Gió mùa đông bắc Se lòng...
Đúng là cả ca từ và giai điệu cứ dẫn dụ người nghe về một miền quá vãng, hư thực, nhiều khi cứ ngỡ trước mắt mà lại hóa xa xăm nghìn trùng; nhiều khi cứ ngỡ quanh quẩn đâu đây mà lại mờ khuất không dễ gì tìm kiếm được… Phải chăng chỉ còn trái cô đơn gói ghém những cảm giác mơ hồ, hư ảnh ngày trôi; phải chăng chỉ còn trái cô đơn bung biêng những sợi tơ nhung nhớ; phải chăng chỉ còn trái cô đơn khẽ khàng lắng lại, nghe tiếng đời vời vợi ngân đau… Gió mùa đông bắc se lòng vì đâu, vì sao, đố ai mà cắt nghĩa rành rẽ, chỉ biết rằng mỗi câu chữ ngân rung lại chạm vào thẳm sâu cảm xúc, trống vắng, se lòng.
Người ấy bảo có buổi sáng hôm nào mùa đông đột nhiên đến mà không báo động. Vừa mới hôm qua thôi trời còn nắng nôi, hoàng hôn buông lơi những chiếc lá thu vàng, cuối con đường mùi hương ngọc lan còn như thoang thoảng rồi trút cả vào hẻm phố khoắt khuya khi cơn mưa chợt đến. Gần sáng trời chuyển sang se lạnh, vài cơn gió bấc kéo theo cái rét mướt từ đâu mang lại để trời đất phút giây chùng chình mà ta vẫn quen gọi thời khắc giao mùa. Lạ là không chỉ trời đất mà lòng người cũng bất chợt chơi vơi. Cảm giác nhận ra một sự mất mát, hụt hẫng nào đó để cố muốn níu lại nhưng làm sao níu được, để cố muốn ấp iu, gìn giữ nhưng nó lại đang trôi dần xa mãi…
Gió mùa đông bắc se lòng khi ngoài biển đông có thêm thông tin một cơn bão mới hình thành. Bao nỗi toan lo ập đến, những cơn bão của thiên nhiên, những cơn bão của lòng người…, tôi còn biết lấy gì đây che chắn. Lại nhớ những trận bão đi qua, cả thành phố mất điện mà nhớ nôn nao về những ngọn đèn dầu quê nhà ngày cũ. Hồi ấy ở quê làm gì có điện, sau này có điện cũng thường trực đèn dầu, đèn pin… Mùa đông những ngọn đèn dầu, trong cơn bấc se lòng vẫn là nỗi nhớ khôn nguôi, nhất là khi tuổi mới biết yêu, biết nhớ nhung, biết xa cách người ấy đến khi nào mới gặp lại…
Nhớ làm sao quên mùa đông ấy, sau ra trường gần năm, đang công việc rồi lại bỏ việc. Đêm nằm ở quê nhà đúng vào những đêm mất điện nghe ngọn gió bấc se sắt thổi ngoài hiên, bao ký ức ùa về khắc khoải. Thương quá chiếc bóng mẹ chập chờn trên vách. Rồi bão tan, rồi mưa tạnh, những đêm trăng vàng chảy đi chầm chậm, loang loáng trên tàu chuối, bờ tre quanh vườn; tiếng trăng chảy trong tiếng côn trùng vườn mè, vườn đậu vọng về râm ran, dìu dặt…, tôi thiếp đi trong tiếng quê nhà để trôi về một giấc mơ thật xa ngày của tuổi thơ tôi. Cũng những mùa đông rả rích tiếng mưa, cái rét ủ mình trong những ngọn gió, chực chờ bên cánh cửa để tràn vào căn nhà vách nứa lợp tranh những năm khó nghèo thời bao cấp. Song lại được sống trong tình yêu thương của cả ba lẫn mẹ nên dù chỉ một cời than đặt dưới gầm giường, một ngọn đèn dầu thôi mà sao lòng mình ấm áp đến lạ…
Xa quê ra phố học, một miền mưa buồn đất Huế làm tôi hiểu hơn những mùa đông và tâm trạng mùa đông của lòng người. Đó là chưa nói khi bão lũ nhấn chìm nhà cửa, ruộng vườn, những mất mát không gì đong đếm bởi thiên tai. Những mùa đông làm tôi nhớ chái bếp ngày xưa khi mẹ còn sống, ánh lửa bập bùng soi lên khuôn mặt mấy chị em tôi mỗi buổi đi học sớm. Từ canh ba, mẹ lúi húi dậy nhen lửa, nấu cho ba ấm nước, bắt nồi cơm…, mẹ gửi yêu thương vào trong đốm lửa, vào những bữa cơm, mắm muối dưa cà nhưng chất chứa tình mẫu tử bao la. Mỗi mùa đông đến, tôi còn nhớ và liên tưởng đến cái gió lạnh đầu mùa trong trang văn của Thạch Lam, chứa chất bao nhiêu yêu thương của những tấm lòng bao dung, nhân ái…
Gió mùa đông bắc se lòng nhớ ngày chị đi lấy chồng với bao trắc trở. Đôi mùa đông rồi cũng phải tay bồng tay bế con thơ trở về ba mẹ. Ngày ba đi xa, mẹ như dòng sông ngưng chảy, chị như bóng chiều lặng khuất, phía triền sông quê tiếng chim vịt tha thiết gọi buồn lên trên biền bãi. Ngày mẹ ôm mặt trời xuống núi theo ba, phận mẹ đơn thân chị như cây đòn gánh, mệt lả rồi cũng đã thiếp đi…
Đón mùa đông năm nay, chị gái tôi đã hoàn thiện việc sửa sang lại căn nhà ngày xưa nên chỗ thờ cúng ba mẹ, ông bà cũng ấm cúng hơn. Cây bồ kết ngày ba trồng khi tóc mẹ còn xanh (tự nhiên rũ lá rồi chết đi sau khi mẹ qua đời) giờ chị và cháu ở quê cho thợ tiện làm thành hai chiếc độc bình để về gần hơn bên ba mẹ. Đó cũng là niềm ước ngày xưa của ba, sống làm người trung nghĩa, chết có làm thân cây cũng phải có ích cho đời (*).
Gió mùa đông bắc se lòng của biết bao cung bậc, của biết bao yêu thương lắng lại. Nhớ mẹ cha, nhớ quê xưa, nhớ những năm tháng trọ học xứ sương mù, nhớ về người ấy, nhớ bạn ta tâm đầu vui khổ những ngày nào chừ đã về miền mây trắng, nhớ nắng, nhớ mưa…, nhớ con sông trôi vào chiều xa ngái để ta còn biết một nỗi buồn hàm ý như tích xưa của câu “ngậm vành kết cỏ” rất trong ngần tinh khiết tiếng mưa trưa…
Tạp bút: Võ Văn Trường