Báo Công An Đà Nẵng

Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp công nghệ thông tin

Thứ năm, 30/03/2017 09:21

(Cadn.com.vn) - Sáng 29-3, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cùng lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có buổi đối thoại với các doanh nghiệp công nghệ thông tin (DN CNTT), cơ sở đào tạo, quản lý về CNTT trên địa bàn thành phố để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển của các DN trong lĩnh vực này.

“Khát” trăm bề

Lâu nay, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp... vẫn đề cập câu chuyện khát nhân lực ngành CNTT, nhưng trên thực tế, các DN CNTT tại Đà Nẵng hiện nay đang khát đủ thứ, từ nguồn nhân lực, mặt bằng sản xuất cho đến thị trường tiêu thụ sản phẩm... Theo thống kê của Sở TT&TT, hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có gần 700 DN CNTT đầu tư, phát triển, được phân thành 5 nhóm dịch vụ chính. Nguồn nhân lực CNTT của thành phố Đà Nẵng hiện tại ước khoảng 20.000 người. Doanh thu của các doanh nghiệp tăng trưởng cao, từ 25-30%/năm, riêng năm 2016, các DN này đạt hơn 13.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 114,8 tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu đào tạo tại địa phương không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cũng như yêu cầu chất lượng của DN.

Ông Đặng Việt Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở TT&TT thành phố cho biết, qua khảo sát nhu cầu tuyển dụng của 107 DN đối với lĩnh vực CNTT cho thấy, nhu cầu tuyển dụng của họ trong năm 2016 là 1.761 nhân lực, năm 2017 là 2.067 nhân lực. Tuy nhiên, qua khảo sát tại 20 cơ sở đào tạo CNTT, số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm trên địa bàn thành phố khoảng 924 người, con số này mới chỉ đáp ứng được 52% nhu cầu tuyển dụng của DN. Cũng theo khảo sát này, trong số 107 DN, thì có 77 DN có ý kiến đánh giá nhân lực còn yếu về kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế. Ngoài ra, các DN cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, thiếu kiến thức chuyên môn buộc doanh nghiệp phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng...  Theo đại diện một số DN, lý do nhân lực yếu là do chương trình đào tạo tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn còn nặng về lý thuyết. Bởi thông thường, một chương trình đào tạo đại học CNTT tại Việt Nam kéo dài 4 năm, trong đó 1 - 1,5 năm SV được học lý thuyết, các môn đại cương, đến năm thứ 2 mới học môn chuyên ngành. Mặt khác, thị trường tiêu thụ sản phẩm CNTT còn ít. Đặc biệt, thị trường trong lĩnh vực công thì các tập đoàn lớn về CNTT có ưu thế tham gia, còn DN nhỏ và vừa tại địa phương thì gần như không có cơ hội.

Mặt bằng cho DN cũng là một rào cản lớn. Hiện toàn thành phố Đà Nẵng có 6 khu CNTT tập trung, bao gồm: Khu công viên phần mềm số 1, tòa nhà FPT Đà Nẵng, Khu CNTT tập trung số 1, Khu CNTT tập trung số 2, Khu công viên phần mềm số 2, Khu đô thị công nghệ FPT. Trong đó, có 2 khu đang hoạt động và đã đầy, các khu còn lại vẫn đang trong giai đoạn triển khai đầu tư xây dựng. Ông Trương Minh Hoàng - Giám đốc Cty Asean Tech cho biết, hiện DN đang có 250 nhân viên và muốn phát triển lên quy mô khoảng 500 hoặc 1.000 người. Tuy nhiên vấn đề khó khăn hiện nay để mặt bằng có thể đáp ứng được nhu cầu của DN là rất khó. Ông Anh Lê Trí Hải - Giám đốc Cty Toàn Cầu Xanh cho biết, từ ngày thành lập cho đến nay Cty đã 6 lần thay đổi trụ sở. Năm 2015, DN gởi đơn lên thành phố xin thuê mặt bằng, nhưng đến nay chưa có thông báo trả lời. Rõ ràng vấn đề này sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của DN. Vì vậy, thành phố cần có sự quan tâm thực sự, tạo ra kênh hỗ trợ sát thực hơn cho DN.

Gỡ nút thắt

Không chỉ nêu ý kiến, tại buổi đối thoại, các DN, cơ sở đào tạo CNTT cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để cùng với thành phố Đà Nẵng giải quyết các vướng mắc của DN CNTT trong giai đoạn hiện nay như: tổ chức tuyển sinh đầu vào ngành CNTT có thêm môn ngoại ngữ, mở rộng quy mô đào tạo CNTT, hỗ trợ mặt bằng, xúc tiến thị trường, ưu tiên khởi nghiệp CNTT, tháo gỡ khó khăn trong việc xin giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam, sớm hoàn thành việc đầu tư xây dựng để các DN có thuê mặt bằng ổn định sản xuất...

Ông Trần Bá Khắc Triệu - Đại diện Cty phần mềm NTT Data Việt Nam cho rằng, hiện DN CNTT Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh lớn của các Cty đến từ Trung Quốc, Ấn Độ... lý do là chúng ta thiếu ngoại ngữ. Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào, rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ cho sinh viên, ông Triệu đề nghị thành lập Quỹ học bổng cho học sinh tốt nghiệp, cho các bạn trẻ có nỗ lực học ngoại ngữ. Ngoài ra, nếu học CNTT không cũng không đủ trình độ để khởi nghiệp. Vì vậy trong chương trình ĐH thay vì dạy chuyên ngành thì cần mời thêm các ngành khác, DN đến nói chuyện, giảng bài để sinh viên hiểu thêm kiến thức, có động lực khởi nghiệp và làm ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của xã hội đang cần.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh, ngành CNTT được xem là ngành công nghiệp quan trọng của thành phố và muốn phát triển ngành này thì cần phải có 3 trụ cột là: mặt bằng, nguồn nhân lực và thị trường. Ông Dũng yêu cầu, thời gian tới, Sở TT&TT phải cùng với Hiệp hội phần mềm, doanh nghiệp tổ chức các buổi trao đổi chuyên đề sâu về mặt bằng, nguồn nhân lực,... để tiếp cận, trao đổi thông tin nhanh hơn. Ông Đặng Việt Dũng ủng hộ việc đầu tư mặt bằng để DN CNTT thuê. “Các anh đang chờ hướng dẫn, nhưng ở ngoài xã hội họ cần cái bằng để đi làm nên không thể chờ như thế được. Chúng ta cần phải tìm cách tháo gỡ nút thắt nguồn nhân lực để giải quyết vấn đề. Giúp DN phát triển chứ không thể chờ. Hiện thành phố Đà Nẵng đang triển khai rất nhiều chương trình và thời gian tới sẽ có nhiều sự hỗ trợ cho DN đặc biệt là DN CNTT” - ông Dũng nhấn mạnh.

Nguyễn Tuấn