Báo Công An Đà Nẵng

Giúp doanh nghiệp là gỡ “nút thắt” cho nền kinh tế

Thứ năm, 31/10/2013 09:59

(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng hiện có hơn 12.000 DN đang hoạt động, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) (98%), đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động.

Tuy nhiên, đứng trước khó khăn của nền kinh tế, nhiều DNNVV đang phải đối mặt với nguy cơ “kiệt sức” hoặc phá sản trong tương lai gần. Ông Nguyễn Văn Lý -  Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội DNNVV Đà Nẵng khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Lý

P.V: Xin ông cho biết những khó khăn mà các DNNVV Đà Nẵng đang gặp phải?

* UBND TP đồng ý cho các Cty trực tiếp liên hệ với BQL các KCN & CX để thuê đất tại các KCN: Cty TNHH Xây dựng Đông Tây, Cty CP Đầu tư Vinadco, Cty Thương mại và xây lắp Giang Nam, Cty CP Thiên Nam, Cty Hải Lâm, Cty CP nhôm kính Nam Ân, Cty Gala Việt, Cty Nội thất Bắc Việt, Cty Tùng Lâm, Cty Đường Việt, Cty Phương Gia.
Một số Cty như: Cty Ngọc Linh, Cty Vy Anh, Cty ô-tô Thịnh Hưng, Cty CP Nghệ thuật Việt, Cty K&H được thuê đất hoặc giao quyền sử dụng đất tại vệt khai thác quỹ đất dọc QL1A và khu vực đường Lê Văn Hiến.

Ông Nguyễn Văn Lý: 2013 được coi là năm khó khăn chồng khó khăn của các DNNVV. Chi phí sản xuất đầu vào như giá điện, xăng, nguyên vật liệu, giá thuê mặt bằng... gia tăng dẫn đến nhu cầu về vốn cũng gia tăng.

Khó khăn của DNNVV rất nhiều, mỗi DN với lĩnh vực hoạt động ngành, nghề khác nhau có những vướng mắc, khó khăn riêng, không thể liệt kê hết ra được. Tuy nhiên, có thể nêu một số vướng mắc cụ thể: Về mặt bằng sản xuất, đa phần các DNNVV thiếu mặt bằng sản xuất ổn định, phải SXKD tạm bợ ngay tại trung tâm TP gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến môi trường.

Về vốn đầu tư, DNNVV TP hiện không tiếp cận được vốn vay của NH, không còn tài sản để thế chấp - đảm bảo, trong khi điều kiện cho vay lại chặt chẽ, nhiều thủ tục; kể cả nghiệp vụ tín dụng của NH hiện nay cũng không chấp nhận các khoản vay thuộc loại tín dụng thương mại. Về môi trường, KCN thủy sản Thọ Quang đang bị ô nhiễm nặng nề làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và công việc của các nhà máy thủy sản.

Mặt khác, chi phí về xử lý nước thải quá cao làm DNNVV không cạnh tranh được với các DN khác. Về thuế, do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế tác động, hoạt động SXKD thiếu hiệu quả đã dẫn đến nhiều DN nợ thuế và bị phạt tiền chậm nộp thuế. Về hàng tồn kho, các DN khó khăn hơn khi hàng loạt các sản phẩm làm ra không bán được. Về giao thông vận tải, các DN hoạt động trong lĩnh vực này cũng đã gặp nhiều khó khăn, nhất là phí và lệ phí phải nộp quá nhiều....

Sản xuất cơ khí tại Cty Hà Giang Phước Tường.

P.V: Là Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội, ông có kiến nghị gì để tháo gỡ khó khăn cho DNNVV?

Ông Nguyễn Văn Lý: Đứng trước khó khăn của các DN, Hiệp hội DNNVV TP đã có công văn trình Sở KH&ĐT và UBND TP nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN cụ thể: Hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho DN được tiếp cận tham gia các DA, công trình phù hợp với năng lực ngành nghề của các DN. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xử lý hàng tồn kho, hỗ trợ tiếp cận vốn vay NH cho các DN, sớm thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

Chỉ đạo thực hiện tốt việc giảm, giãn, gia hạn các khoản thuế. Tích cực hỗ trợ mặt bằng để DN SXKD thuận lợi; quy hoạch vị trí các nhà máy sản xuất về một nơi ổn định để giảm bớt chi phí về xử lý nước thải, bảo vệ môi trường. Nên quy hoạch cụ thể một khu tiểu thủ công nghiệp dành riêng cho DNNVV hoặc rà soát các KCN của TP hiện nay còn thừa quỹ đất, thông báo cho các DN đăng ký thuê mặt bằng phục vụ hoạt động SXKD. Đặc biệt, lãnh đạo TP định kỳ tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với các DN theo từng ngành, nghề hoạt động...

Vì vậy, tháo gỡ khó khăn cho DN cũng chính là tháo “nút thắt” cho nền kinh tế TP.

P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Xuân Đương

(thực hiện)