Báo Công An Đà Nẵng

Góc chợ đời người (4)

Thứ tư, 08/04/2015 10:28

* Bài cuối:  Gánh hàng qua những truân chuyên

(Cadn.com.vn) - Những bươn chải, tất tả ở chợ thường gắn liền với những phận đời gian khó. Ở rất nhiều khu chợ, bên cạnh những quầy hàng lớn, xếp thành hàng thành dãy, bao giờ cũng có những rổ hàng đặt vội vàng, những gánh hàng nằm khép nép, với những tiếng rao lọt thỏm giữa chợ đông đúc, để mong bán được vài món đồ rẻ tiền. Bà Nguyễn Thị Lê với gánh hàng tạp hóa cũng đã có nhiều năm lặn lội qua các chợ Kim Liên, Nam Ô, Hòa Khánh...

Gánh hàng nhiều thập kỷ...

Bà Nguyễn Thị Lê (76 tuổi), là người gốc Huế, vào Đà Nẵng năm 1968, khi chiến sự Mậu Thân diễn ra. Chồng bà khi đó là lính quân cụ, chuyên sửa chữa các loại xe cộ cho chế độ Sài Gòn. Những năm tháng ấy, bà gánh bún bò Huế đi khắp Đà thành để kiếm thêm tiền lo cho mấy đứa con. Sau giải phóng, chồng bà chỉ phải đi học tập cải tạo vài tuần. Vốn có nghề cơ khí, ông ở nhà làm mấy thứ đồ bằng sắt cho bà đem đi bán. Lúc đầu bà chỉ bán dao, sau bán thêm kéo, rồi kim chỉ, gương lược, vài thứ đồ lặt vặt khác, dần dà thành một gánh tạp hóa nhỏ. Cuộc sống thời điểm đó khó khăn trăm bề, nuôi 7 đứa con, gánh hàng trên lưng bà cũng oằn vai. Bà nói chợ nào cũng đi, cứ bán hết chợ này tới chợ khác, chắt chiu từng đồng bạc lẻ lo cho gia đình.

Những lúc vắng khách bà Lê cũng không dám rời khỏi quầy.

Nhiều năm trước, bà chạy đủ các chợ. Từ khi chợ Hòa Khánh xây dựng tại địa điểm mới, bà kiếm được một góc ngồi ngay bên dưới những sạp hàng bán mì lá, mì sợi. Hàng ngày, bà bắt xe buýt đi từ đường Hà Huy Tập lên chợ Hòa Khánh, bán ở đó đến 5, 6 giờ chiều. Chợ Hòa Khánh đông đúc chủ yếu buổi sáng, nhưng bà gắng đợi công nhân tan buổi làm chiều ghé vào mua thêm gói tăm bông hay cái bấm móng tay. Khi những sạp hàng lưu động bán các loại hàng tạp hóa lặt vặt xuất hiện ngày càng nhiều, việc mưu sinh của bà Lê cũng trở nên khó khăn hơn. Những năm trước có thể bươn chải chợ này chợ kia, hoặc kiếm thêm món này món kia để bán. Còn bây giờ thì bà ngồi cố định ở một góc ngã ba đường, ngày nắng với cái nón lá, ngày mưa che thêm tấm bạt, buổi trưa kê thêm cái ghế ngả lưng. Những người buôn bán xung quanh thương bà lớn tuổi, cho bà để nhờ hàng hóa trong thùng hàng của họ mỗi khi tan chợ. Và nhịp sống hàng ngày của bà cứ thế trôi đi...

Qua thời gian, 7 đứa con khôn lớn, bà và chồng tưởng như tuổi già có thể nương nhờ được con cái thì bất trắc xảy ra. Vợ đứa con trai út mất vì ung thư, để lại ba đứa con thơ dại, đứa đầu 3 tuổi, hai đứa sau sinh đôi mới 5 tháng. Vợ chồng bà đành nuốt nước mắt lo cho con cho cháu. Ông hàng ngày ở nhà giữ cháu nhỏ, còn bà thì gắng gỏi bán buôn ở chợ, kiếm thêm được đồng nào hay đồng ấy. Bà nghĩ, chắc sẽ bán đến cuối đời, khi nào không còn ra chợ được nữa mới thôi.   

Bà Lê với gánh hàng đã gắn bó cả đời với chợ.

Để gánh đời nhẹ vơi...

Sạp hàng tạp hóa nhỏ của bà, thứ đắt nhất khoảng 20, 30 nghìn, rẻ nhất chỉ 1 nghìn đồng. Bà cười buồn, nhiều món hàng bán chỉ lời vài trăm đồng. Thấy bà hiền lành nên nhiều khách thương, thỉnh thoảng lại ghé mua. Trung bình một ngày cả vốn cả lời bán được 100, 200 nghìn, ngày nhiều nhất bán được 300 nghìn đồng, lãi được vài chục nghìn. Bà nói, liệu cơm gắp mắm mà sống. Mỗi ngày, bà đặt 2 cái nia tre để bày hàng. Bên cạnh những thứ đồ lặt vặt bán theo nhu cầu của khách, nhiều nhất vẫn là mấy chục cái dao, kéo sắt chắc nịch của những lò rèn thủ công và cái hộp to đựng mấy chục cuốn chỉ đóng bao ni lon cẩn thận. Những món hàng thân thương này đã theo bà suốt mấy chục năm nay. Nó cũng đơn sơ, bền bỉ như chính những năm tháng cuộc đời bà.

Những lúc khách vắng, bà cũng không dám đi đâu xa chợ, sợ lỡ có khách lại mất bán một món hàng. Rồi bà nhìn xa xăm, buồn, bảo nhiều lúc cũng nhớ quê. Huế với Đà Nẵng có xa cách chi đâu, nhưng chỉ khi nào có giỗ chạp mới về. Bà tâm sự, về thì mất buổi bán, chưa kể phải tốn ít nhất hai, ba trăm nghìn. Được cái, như bà nói, dù cuộc sống nhọc nhằn, nhưng chồng bà hiền lành, thương vợ thương con, lo lắng cho cháu; ông bà cũng lấy sự hòa thuận của các con làm niềm vui sống. Tính bà vốn trầm lặng, không bon chen với ai. Bây giờ lớn tuổi càng nhẫn nại mà buôn bán qua ngày. Cuộc sống chẳng bao giờ dễ dàng, và ai cũng có những nỗi niềm riêng, nhưng ở tuổi bà bây giờ, những truân chuyên cuộc đời cũng như gánh hàng đã được đặt xuống, và bà nhẹ lòng hơn.

Phóng sự: Hải Quỳnh