Báo Công An Đà Nẵng

Giữ lại "sắc áo" người Cơ Tu

Thứ ba, 26/05/2020 14:20

Đồng bào Cơ Tu ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng)  không ai là không biết đến tinh thần nhiệt huyết, hết lòng trong công tác tình nguyện vì cộng đồng của chị Trần Thị Một (28 tuổi)- Phó Bí thư Chi đoàn thanh niên thôn. Khi kể về người con của núi rừng Hòa Bắc, người dân ở đây đều tự hào vì chị Một là người đã cất công tìm lại nguồn gốc và giữ gìn các bản sắc văn hóa truyền thống vốn đã bị đồng bào Cơ Tu ở đây quên lãng từ lâu.

Chị Trần Thị Một (giữ, hàng đầu) được vinh danh "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác".

Chúng tôi gặp chị Một đúng vào thời điểm chị đang tất bật cùng với hội phụ nữ thôn Giàn Bí tổ chức lễ kỷ niệm mừng ngày sinh nhật Bác Hồ. Với dáng người nhỏ nhắn trong trang phục áo dài truyền thống, chúng tôi đặc biệt chú ý đến những chi tiết thổ cẩm độc đáo được đính kèm tinh tế trên tà áo dài của chị. Chị Một cho biết, để làm được một tấm thổ cẩm mộc mạc, tinh tế như vậy là cả một câu chuyện dài. Trước đây, đồng bào Cơ Tu tại thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc) không một ai còn nhớ về nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Là một người con trong cộng đồng người Cơ Tu lại xã Hòa Bắc, chị Một thấu hiểu rất rõ chuyện này. Trong tâm khảm của chị lúc nào cũng mong muốn khôi phục, giữ gìn và phát triển nghề dệt cho người dân quê mình. May mắn thay, năm 2017, trong dịp cùng đoàn công tác của H. Hòa Vang đến xã Sông Kôn (H. Đông Giang, Quảng Nam) dự lễ hội giao lưu văn hóa, chị đã tận mắt nhìn thấy đồng bào Cơ Tu tại đây trình diễn dệt thổ cẩm và tự hỏi vì sao người Cơ Tu tại xã Hòa Bắc lại không thể làm được điều này. Đắn đo suy nghĩ nhiều lần, chị quyết tâm mời bằng được nghệ nhân dệt về dạy lại cho người dân Giàn Bí. Tìm được thầy không khó nhưng cái khó là làm sao vận động được đồng bào quyết tâm học nghề và giữ nghề. Bởi thực tế học nghề dệt rất khó, không phải "một sớm một chiều". Nhiều tấm thổ cẩm sau nhiều tuần sắp sửa hoàn thành nhưng chỉ cần 1 chi tiết sai lệch hoặc đứt, rối chỉ giữa chừng cũng phải bỏ đi làm lại từ đầu. Vì điều này mà không ít chị em sau khi học nghề không lâu đã thấy nản chí và bỏ giữa chừng.

Để giữ bằng được nghề dệt truyền thống, chị Một đã bỏ ra không ít công sức vận động chị em quay lại học nghề. Nhờ quyết tâm của chị Một, hầu hết những phụ nữ bỏ học trước đây đã quay lại với nghề. Từ sự cần mẫn của người phụ nữ Cơ Tu, những tấm thổ cẩm tinh tế, mộc mạc được hoàn thành và bán ra thì trường với giá trung bình 1 triệu đồng/tấm, mang lại thu nhập ổn định cho không ít chị em tại mảnh đất nghèo Giàn Bí. Hiện nay, mô hình dệt truyền thống của phụ nữ thôn Tà Lang, Giàn Bí còn thu hút rất đông khách du dịch trong và ngoài nước đến tham quan. Để tận mắt thấy phụ nữ Cơ Tu tỉ mẫn dệt thổ cẩm, du khách phải bỏ ra chi phí 300 nghìn đồng/người cho mỗi lần xem.

Chị Trần Thị Một (trái) vận động phụ nữ Cơ Tu giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm.

Ngoài nghề dệt truyền thống, những điệu múa cồng chiêng đặc trưng của đồng bào Cơ Tu ở xã Hòa Bắc nhiều năm trước cũng đã từng bị quên lãng. Để khôi phục lại điệu cồng chiêng truyền thống, chị Một nỗ lực vận động các bậc cao niên  truyền dạy lại cho lớp thanh niên kế cận. Trong những lần sinh hoạt Đoàn, chị Một đã khéo léo nhờ các bậc cao niên trình diễn, phục dựng những điệu múa cồng chiêng để các đoàn viên thanh niên lấy cảm hứng học theo. Thông qua nhiều lần sinh hoạt như vậy, nhiều thanh niên tại thôn Tà Lang, Giàn Bí đã bắt đầu thuần thục những điệu nhảy cồng chiêng đặc trưng và yêu hơn những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương mình. Chị Một cho hay, ở thôn Tà Lang, Giàn Bí hiện nay có khoảng 40 người có thể múa được điệu cồng chiêng. Đặc biệt, điệu múa truyền thống của người Cơ Tu cũng thu hút sự quan tâm, yêu thích của du khách. Qua mỗi lần trình diễn, mỗi đoàn khách phải trả phí 1,5 triệu đồng để được trải nghiệm sản phẩm văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu. Số tiền thu được sẽ  chi trả cho từng thanh viên trong nhóm múa, qua đó cũng là một giải pháp để người dân có thêm thu nhập và vững tâm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Với những thành tích đặc biệt trong các hoạt động Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ, năm 2019, chị Một vinh dự được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trao tặng Bằng khen ghi nhận thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, phát huy truyền thống khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn TP giai đoạn 2014-2019. Mới đây, trong chương trình kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chị Một cùng với 36 thanh niên khác được Thành Đoàn Đà Nẵng vinh danh "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác".   

NGỌC QUỐC