Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo
* Tỷ trọng điện gió, điện Mặt Trời của Việt Nam tăng nhanh nhất khu vực
UBND tỉnh Bình Thuận vừa yêu cầu các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, tập trung giải quyết các vướng mắc của các dự án điện gió, điện Mặt Trời trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Nghị định số 51/2021/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện và hướng dẫn các nhà đầu tư có dự án nằm trong quy hoạch dự trữ khoáng sản titan hoàn chỉnh các trình tự thủ tục liên quan để triển khai xây dựng dự án; trong đó, có các dự án điện gió và điện Mặt Trời. Tuy nhiên, đến nay, việc giải quyết các vướng mắc, hoàn chỉnh các thủ tục liên quan để đưa công trình vào vận hành, sử dụng còn rất chậm, chưa được các sở, ngành giải quyết dứt điểm.
Để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu các huyện, thị xã và thành phố có liên quan rà soát, giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc liên quan đến bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng của các dự án điện gió, điện Mặt Trời. Các các huyện, thị xã và thành phố lưu ý đôn đốc các đơn vị, phối hợp với chủ đầu tư thực hiện các trình tự thủ tục, báo cáo cơ quan thẩm quyền xem xét thẩm định và phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất của các dự án theo quy định hiện hành.
Trước mắt, các cơ quan chức năng tập trung hướng dẫn ngay các dự án mà qua các đợt thanh kiểm tra vừa qua phát hiện có vi phạm hoặc đã xử lý hành vi vi phạm theo đúng quy định, để hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục đảm bảo theo đúng quy định hiện hành.
Theo Sở Công Thương Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có hơn 40 nhà máy điện các loại đang hoạt động phát điện với tổng công suất hơn 6.000MW. Sản lượng điện thiết kế của các nhà máy đạt hơn 30 tỷ kWh/năm. Thời gian qua, ngành công nghiệp điện, năng lượng của tỉnh đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đảm bảo cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
*Một nghiên cứu mới được các chuyên gia quốc tế thuộc chương trình nghiên cứu trọng điểm về năng lượng tái tạo thuộc Đại học Quốc gia Australia, Trung tâm Năng lượng ASEAN, Viện Ngoại giao Na Uy và Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội thực hiện cho thấy tỷ trọng năng lượng Mặt Trời và gió trong cơ cấu điện ở Việt Nam trong năm 2020 tăng cao hơn nhiều so với tốc độ đạt được ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và trên toàn thế giới.
Nghiên cứu cho thấy sản lượng điện Mặt Trời và điện gió của Việt Nam đã tăng từ 4,7TWh năm 2019 lên 9,5TWh vào năm 2020, tương đương với mức tăng 1,98% trong tổng sản lượng điện. Tại khu vực Đông Nam Á, Malaysia, Singapore và Indonesia có mức tăng thấp hơn, trong khi tỷ trọng năng lượng Mặt Trời và gió trong tổng sản lượng điện lại giảm ở Thái Lan và Philippines do sự phát triển tương đối chậm chạp các nguồn năng lượng tái tạo này và tăng trưởng nhanh chóng trong việc sử dụng các nguồn điện khác. Theo nhóm nghiên cứu, kể từ năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trở thành quốc gia dẫn đầu về áp dụng điện Mặt Trời và điện gió trong khu vực ASEAN.
Số liệu của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IREA) cho thấy tổng công suất quang điện Mặt Trời (PV) của Việt Nam đạt khoảng 16.500MW vào cuối năm 2020. Con số này vượt xa mục tiêu do chính phủ đề ra lúc ban đầu vào năm 2016 là 850MW, thậm chí đang tiến gần đến mục tiêu dự kiến là 18.600MW công suất điện Mặt Trời lắp đặt vào năm 2030 được nêu trong bản dự thảo Quy hoạch Điện 8 của Việt Nam.
Theo công bố của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong hai năm 2019 và 2020, hơn 100.000 hệ thống điện Mặt Trời trên mái nhà đã được lắp đặt tại Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đánh giá đây là một thành tích phi thường. Trong khi điện Mặt Trời đạt mức phủ rộng lớn nhất tại Việt Nam, công suất điện gió được lắp đặt cũng tăng nhanh. Vào cuối năm 2020, công suất điện gió lắp đặt đạt 600MW, chỉ sau Thái Lan (1.507MW) trong số các nước ASEAN.
Báo cáo nghiên cứu cho biết, năm 2020, tốc độ tăng trưởng công suất điện gió tính theo năm của Việt Nam là 70%, trong khi các nước ASEAN khác không mở rộng công suất điện gió. Việt Nam cũng là quốc gia có quy hoạch phát triển điện gió tham vọng nhất trong ASEAN, với mục tiêu dự kiến là 11.800MW công suất điện gió vào năm 2025. Trong khi đó, mục tiêu của Thái Lan và Philippines lần lượt là khoảng 3.000MW vào năm 2036 và 2.378MW vào năm 2030.
Tiến sỹ Đỗ Nam Thắng, thuộc trường Đại học Quốc gia Australia, thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu, đặc biệt là khi các nguồn tài chính đầu tư cho năng lượng hóa thạch đang bị cắt giảm trên toàn cầu. Ông nhấn mạnh quyết tâm chính sách và sự đồng thuận của xã hội là yếu tố chính của bài học thành công của Việt Nam.
P.V