó mà che giấu nên lúc nào lâm tặc cũng dòm ngó, lén lút hoành hành. Vì vậy, công tác phòng chống khai thác rừng trái phép luôn được chính quyền và nhân dân địa phương xem là công việc thường xuyên, lâu dài. "Thổ địa" của những cánh rừng này, ngoài lực lượng CAX, Xã đội, Kiểm lâm huyện còn phải kể đến nhiều hộ đồng bào Cơ Tu thôn Phú Túc nhận khoán bảo vệ rừng như các ông Lê Văn Nghĩa, Đinh Văn Nhom, Đinh Văn Tin, Lê Văn Hoàng... Già làng Lê Văn Rời (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú) nghiệm ra rằng: "Để bảo vệ rừng được tốt, ngoài lực lượng chức năng còn phải huy động cả cộng đồng dân cư sống gần rừng vào cuộc để xây dựng mạng lưới thông tin trong nhân dân nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu tác động trái phép đến rừng mà có kế hoạch chung sức bảo vệ rừng"...

Có đi đến tận nơi, mới thấy và thấu hiểu được sự khó khăn, gian khổ mà những người giữ rừng nếm trải. Vậy mà họ vẫn âm thầm, chịu đựng, vượt qua để mỗi năm trồng thêm từ 20-30ha rừng, cứ thế màu xanh lại lan rộng phủ kín. Nhiều người còn nói vui rằng, mỗi đợt đi rừng, da của họ lại "đổi màu" sương gió. Sau nắng nóng là mưa rừng, mưa sớm thì họ càng khốn khó hơn vì phải chống chọi với sên, vắt. Họ nỗ lực giữ rừng bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết. Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Tân, xác định rừng đầu nguồn là vùng trọng điểm nên địa phương tập trung tối đa lực lượng QĐ/04 quyết tâm bảo vệ rừng cho bằng được. Nhờ làm tốt công tác tuần tra, truy quét, với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền xã và các ngành chức năng, cùng sự đồng tình ủng hộ của người dân, nhiều vụ xâm nhập rừng khai thác gỗ, săn bẫy động vật hoang dã trái phép đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Gần Tết, mưa lạnh tê tái. Từ tuyến QL14G vào khu vực Bảng Đỏ, những khu rừng nguyên sinh ở Tiểu khu 57 chỉ nghe tiếng suối róc rách, tiếng chim rừng vỗ cánh. Những nơi họ đi qua, rừng vẫn rì rào. Nhiều cặp mắt đăm đăm vào rừng. Cứ  thấy có dấu hiệu khả nghi là họ lại vội vã lao đi... "Bất cứ ai, chứ không riêng gì chúng tôi, nếu có thời gian sống với rừng, gắn bó với nó thì cũng nảy sinh tình yêu và cảm thấy phải có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ. Chúng tôi muốn ý thức bảo vệ rừng luôn có trong mỗi con người. Việc tuần tra, truy quét mà chúng tôi đang làm là việc chẳng ai mong muốn, bởi nếu ai cũng có trách nhiệm bảo vệ rừng thì chúng tôi đâu phải vất vả như thế này" - Trưởng thôn Phú Túc Lê Văn Nghĩa chia sẻ.

VY HẬU