Báo Công An Đà Nẵng

Giúp người lầm lỗi quay về nẻo thiện

Thứ sáu, 25/07/2014 07:52

(Cadn.com.vn) - Sáng 24-7, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị nhằm đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, khích lệ và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, các cá nhân thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đồng chí Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố chủ trì hội nghị.

Trung tướng Cao Ngọc Oánh tặng Giấy khen cho các tập thể và cá nhân.  

Nhiều mô hình hay

Giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng là việc làm nhân văn và phải xuất phát từ lòng nhân ái, bao dung, chung tay góp sức của cả cộng đồng. Đây không phải là trách nhiệm của một cơ quan, đơn vị nào mà cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Mô hình “5+1” ở P. Tam Thuận, Q.Thanh Khê là một mô hình đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý, giáo dục, tái hòa nhập cộng đồng đối với các đối tượng đã từng vi phạm pháp luật.

Với mô hình này, để quản lý, giáo dục, cảm hóa đối tượng vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng, cứ 1 người vi phạm ANTT thì có 5 người đại diện cho 5 thành phần gồm: gia đình người vi phạm; tổ trưởng tổ dân phố; các đoàn thể, tổ chức xã hội; CSKV và BCH CA phường cùng tham gia giáo dục, quản lý, cảm hóa để họ tiến bộ, có điều kiện hòa nhập cộng đồng.

Đánh giá tình hình, kết quả việc xây dựng và nhân rộng các mô hình, cá nhân điển hình thực hiện tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn thành phố, Đại tá Nguyễn Viết Lợi – Phó Giám đốc CATP cho biết: Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 80 của Chính phủ quy định các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn thành phố, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách tích cực, xây dựng, thành lập và điều hành nhiều mô hình cụ thể, sát hợp với đặc điểm từng đơn vị, địa phương, từng nhóm đối tượng.

Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến được xây dựng, hoạt động có sự liên kết, phối hợp giữa công an với các ngành, đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia. Điển hình như mô hình “Quỹ giải quyết việc làm cho đối tượng đã từng vi phạm pháp luật sau khi chấp hành hình phạt trở về”, “Quỹ hoàn lương” của UBND thành phố, mô hình “5+1” của CAP Tam Thuận, Q. Thanh Khê; “Hỗ trợ vay vốn” của Hội Phụ nữ P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn; “Tạo việc làm” ở Q.Liên Chiểu…

Có thể nói mô hình “Quỹ hoàn lương” là một trong những mô hình hiệu quả đầu tiên được thành lập trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 80. Điều đó thể hiện sự chủ động, sáng tạo và trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng của Thành ủy, UBND thành phố.

Đồng chí Võ Duy Khương trao Bằng khen của Chủ tịch UBNDTP cho 2 tập thể và 5 cá nhân tiêu biểu. 

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Trung tướng Cao Ngọc Oánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát THAHS và HTTP cho rằng: Công tác tái hòa nhập cộng đồng với việc tiếp tục quan tâm giáo dục, tạo điều kiện giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù có cuộc sống ổn định, hòa nhập với cộng đồng, không tái phạm là nội dung công tác luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo.

Làm tốt công tác này vừa thực hiện tốt chính sách hình sự nhân đạo đối với người phạm tội, vừa góp phần quan trọng giữ vững ổn định ANTT và phòng ngừa tội phạm. Đây là công việc đầy khó khăn, phức tạp, không chỉ là trách nhiệm của lực lượng công an nói chung, lực lượng cảnh sát THAHS và HTTP nói riêng mà là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể xã hội trong hệ thống chính trị và mọi công dân. 

“Hạnh phúc lớn nhất của những người quản giáo là không bao giờ nhìn thấy người phạm tội thêm lần thứ hai trong trại giam. Muốn vậy, cả cộng đồng, trước hết là gia đình họ cần chung tay giúp đỡ, bao dung đối với người đã từng lầm lỗi, để họ quên đi, vượt qua quá khứ và tự đứng lên trên chính đôi chân của mình”, Trung tướng Cao Ngọc Oánh nhấn mạnh.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc CATP tặng Giấy khen cho các tập thể và cá nhân. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương nhìn nhận, thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là thể hiện rõ bản chất nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta; phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc nhằm động viên, khuyến khích, xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện thuận lợi để những người có quá khứ lỗi lầm có cơ hội ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo ANCT, TTATXH…

Tuy nhiên, đồng chí cũng cho rằng, bản thân những người được tha tù và gia đình họ nếu phải tự thân vận động trong khi họ thiếu về văn hóa, chuyên môn, thiếu các kỹ năng cơ bản, thiếu sự hỗ trợ từ chính quyền, đoàn thể và xã hội thì khả năng tái hòa nhập cộng đồng của họ sẽ không cao.

Giao lưu giữa các điển hình tiên tiến thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng.

“Tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là quá trình khó khăn cho chính bản thân người được tha tù, kể cả gia đình họ. Làm tốt công tác này phải thể hiện ở những hành động thiết thực, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử với người chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện để họ có cơ hội ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo ANCT, TTATXH”, đồng chí Võ Duy Khương nói và giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành có liên quan trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố quyết định tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 5 cá nhân; Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát THAHS và HTTP (Bộ Công an) tặng Giấy khen cho 2 tập thể và 5 cá nhân; Giám đốc CATP Đà Nẵng tặng Giấy khen cho 3 tập thể và 6 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn thành phố.

Doãn Hùng