Giữ vững kết quả phổ cập giáo dục nhờ SEQAP
(Cadn.com.vn) - Sau 6 năm nhân rộng triển khai chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP), đến nay, tỉnh Quảng Ngãi có 51 trường tiểu học thuộc 10 huyện, thành phố được thụ hưởng chương trình. Chương trình không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh miền núi, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số mà còn đóng góp hiệu quả trong việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, giữ vững và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Trong số 10 huyện/thành phố của tỉnh Quảng Ngãi có đến 6 huyện miền núi thuộc diện huyện nghèo cả nước. Phần lớn các trường học nằm trong vùng khó khăn có số lượng học sinh dân tộc thiểu số và gia đình thuộc hộ nghèo chiếm phần lớn. Chính vì vậy, khi được Bộ GD-ĐT chọn triển khai chương trình SEQAP, ngành GD-ĐT Quảng Ngãi xem đây là nguồn lực, điều kiện để phát triển giáo dục miền núi.
Theo đó, số lượng trường học, học sinh được hưởng thụ SEQAP liên tục tăng trong thời gian qua. Năm 2010 mới chỉ có 10 trường tiểu học với 142 lớp học được thụ hưởng, nhưng đến năm học 2015 - 2016, cả tỉnh Quảng Ngãi tăng lên 51 trường tiểu học với 168 điểm trường trong 10 huyện/thành phố tham gia SEQAP. Kết thúc năm học 2015 - 2016, trong tổng số trường được thụ hưởng chương trình SEQAP có 37 trường tiểu học tổ chức cho 100% học sinh tại tất cả các điểm trường học cả ngày; trong đó, có 143 điểm trường lẻ tổ chức cho 100% học sinh học cả ngày. Thông qua việc tổ chức các hoạt động giáo dục đa dạng, thiết thực, tổ chức các câu lạc bộ trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện; tổ chức ăn trưa, bán trú đã làm cho học sinh thích đến trường, thích học, biết cách học và học tập có kết quả, đạt chuẩn kiến thức kỹ năng của môn học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hạn chế lớn hiện tượng học sinh tiểu học bỏ học, giảm bớt khó khăn cho cha mẹ học sinh. Đặc biệt, số lượng học sinh dân tộc thiểu số và học sinh nghèo tham gia học cả ngày đạt tỉ lệ cao, giảm được chênh lệch giữa các nhóm đối tượng học sinh nông thôn, thành thị và vùng miền núi, dân tộc, góp phần nâng cao tỉ lệ đạt chuẩn kiến thức kĩ năng các môn học tiếng Việt và Toán cho học sinh ở các vùng khó khăn.
Từ các dự án thuộc chương trình SEQAP đã xây dựng đưa vào sử dụng 63 phòng học, 56 nhà vệ sinh, 8 nhà đa năng. Các công trình góp phần tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học cả ngày ở những trường tham gia SEQAP. Chương trình cũng tích cực hỗ trợ cải thiện cơ sở hạ tầng trang thiết bị trường học, góp phần xây dựng các trường học ngày càng khang trang, thân thiện, đảm bảo các hoạt động giáo dục. Chính nhờ vậy mà công tác đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học được thực hiện hiệu quả, đạt những kết quả vững chắc.
Chương trình SEQAP góp phần nâng cao kết quả học tập của học sinh. |
Huy động nguồn lực đầu tư cho vùng khó
Theo ông Trần Hữu Tháp - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, từ khi tham gia SEQAP, 100% số trường tiểu học đều đã chủ động tổ chức cho học sinh ăn trưa tại trường. Hầu hết các bữa ăn của học sinh được nấu tại trường, một số ít trường thuê người nấu và mang khẩu phần ăn đến trường cho học sinh. Các trường đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng nhà bếp, nhà ăn cho học sinh, đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ. Việc tổ chức cho học sinh ăn trưa tại trường đúng đối tượng, đúng khẩu phần, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài số học sinh được SEQAP hỗ trợ, các trường tiểu học đã huy động gạo, tiền, củi trong nhân dân, các tổ chức xã hội, nguồn tài trợ của Chính phủ để tổ chức cho thêm từ 15 đến 20% học sinh được ăn trưa tại trường. Một số trường tiểu học tổ chức cho 100% số học sinh học cả ngày ăn trưa trên cơ sở huy động nhiều nguồn hỗ trợ khác. Ngoài ngân sách được hỗ trợ từ Trung ương và vốn địa phương, các trường tiểu học đã huy động nhiều nguồn lực trong xã hội để xây mới và tu sửa, cải tạo phòng học cũ thành nơi nghỉ trưa cho học sinh, làm nhà bếp và nhà ăn…
Nói về những kinh nghiệm trong triển khai thực hiện chương trình SEQAP, ông Trần Hữu Tháp chia sẻ: "Để chương trình SEQAP thực sự mang lại hiệu quả, ngành GD-ĐT cần tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội và nhân dân trong việc triển khai mô hình dạy học cả ngày ở trường tiểu học. Xây dựng lộ trình phát triển mô hình dạy học cả ngày phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục, tăng cường kỹ năng giao tiếp tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, giao lưu tiếng Việt. Bố trí và sử dụng tốt trợ giảng tiếng dân tộc, giáo viên biết tiếng dân tộc, dành nhiều thời gian tăng thêm cho môn tiếng Việt…".
Khải Minh