Góc chợ đời người
* Bài 1: Ba đời thuốc xắt, thuốc rê
(Cadn.com.vn) - Người ta hay nói rằng: để hiểu cuộc sống, tập quán của một vùng đất, một địa phương thì hãy tìm đến chợ. Nơi sinh hoạt mua bán ồn ào thường ngày đó là nơi phô bày, hiển hiện sinh động những đặc tính văn hóa và kinh tế của một địa phương. Kể cả khi cuộc sống ngày càng hiện đại với sự xuất hiện của các siêu thị và trung tâm thương mại thì chợ truyền thống vẫn có vai trò và sức cuốn hút riêng, bền bỉ... Bởi nhiều khi, người ta đến chợ chỉ để nhìn một mớ cá tươi ngon, một rổ rau mới hái, một thẩu mắm vừa muối thơm nồng. Và ở đó, người ta gặp lại một nụ cười quen, một gương mặt sạm nắng của những phận đời đã bao năm gắn bó, nhọc nhằn bên góc chợ.
Cứ tưởng những sạp hàng nhỏ bán thuốc xắt, thuốc rê chỉ còn tồn tại ở các vùng quê, thế nhưng ngay trong chợ Cồn, ngôi chợ sầm uất nhất của trung tâm TP Đà Nẵng, vẫn còn 3 quầy hàng bán loại thuốc lá truyền thống. Trong đó, gia đình chị Nguyễn Thị Mai, quê ở làng Thanh Quýt, H. Điện Bàn, Quảng Nam đã có tới 3 đời buôn bán sản phẩm này tại các chợ.
Chị Mai với chiếc cân cũ kỹ bán thuốc xắt cho khách. |
Nơi thời gian ngừng lại
Quầy hàng thuốc xắt, thuốc rê Mai nằm ở một góc lối vào sầm uất bên hông chợ Cồn. Đối diện là những quầy trang sức, phụ kiện lấp lánh lúc nào cũng đông đúc các bạn trẻ chọn mua. Quầy hàng của chị Mai lùi vào một chút, khiêm tốn, lặng lẽ, xếp những bó lá thuốc vuông vức, vài cái thúng đựng thuốc xắt, và mấy gói thuốc rê. Trước mặt chị bao giờ cũng là 2 cái cân: một cái bằng sắt cũ kỹ với vài quả cân để định lượng và một chiếc cân hiển thị số hiện đại. Cái cân sắt cũ kia là của mẹ chị chuyển giao lại khi bà nghỉ bán hàng cách đây khoảng 10 năm. Trước đó, ông nội của chị Mai cũng là người buôn bán các loại thuốc lá, thuốc xắt Cẩm Lệ có xuất xứ từ quê hương Thanh Quýt.
Chị Mai cho biết, bán những loại hàng này từ mấy chục năm nay cũng vậy, chủ yếu nhờ khách quen. Khách sỉ của chị từ Quảng Trị, Huế trở vô và Hội An, Túy Loan ra cùng với những người buôn bán ở các chợ nhỏ thành phố Đà Nẵng. Khách lẻ là các bà, các ông, các cô bác lớn tuổi đã quen với mùi vị thuốc, được xắt kỹ lưỡng do em gái của chị Mai ở làng Thanh Quýt tỉ mẩn làm hàng ngày. Bây giờ những người hút thuốc xắt, thuốc rê không còn nhiều, nhưng nhờ khách trải rộng ở nhiều địa phương nên quầy hàng của chị lúc nào cũng có khách lui tới dù không đông đúc. Hàng ngày, trung bình chị bán được khoảng 10 kg thuốc lá và 20 kg thuốc xắt với giá 250 nghìn đồng/1 kg thuốc lá và 200 nghìn đồng/1 kg thuốc xắt. Chị bảo, bán hàng này không phải bon chen, xô bồ, cứ đều đặn ngày qua ngày, đôi khi có cảm giác thời gian ngừng lại. Dù vắng hay đắt khách chị vẫn bán hàng từ sáng đến chiều tối mới về.
Đôi khi trời mưa ế ẩm, chị lại thần người ngồi nhớ đến tuổi thơ ở quê hay đẩy, cuốn thuốc giúp mẹ để xin tiền mua quà. Rồi kỉ niệm về những khách hàng "truyền thống" của mình từ mấy mươi năm qua. Có người nay đã ở bên trời Tây, có người đi mãi không về nữa... Rồi chị kể một kỷ niệm vui: cuối năm ngoái, vào một ngày mưa vắng khách, đang ngồi ngẫm ngợi vu vơ, chợt một thanh niên rất trẻ tới quầy của chị mua gần 10kg thuốc xắt. Chị hỏi mua cho ai mà nhiều vậy, cậu thanh niên nói là mua cho bà ngoại hiện đang ở Mỹ với người cậu. Bao nhiêu năm bà vẫn nhớ cồn cào mùi thuốc xắt quê nhà nên cứ có dịp lại nhờ con cháu mua gửi sang. Mà bà dặn phải đến đúng chợ Cồn, tìm đúng quầy thuốc Mai để mua. Kể từ đó, cứ vài tháng lại thấy cậu trẻ này đến mua thuốc cho bà. Hơn một năm nay thấy cậu thanh niên không quay lại, chị Mai biết mình đã mãi mất đi một "khách ruột"...
Khách như người nhà
Chị Mai kể, hồi trước, ngay sát bên quầy hàng của gia đình chị là quầy hàng thuốc xắt, thuốc rê bà Vui. Buôn bán thì cũng có thời, lúc đầu quầy bà Vui đông khách lắm, sau thì sản phẩm của gia đình chị được khách ưa chuộng hơn. Bán buôn ế ẩm, bà Vui nghỉ ở nhà, chuyển quầy hàng cho con cái. Con bà Vui không bán thuốc lá nữa, chuyển qua bán đồ trang sức, mỹ phẩm, khách lại đông chật như xưa. Nhiều người cũng khuyên chị Mai chuyển sang bán mặt hàng khác để nhiều khách mà lời cũng nhiều.
Nhưng chị Mai không muốn thay đổi, phần thì quầy hàng của chị là nơi tiêu thụ thuốc lá cho gia đình người em ở Thanh Quýt, phần thì chị vẫn còn có khách quen, cứ túc tắc bán qua ngày là đủ sống. Hỏi: chị nghĩ chị còn bán được bao nhiêu năm nữa? Chị nói chắc vài năm nữa. Còn khách thì còn bán. Chị Mai kể, khách tới đây đều thành người thân quen, đến nỗi gia cảnh mỗi người như thế nào chị đều biết hết. Có lẽ, tới quầy hàng của chị, người ta như trở về không gian xưa cũ, của những ký ức, vì vậy cũng dễ mở lòng hơn.
Gia đình từng có 3 đời bán thuốc lá, thuốc xắt ở chợ Cồn nhưng theo chị Mai có lẽ đến đời chị là hết bởi những người dùng thuốc lá, thuốc xắt đều lớn tuổi, và thế hệ tiếp theo không ai sử dụng những loại sản phẩm này. Những nia, thúng đựng thuốc lá, thuốc xắt nâu đen và cả chiếc cân sắt cũ kỹ mà chị Mai vẫn bày lên quầy hàng hằng ngày, một thời gian nữa chắc cũng được xếp vô... bảo tàng nhà chị cùng với ký ức xa xăm...
Phóng sự: Hải Quỳnh
(còn nữa)