Báo Công An Đà Nẵng

Giữ mạch thông tin trên đỉnh Sơn Trà

Thứ tư, 03/02/2021 22:11

Khi đất trời vào xuân, nhà nhà sum vầy đón Tết cũng là lúc những người lính thông tin của Trạm trung gian chuyển tiếp vô tuyến điện sóng cực ngắn trên đỉnh Sơn Trà, Đà Nẵng phải gác niềm vui riêng, giữ vững "mạch máu" thông tin luôn thông suốt trong mọi tình huống cho toàn Quân khu 5.

Thiếu úy Ngô Văn Hạnh - Trạm trưởng Trạm trung gian chuyển tiếp vô tuyến điện sóng cực ngắn liên tục nhận điện đài từ các đơn vị.

Ít ai biết được rằng, trên đỉnh Sơn Trà quanh năm mây mù bao phủ, có một trạm nhỏ của Lữ đoàn thông tin 575 (Quân khu 5) hoạt động xuyên suốt trong điều kiện biệt lập. Nơi đây có tên gọi là Trạm trung gian chuyển tiếp vô tuyến điện sóng cực ngắn (hay còn gọi là Trạm trung gian chuyển tiếp Sơn Trà) là một trạm lẻ của Lữ đoàn thông tin 575 có nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc vô tuyến điện sóng cực ngắn cho toàn Quân khu 5 và các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Do đặc điểm nhiệm vụ, hiện nay Lữ đoàn thông tin 575 có nhiều bộ phận phải hoạt động phân tán, nhỏ lẻ, ở cách xa nhau. Khó khăn, vất vả nhất có lẽ là những cán bộ, chiến sĩ của Trạm trung gian chuyển tiếp Sơn Trà khi "đại bản doanh" của họ nằm biệt lập trên đỉnh núi cao, toàn trạm chỉ có 3 cán bộ chiến sĩ đóng quân túc trực làm việc tại đây.

Từ chân núi Sơn Trà lên đến trạm chỉ mất khoảng gần 10 km nhưng vì núi cao, đường quanh co, sương mù che phủ nên phải mất 20 phút đi xe ô tô chúng tôi mới đến nơi. Sợ chúng tôi lạc đường, Thiếu úy Ngô Văn Hạnh - Trạm trưởng Trạm trung gian chuyển tiếp vô tuyến điện cực ngắn đã đứng chờ sẵn ngay ngã ba con dốc cao để đón chúng tôi lên thăm. Nằm trên đỉnh là căn nhà tròn mái bằng được xây từ thời Pháp đến nay đã nhuốm màu theo thời gian. Đây là căn nhà chính nơi làm việc và nghỉ ngơi của các chiến sĩ. Phía trong nhà, ngoài dãy bàn đặt 5 chiếc máy điện đài thông tin để làm việc thì còn có 3 chiếc giường nhỏ được xếp ngay ngắn ở một góc phòng. Các chiến sĩ còn được trang bị thêm một chiếc bàn inox, vừa dùng làm bàn ăn, vừa dùng làm bàn uống nước. Tuy nhà cửa đã xuống cấp, nhưng các loại khẩu hiệu, biển bảng chính quy của đơn vị đều có đủ, các chiến sĩ sắp đặt nội vụ gọn gàng, ngăn nắp.

Binh nhất Ngô Văn Linh bẽn lẽn tiếp đãi chúng tôi đĩa bánh ngọt được mua từ dưới đồng bằng lên. Qua trò chuyện chúng tôi được biết, Linh quê ở Khánh Hòa, là chiến sỹ nghĩa vụ nhập ngũ từ năm 2020 đã làm việc tại trạm hơn 6 tháng nay. Cùng với Linh còn có binh nhất Cao Thanh Hùng cũng nhập ngũ cùng đợt. Theo các chiến sĩ, trước khi nhận nhiệm vụ tại trạm, Hùng và Linh đều được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về cách tiếp nhận thông tin qua các máy điện đài, cùng các loại mật ngữ nội bộ để thông tin về các đơn vị quân khu. "Mặc dù khó khăn, song anh em chiến sĩ luôn xác định tốt tinh thần trách nhiệm, tự giác trong thực hiện nhiệm vụ. Tết làm nhiệm vụ ở một nơi xa, xung quanh lại chỉ có cỏ cây, chim muôn, mặc dù có buồn nhưng đây cũng là một kỉ niệm khó quên trong cuộc đời đi lính của tôi", binh nhất Linh cho biết.

Ngoài thời gian trực "canh sóng" 3 cán bộ, chiến sĩ tìm đế văn nghệ làm niềm vui. 

Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, cứ đúng giờ thì các chiến sĩ lại đến bàn làm việc "lên máy" để kiểm tra, đảm bảo sóng điện đại được thông suốt. Nhìn cuốn sổ ghi chép công việc của các cán bộ, chiến sĩ trực đài vô tuyến nơi đây, chúng tôi ước chừng mỗi ngày bình quân có trên dưới 20 phiên làm việc liên tục qua máy điện đài. Bắt đầu từ 5 giờ sáng cho đến 20 giờ hằng ngày, cách nhau mỗi giờ đồng hồ, các chiến sĩ thay phiên nhau "lên máy" một lần để kiểm tra các tín hiệu, nhận điện đài từ các đơn vị, hay thậm chí từ đảo Cù Lao Chàm thông tin về rồi chuyển tiếp thông tin đến đơn vị liên quan.

Thiếu úy Ngô Văn Hạnh cho biết, mỗi cán bộ khi nhận nhiệm vụ tại trạm đều có thời gian đóng quân liên tục 3 tháng mới được luân phiên một lần. Có những lúc cao điểm thì thời gian sẽ kéo dài 5, 6 tháng, nếu trúng dịp Tết thì vẫn làm trọn vẹn thời gian mới được đổi quân. Đây đã là Tết thứ ba đồng chí Hạnh nhận nhiệm vụ trực chiến đấu tại trạm. Còn nhớ Tết đầu tiên khi lên trạm là từ năm 2018, nỗi nhớ nhà cứ len lỏi trong tâm trí của anh. "Bản thân chưa lập gia đình nên tôi xung phong trực Tết tại trạm cho các anh em chiến sĩ khác. Từ khi có kế hoạch trực Tết, tôi đã điện về gia đình thăm hỏi, báo cáo và được gia đình động viên nên bản thân luôn vững vàng ý chí, thực hiện nhiệm vụ chính giữ cho mạch máu thông tin liên lạc luôn thông suốt là xuân này tôi đủ thấy hạnh phúc rồi", Thiếu úy Hạnh cho hay.

Những nụ cười yêu đời, những câu nói đầy giản dị của những người lính thông tin hiện lên tinh thần "vào ca trực là vào vị trí chiến đấu". Dù xung quanh trạm chỉ cỏ cây, hoa lá nhưng chỉ cần đảm bảo được sóng điện đài được liền mạch, công điện được chuyển tiếp thành công, thì đó chính là niềm vui trọn vẹn cho ngày đầu xuân mà mỗi cán bộ, chiến sĩ thông tin của Trạm trung gian chuyển tiếp Sơn Trà luôn quyết tâm thực hiện.

Diệu Huyền