Báo Công An Đà Nẵng

Giữ quốc bảo trên đỉnh Ngọc Linh

Thứ hai, 24/01/2022 14:42

Năm 2017, khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 787/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia, trong đó có sâm Ngọc Linh, kể từ đó sản phẩm này trở thành quốc bảo. Để giữ gìn quốc bảo, cùng với các đơn vị của nhà nước, những năm qua người dân trên đỉnh Ngọc Linh đã có những biện pháp gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ...

Đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra một vườn sâm gốc ở thôn 2, xã Trà Linh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 2 đơn vị sự nghiệp công lập Nhà nước đang thực hiện công tác bảo tồn nguồn gen - vườn sâm giống gốc tại xã Trà Linh, H. Nam Trà My, đó là Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh - Dược liệu Quảng Nam và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp H. Nam Trà My. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân địa phương đã gìn giữ, gieo trồng, nhân giống để bảo tồn loại quốc bảo này trước những nguồn giống sâm lai tạo.

Sau nhiều cuộc hẹn, cuối cùng vào một ngày giữa tháng tám, chúng tôi được gặp ông Hồ Văn Thà (75 tuổi, người Xơ Đăng, trú thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My) để dẫn chúng tôi lên vườn sâm gốc Ngọc Linh. Men theo con đường mòn quanh làng, chúng tôi cuốc bộ gần một giờ vượt qua những con dốc dựng đứng, đến vườn sâm hàng ngàn gốc nằm dưới tán rừng cổ thụ. Đây là vườn sâm của một nhóm hộ dân địa phương người Xơ Đăng chung nhau trồng và gìn giữ giống quý này.

Theo ông Thà, những ngày đầu mới lên núi, dưới tán rừng là đất đá ngổn ngang, cây tạp mọc khắp nơi, nhóm hộ ông phải dọn dẹp, cuốc đất tạo thành những luống mùn để trồng sâm. Trong nhóm hộ này ngoài người dân bản địa, còn có anh Lê Thanh Ân (1980) - một người ở dưới xuôi lên buôn bán, lập nghiệp tại đây cũng liên kết trồng sâm. Để hình thành một vườn sâm, ngoài công sức thì vốn đầu tư ban đầu cũng rất lớn. “Tính riêng chi phí thuê người cải tạo vườn sâm hết hơn 300 triệu đồng. Tiếp đến kéo đường dây điện dài hơn 1,5 km từ đường lên đến vườn; làm ống dẫn nước trên đỉnh núi xuống để tưới cây vào mùa nắng. Khoản đầu tư lớn hơn là tiền giống cây. Một hạt giống chuẩn giá 110.000 đồng, cây sâm một tuổi 500.000 đồng, cây hai tuổi giá gấp đôi… Khi vườn sâm dần hình thành, việc đầu tiên là mua gần một tấn lưới B40 và dây thép gai, thuê nhân công cõng lên rào vườn; rồi dựng lán trại, ăn ngủ giữa rừng để chăm sóc, bảo vệ cây quốc bảo”, anh Ân chia sẻ.

Phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng trò chuyện với ông Hồ Văn Thà tại vườn sâm.

Đó là thời điểm của sáu năm trước. Đến nay vườn sâm của nhóm hộ ông Thà đã có hàng ngàn cây với đủ độ tuổi khác nhau. Vào mỗi vụ thu hoạch hạt vào tháng 8 hàng năm cho khoảng 15 lon hạt giống, trị giá 1,5 tỷ đồng. Số hạt này sẽ được ươm khoảng 10 lon để tiếp tục nhân giống, 5 lon còn lại bán được 500 triệu đồng để có kinh phí tiếp tục đầu tư, chăm sóc. Trong vườn, sâm được trồng theo luống, trong thùng xốp và chậu nhựa. Hàng ngày, mọi người trong nhóm hộ thay phiên nhau đến từng luống để kiểm tra sâu bệnh, nếu hoa hoặc lá của bất cứ gốc cây nào có dấu hiệu vàng úa thì sẽ được mọi người tìm cách xử lý ngay, tránh bệnh lây lan.

Là người thường xuyên túc trực ở chốt để bảo vệ quốc bảo, canh giữ khối tài sản của gia đình cũng như của các hộ dân, ông Hồ Văn Thà cho hay, từ khi giá trị sâm được tăng cao, nhiều người địa phương ở nơi khác trà trộn các loại cây, hạt giống giả sâm Ngọc Linh để bán với giá rẻ. Trước tình trạng đó, người dân địa phương đã nhiều lần phát giác, báo cho chính quyền các cấp để xử lý. “Sâm Ngọc Linh chỉ có giá trị cao nhất khi nó là sâm gốc - sâm bản địa. Còn những loại cây khác đem đến đây trồng đều không có giá trị. Họ trồng để giả sâm Ngọc Linh - giả quốc bảo nên ngoài việc chăm sóc, bảo vệ vườn sâm của mình, chúng tôi còn có trách nhiệm phát hiện, đẩy lùi nạn sâm giả”, ông Thà nói.

Mùa thu hoạch hạt giống sâm Ngọc Linh trên đỉnh Trà Linh.

Theo ông Hồ Văn Thể - Chủ tịch UBND xã Trà Linh, ngoài việc bảo tồn, phát triển loài sâm gốc bản địa thì địa phương còn thường xuyên tăng cường kiểm tra các vườn sâm trên địa bàn, nhất là các vườn sâm của công ty được người dưới xuôi lên trồng. “Vừa qua, từ nguồn tin của người dân cho hay có một công ty xuất hiện loại cây sâm rất lạ mà chủ vườn cho rằng đó là sâm Ngọc Linh. Nó lạ ở chỗ là thân cây rất to, to gấp nhiều lần cây sâm bình thường. Trong khi đó chủ vườn mới trồng cách đây chưa lâu. Người dân địa phương gọi đó là “sâm lạ”. Trước tình hình đó, chúng tôi đã báo với huyện, tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, lấy mẫu đem về đưa đi phân tích. Đến nay vụ việc trên vẫn chưa có kết quả cụ thể, ông Thể thông tin.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, để thực hiện tốt công tác bảo tồn nguồn gen gốc sâm Ngọc Linh, Sở NN&PTNT tỉnh đã xây dựng và ban hành Bộ Tiêu chuẩn cây trội cây sâm Ngọc Linh tại Quyết định số 320/QĐ-SNN&PTNT ngày 12-8-2019. Đây là căn cứ và là cơ sở quan trọng để giúp các tổ chức, cá nhân trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh chọn lựa được những cây sâm đúng giống, có đặc điểm nổi trội để đưa vào chăm sóc, quản lý làm vật liệu nhân giống sau này.

BẢO BÌNH

“Đây là quốc bảo của Việt Nam, một trong những sản phẩm quan trọng nhất về dược liệu và quốc bảo này cần gắn liền với quốc kế dân sinh. Sâm Ngọc Linh cần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, tạo ra các giá trị chữa bệnh và các giá trị khác, để làm sao hàng triệu người có thể sử dụng sâm Ngọc Linh” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Tháng 9-2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My với 30.000ha, đầu tư trên 9.000 tỷ đồng.