Báo Công An Đà Nẵng

Giữ bếp lửa yêu thương

Thứ tư, 04/02/2015 09:18

(Cadn.com.vn) - Từ nước ngoài, chị điện về hỏi thăm tình hình chuẩn bị Tết rồi thở dài, thủ thỉ: "Đã hơn 5 năm rồi, chị không được về sum họp cùng gia đình, thèm ăn một bữa cơm gia đình quá! Cảm thấy có lỗi với ông bà ghê!". Tự dưng thấy buồn, chợt thương ba mẹ chị, mỗi năm chỉ mong chờ dịp Tết để được đón con gái đi làm ăn xa trở về đoàn viên...

Nhà thơ Bằng Việt có những vầng thơ cháy lòng về bếp lửa gia đình yêu thương:  "...Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi/Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui/Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ/Ôi kỳ lạ và thiêng liêng- bếp lửa". Thế nên, không phải ngẫu nhiên người Việt xa xứ thường da diết nhớ những bữa cơm đoàn tụ gia đình, nhớ đến khói lam chiều cùng những món ăn dân dã, đậm đà hương vị quê hương. Bởi lẽ, ở xứ người, dù sống chung dưới một mái nhà nhưng cha mẹ, con cái rất ít khi gặp được nhau trong bữa ăn. Đến bữa cơm, ai về trước ăn trước, ai về sau ăn sau. Có người thậm chí còn không gặp được con, bởi từ tờ mờ sáng, chúng đã rời khỏi nhà, đến tối mịt khi bố mẹ đã say giấc, họ mới trở về... Vì vậy, mỗi lần về thăm cố hương, điều mà nhiều người Việt xa xứ thèm đứt ruột là được ăn một bữa cơm gia đình đúng nghĩa.

Trong quan niệm truyền thống của người Việt Nam, bữa cơm gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nói khác hơn, bữa cơm gia đình, đặc biệt là bữa ăn của những gia đình có nhiều thế hệ là một môi trường văn hóa, không gian văn hóa thể hiện quá trình nối tiếp và bảo lưu những giá trị gia đình người Việt. Ở đó, ta gặp được bàn tay dịu dàng, khéo léo của người phụ nữ với nụ cười hồn hậu cùng tiếng va chạm bát đũa, mùi các món ăn quen thuộc khiến bữa cơm trở nên ngon đến khó quên. Chính những bữa cơm đầy ắp tiếng nói cười chỉ có được từ không khí gia đình sẽ là nguồn sinh lực giúp các thành viên trong gia đình cảm thấy được thư giãn, vơi đi sức ép căng thẳng do công việc, học tập trong ngày mang lại. Sâu xa hơn, bữa cơm là nơi nuôi dưỡng, sưởi ấm và gìn giữ hạnh phúc gia đình. Từ bếp lửa nồng ấm hương vị gia đình ấy, câu ca: "Râu tôm nấu với ruột bầu/chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon" đi vào lòng người theo năm tháng...

Nồi bánh chưng đêm ba mươi.

Kể từ khi đất nước chuyển sang đời sống kinh tế thị trường, cùng sự phát triển xã hội, con người như bị cuốn vào cơn lốc xoáy của bộn bề công việc với bao lo toan của cuộc mưu sinh. Bữa cơm gia đình với đầy đủ thành viên đã không còn được duy trì thường xuyên như trước nữa. Nó ngày một rời rạc, thiếu sự gắn kết, có thành viên này thì vắng thành viên kia. Lâu dần, mọi người mặc nhiên chấp nhận sự thay đổi này. Tuy nhiên, với người già, sự thay đổi này ít nhiều khiến họ bị hụt hẫng, tủi thân. Có không ít người già tôi gặp than thở rằng, họ cảm thấy như đang cô đơn ngay chính trong ngôi nhà của mình. Nhiều khi bưng bát cơm mà muốn chảy nước mắt, đắng lòng với nỗi cô đơn vì không có con cháu ăn cùng, dù rằng mâm cơm ngon hơn ngày xưa rất nhiều. Những lúc như vậy, họ thèm một bữa cơm thanh đạm ngày nào với dưa cà, mắm muối nhưng chứa đựng biết bao tình cảm yêu thương, quan tâm lẫn nhau...

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của con người thời hiện đại, hàng quán phục vụ  ẩm thực mọc lên ngày một nhiều. Nhiều người đàn ông sau giờ làm thích tụ tập bạn bè bù khú; không ít phụ nữ vì áp lực công việc cảm thấy mệt mỏi với việc nội trợ bếp núc, nhất là khi mâm cơm bày ra mà người trụ cột gia đình lại thường xuyên vắng nhà. Bếp lửa của không ít gia đình thời @ vì thế mà ngày càng trở nên lạnh lẽo. Cái thời cả nhà quay quần bên nồi cơm khói bốc  nghi ngút, vừa ăn vừa xuýt xoa, vừa chuyện trò, chia sẻ khó khăn, buồn vui hàng ngày giờ đã không còn được như trước nữa. Theo đó, bữa cơm gia đình theo nghĩa sum vầy đúng nghĩa giờ chỉ còn có trong dịp lễ tết, giỗ chạp...

Tết sum vầy, Tết yêu thương! Đây là khoảng thời gian đoàn viên của mọi gia đình người Việt. Nhà nhà lo trang hoàng lại nhà cửa, chuẩn bị những món ăn ngon do chính tay những bà nội trợ làm ra, chứ không phải là những thức ăn nhanh, thực phẩm làm sẵn được "bê" từ các siêu thị, cửa hàng, chợ về nhà, không biết rõ độ an toàn về vệ sinh thực phẩm. Những món ăn ngày tết trở thành nỗi nhớ da diết trong tâm khảm bao thế hệ người Việt, bởi chứa đựng trong đó bao thành ý của tình yêu thương mà người làm ra nó muốn gửi đến  những người thân yêu của mình. Ai đó đã từng nói, chỉ ở trong những gian bếp nồng ấm tình yêu thương, ta sẽ nhìn thấy rõ nhất vẻ đẹp tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam với những phẩm chất đã trở thành biểu tượng "công-dung-ngôn-hạnh"...

Nhiều năm trở lại, trên các kênh truyền hình Việt Nam, chương trình "Món ngon mỗi ngày" hay "Cùng nhau vào bếp" được các nhà đài chú trọng. Để nhắc nhở, dù đi đâu về đâu cũng đừng quên giữ cho ngọn lửa trong gian bếp gia đình luôn đỏ lửa. Bởi đó là nơi níu giữ, gieo yêu thương và gắn kết nghĩa tình gia đình mãi ấm áp và bùng cháy! Đây cũng là nơi lưu giữ và lan tỏa những nét đẹp độc đáo văn hóa ẩm thực của dân tộc!

P.Thủy