Báo Công An Đà Nẵng

Gỡ khó cho Dung Quất (Kỳ 1: Loay hoay bài toán việc làm)

Thứ ba, 17/10/2017 11:00

Sau hơn 20 năm hình thành, phát triển, nhìn chung Khu kinh tế (KKT) Dung Quất đã có những đóng góp nhất định trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Ngãi nói chung và H. Bình Sơn nói riêng. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn có những mặt trái của việc phát triển này, đơn cử nhất là vấn đề việc làm của những người dân đã nhường đất lại cho các dự án, nhà máy trong KKT. Nhiều người trong số họ sau thời gian chuyển đổi ngành nghề, làm ở các Cty, nhà máy, vì nhiều lý do đã quay trở về với nghề truyền thống.

Thu nhập không ổn định, nhiều người bỏ nhà máy về với nghề đánh cá truyền thống.

Trên con đường từ Dốc Sỏi về các xã Bình Thạnh, Bình Đông, Bình Thuận, Bình Trị, Bình Hải... của H. Bình Sơn gần 10 năm nay vẫn chưa có sự thay đổi nào đáng kể. Cũng có một vài công trình lớn, khách sạn mọc lên nhưng nhìn chung 2 bên tuyến đường vẫn còn khá hoang vu, rác thải vẫn ngập tràn. Từng đàn bò nhởn nhơ đi lại trên các tuyến đường nhựa, cảnh người dân quê vẫn chất phác làm những công việc thường nhật. Đâu đó cũng có những tốp công nhân đi vào các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn nhưng xem ra con số này vẫn khá ít.

Anh Nguyễn Văn Ba (thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận, H. Bình Sơn) kể, vài năm trước, sau khi có đề án chuyển đổi ngành nghề, anh được đi học nghề rồi bắt đầu vào làm công nhân ở nhà máy đóng tàu Dung Quất. Ban đầu công việc khá ổn định, thu nhập bình quân mỗi tháng cũng được 6-7 triệu đồng. Thấy ổn định hơn đi biển nên anh cũng chú tâm làm việc. Nhưng đâu được vài năm, mấy năm gần đây công việc “bữa đực, bữa cái”, nguồn thu nhập giảm hẳn trong khi chi phí sinh hoạt, tiền cho con cái học hành đều tăng khiến anh phải rời nhà máy để quay về cùng với ba mình sắm một chiếc ghe đi biển đánh bắt cá. “Đi biển thì cũng tùy thuộc nhiều thứ, lại vất vả, nhưng nói chung thu nhập vẫn  cao hơn hẳn so với làm công nhân nhà máy đóng tàu”-anh Ba phân bua. Tương tự, anh Nguyễn Văn Mười (thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận) sau thời gian vào làm công nhân cho một số nhà máy trên địa bàn KKT Dung Quất vì thu nhập không đủ nuôi 2 đứa con nên xin nghỉ việc để tìm việc khác. May mắn, anh xin vào làm trên tàu chuyên chở hàng tuyến Sài Gòn-Dung Quất-Hải Phòng. Thu nhập trung bình mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng, ăn uống mọi thứ có chủ tàu lo nên anh cũng có một khoản tiền gửi về cho gia đình hàng tháng.

Ông Tạ Văn Minh-Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận tâm sự, những năm qua, nhờ có sự phát triển của KKT Dung Quất nên đời sống người dân trong vùng cũng khá lên. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn không ổn định, trình độ chuyên môn của người lao động không đáp ứng hoặc dư thừa... đã gây trở ngại cho sự chuyển đổi ngành nghề. Ông Minh đưa ra dẫn chứng, theo khảo sát của xã Bình Thuận, tính đến giữa năm 2016, xã có 3.806 người trong độ tuổi lao động. Trong đó, có 289 người trình độ đại học, 306 trình độ cao đẳng, 423 người trung cấp và 2.780 người sơ cấp nghề, lao động phổ thông. Trong khi đó, số người có việc làm ổn định (có ký hợp đồng lao động, cán bộ, công chức trên địa bàn) chỉ có 333 người. Hơn 2.600 người lao động thời vụ và hơn 800 người vẫn chưa có việc làm. Trong số người có công việc ổn định chủ yếu tập trung tại các nhà máy của Dosan, Vship Quảng Ngãi. Trong khi đó, một nhà máy chiếm diện tích rất lớn trên địa bàn xã như Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng chỉ có 5-6 người là con em xã Bình Thuận vào làm việc. Để giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn, xã cũng đã đưa ra nhiều giải pháp như mời các doanh nghiệp, UBND huyện, tỉnh, các ban ngành liên quan đến để đối thoại, tìm giải pháp. Tuy nhiên, số người có việc làm như mong muốn vẫn chưa được bao nhiêu. “Mong muốn của xã  là các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tạo điều kiện hơn cho lao động địa phương. Cụ thể như có sự đặc cách về trình độ, tay nghề trong công tác tuyển dụng, ưu tiên con em địa phương trước... có như vậy mới hỗ trợ được địa phương trong giải quyết việc làm, thực hiện tốt hơn khâu an sinh xã hội”-ông Minh bộc bạch.



Trường nghề chỉ dành cho lớp trẻ (ảnh 1), còn người lớn tuổi ở Dung Quất thường làm các công việc đơn giản để mưu sinh (ảnh 2).

Ông Nguyễn Văn Thanh-Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông (H. Bình Sơn) cho biết, xã Bình Đông có đến 40% diện tích đất bị thu hồi trong những năm qua để phục vụ việc xây dựng các nhà máy, KKT Dung Quất. Để chuyển đổi ngành nghề cho người dân, xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng mở nhiều lớp dạy các nghề: mây tre đan, trồng nấm, dạy kỹ thuật chăn nuôi cho phụ nữ, người lớn tuổi. Đối với những người làm nghề biển thì đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng miễn phí. Thanh niên thì đào tạo nghề cơ khí, gò hàn...  Trong số lao động được đào tạo nghề thì những người dưới 45 tuổi được đào tạo bài bản đã được một số Cty như Dosan, thép Hòa Phát, Vship Quảng Ngãi, ô-tô Trường Hải... nhận vào làm. Còn số người lớn tuổi hơn thì hiệu quả của các chương trình này chưa cao. “Sau khi được tập huấn, học nghề, các lao động có tạo ra sản phẩm nhưng đầu ra khó. Nông sản, cây, con giống bán ra chậm nên các hộ dân ít mặn mà nên dần dà họ tự chuyển đổi sang những ngành, nghề phù hợp hơn với bản thân mà có thu nhập ổn định hoặc cao hơn”-ông Thanh trăn trở.

Trong khi đó, theo thống kê của Ban quản lý KKT Dung Quất, hiện tại đang có 77 doanh nghiệp (với 82 dự án) hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động, trong đó lao động trong tỉnh chiếm khoảng 78,2%. Ngoài ra, KKT Dung Quất còn thu hút khoảng 3.000 lao động đang làm công việc xây dựng và các dịch vụ buôn bán phục vụ trong KKT. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực tại chỗ, tại KKT Dung Quất hiện cũng có 2 cơ sở đào tạo gồm Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Dung Quất, Trung tâm đào tạo và cung ứng lao động Dung Quất. Đến nay, 2 cơ sở này đã đào tạo hơn 16.000 lượt sinh viên, học viên có trình độ cao đẳng, trung cấp, công nhân kỹ thuật. Điều này chứng tỏ đang có một lực lượng lao động hùng hậu làm việc hoặc đang cần tìm việc tại KKT này. Và điều quan trọng là trong những năm tới, các doanh nghiệp trong KKT Dung Quất sẽ làm gì để hỗ trợ việc làm cho người dân để hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế, xã hội.

(còn nữa)
NGUYỄN TUẤN