Báo Công An Đà Nẵng

Giữ gìn Hội An nhân tình, thuần hậu

Thứ tư, 11/09/2019 16:48

Có thể nhận định, sự thu hút du khách của Khu đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) là nhờ kết hợp được vẻ đẹp giữa đất và người. Trong đó, nét đẹp cổ kính của những căn nhà, dãy phố và sự mến khách của người dân Hội An chính là nét độc đáo hiếm nơi nào có được. Hiểu được điều đó, lâu nay chính quyền TP Hội An vẫn luôn đề cao giá trị của tiêu chuẩn "nhân hòa" trong lối sống và hành xử của người Hội An. Thế nhưng, với 90% sở hữu tư nhân, trong đó việc kinh doanh buôn bán ở Hội An luôn đòi hỏi việc thường xuyên "thay tên đổi chủ" đã khiến việc giữ gìn bản sắc Hội An trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Hội An xây dựng nếp sống nhân tình, thuần hậu gắn với các tiêu chuẩn ứng xử giữa con người với nhau.

Từ một chuyện "chưa đẹp"...

Ngày 10-9, cơ quan chức năng của P. Minh An (TP Hội An) đã tiến hành kiểm tra thông tin việc một chủ quán cà-phê trên đường Bạch Đằng có biểu hiện phân biệt đối xử giữa "khách Tây và khách Việt". Trước đó, trên mạng xã hội và báo chí xuất hiện thông tin một nữ du khách tên P. (trú TPHCM) đến tham quan Hội An, vào một quán cà-phê nhưng bị "từ chối phục vụ". Theo lời kể của du khách, chị cùng chồng và một người bạn ghé vào quán cà-phê có tên Cyclo's  Road Café  (đường Bạch Đằng, TP Hội An). Bàn chị ngồi chỉ còn hai ghế, nên người bạn đi cùng phải ngồi bàn bên cạnh. Tuy nhiên, khi vào quán thì có một người đàn ông có thái độ mỉa mai và yêu cầu chị ra khỏi quán và tuyên bố "có cho tiền cũng không phục vụ". Bức xúc, chị rời khỏi quán ngay lập tức.

Khi câu chuyện của chị P. được đăng tải trên mạng xã hội đã có rất đông người vào bình luận, bày tỏ quan điểm. Đặc biệt, khi vào trang TripAdvisor (một trong những trang du lịch uy tín nhất hiện nay) mới biết những phẫn nộ, thất vọng của du khách Việt Nam với Cyclo's Road  Café là rất nhiều. Đa phần những lời phàn nàn, đánh giá đều cho rằng quán cà-phê này phân biệt đối xử giữa khách Tây và khách Việt.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, qua ghi nhận thông tin ban đầu, chủ quán cho hay: Sự việc xảy ra với chị P. là do có xích mích giữa khách hàng và nhân viên phục vụ, quán không đáp ứng được yêu cầu của khách nên từ chối phục vụ, và đây là cá biệt chứ không phải tất cả khách Việt đều bị từ chối. "TP Hội An đang xây dựng nếp sống nhân tình thuần hậu, vì vậy nếu đúng có việc phân biệt khách Tây khách Việt thì không thể chấp nhận được. Mặc dù điều này thuộc về đạo đức trong kinh doanh của mỗi người, TP cũng không có quy định bắt buộc nào khiến họ phải bán và không bán cho ai, tuy nhiên sẽ nhắc nhở để chủ quán chấn chỉnh, khéo léo hơn trong giao tiếp với du khách"- ông Sơn nói.

Quán cà-phê có tên Cyclo's  Road Café - nơi vừa bị "tố" có cách ứng xử "chưa đẹp".

...Đến bảo tồn di sản bằng "giá trị sống"

Mặc dù trên đây chỉ là một câu chuyện "nhỏ", nhưng qua đó nhiều ý kiến cho rằng nếu Hội An muốn giữ được nếp sống thuần hậu như lâu nay thì phải quản lý tốt dòng người đến và đi, đặc biệt là những người đang tạo nên giá trị du lịch cho phố cổ. Một thực tế rằng, có rất đông những người đang kinh doanh, buôn bán trong lòng phố cổ lại không phải là người dân địa phương mà là từ các nơi đến. Hiện tượng này trong một hội thảo tổ chức mới đây được gọi là "chảy máu" di sản ở Hội An. Khi những nhà đầu tư bên ngoài mua, chuyển nhượng nhà cửa đất đai trong vùng lõi ở Hội An để kinh doanh, làm mất đi những giá trị cộng đồng của di sản. Hiện nay, du lịch tạo ra khoảng 67% GDP của Hội An. Mặc dù người dân được cải thiện về việc làm, giáo dục và mức sống nói chung, tuy nhiên phần lớn trong nhóm thu nhập cao lại không phải là người Hội An.

Nói về thực tế này, ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, Hội An là một di sản tư nhân do nhiều cá nhân làm chủ. Bởi khoảng 90% ngôi nhà trong Hội An hiện nay là thuộc sở hữu tư nhân. Do đó, việc thay đổi sở hữu là quy luật tất yếu của quá trình phát triển. Tuy nhiên, chính quyền đã tạo điều kiện cho những chủ mới trở thành những người chủ thực sự, gắn bó với Hội An. Từ đó, dù là một "di tích sống" mỗi ngày mỗi đổi thay nhưng Hội An vẫn sẽ kiên quyết giữ nếp sống riêng của mình.

Gần 1 năm kể từ ngày công bố đề án Hội An - nhân tình, thuần hậu, có thể nói rằng chính quyền và nhân dân Hội An đã có sự vào cuộc mạnh mẽ để "giành" lại những giá trị sống giữa sự biến động của thời cuộc. Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, trong thời kỳ đô thị hóa hội nhập và tác động chi phối của cơ chế thị trường, nhất là quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa nên thường xuyên nảy sinh những va chạm giữa tốt và xấu, giữa phù hợp và chưa phù hợp, giữa những biểu hiện bất cập với nền nếp văn hóa truyền thống mẫu mực của người Hội An. Điều này, đôi khi dẫn đến những sự việc "chưa đẹp" trong mắt du khách. Do đó, việc ra đời của đề án "Hội An - Nhân tình, thuần hậu" là cần thiết, bởi người Hội An vốn dĩ luôn sống có tình, có đức và coi trọng đạo lý làm người. Cũng theo ông Sơn, đề án này hiện nay đang được triển khai với trọng tâm là con người, theo phương cách ứng xử bao gồm 4 nội dung chính: Ứng xử với bản thân; ứng xử giữa con người với con người; ứng xử giữa con người với gia đình, dòng họ; ứng xử giữa con người với xã hội. Đặc biệt, đề án không chỉ dành riêng cho những người Hội An "gốc" mà còn kêu gọi những người sinh sống, làm ăn tại phố cổ cũng tham gia vì một Hội An đẹp hơn, giàu bản sắc hơn.

ĐỒNG DAO