Góc khuất bệnh viện (2)
Bài cuối: Mong lắm tiếng gọi của con!
Mỗi năm, Khoa hiếm muộn của BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng đón gần 8.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. |
(Cadn.com.vn) - Phía sau cánh cổng bệnh viện là rất nhiều cảnh đời. Nơi đó có những con người phải chịu tột cùng nỗi đau vì bệnh tật. Nơi ấy có những mảnh đời ngày ngày mưu sinh. Và nơi ấy cũng có những người đang trên hành trình đi tìm hạnh phúc... Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc những câu chuyện của các cặp vợ chồng hiếm muộn đang trên hành trình đi tìm con.
Dạo một vòng các khu nhà trọ quanh BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng mới thấy hết cái khó, cái khổ của những người hiếm muộn. Họ ở đây, chấp nhận tha hương cầu thực, gắn liền cuộc sống với bệnh viện để một lần được nghe tiếng gọi của con. Thế nhưng, trên hành trình gian nan ấy nhiều người đã chết mòn trong nỗi tuyệt vọng.
Nhìn một bà mẹ đang đút cháo cho con ăn, chị Lan không khỏi se lòng. Đứa trẻ nhăn nhó không chịu nuốt khiến người mẹ nổi nóng dọa nạt. “Người ta thường nói chăm con khổ lắm nhưng mà mình mong được khổ như vậy ông trời cũng không thương”, chị Lan buồn bã. 32 tuổi, đã lập gia đình được 7 năm nhưng vợ chồng chị vẫn chưa có tin vui. Sau khi thuốc thang, thầy bà vẫn không hiệu quả, vợ chồng chị đi khám thì như chết lặng khi bác sĩ thông báo chị bị buồng trứng đa nang còn chồng tinh trùng yếu. Mọi cơ hội như khép lại khi cả hai người cùng có bệnh, anh chị đã xác định tư tưởng là có thể sẽ không có con, sẽ phải xin con nuôi.
Thế nhưng, nỗi khát khao được ẵm trên tay một đứa trẻ, được nghe tiếng nói bi bô của con khiến anh chị quyết tâm tìm kiếm cơ hội cho mình. Từ một vùng quê nghèo của tỉnh Quảng Ngãi, vợ chồng chị Lan khăn gói ra Đà Nẵng sinh sống và cũng để “toàn tâm toàn ý” cho việc có con. Hiện nay chồng chị Lan đang làm bảo vệ cho một xí nghiệp may còn chị nhận giày về phòng trọ gia công. “Thu nhập tuy không đáng là bao nhưng cũng giúp cho vợ chồng tôi trụ lại thành phố. Tuy bác sĩ không yêu cầu mình phải túc trực ở đây nhưng tháng nào cũng phải canh trứng, chi phí ra vô lại mắc nên thôi thà ở lại đây còn hơn”, chị Lan cho biết.
Bên ngoài phòng khám của Khoa hiếm muộn, hàng chục cặp vợ chồng đang ngồi đợi đến lượt. Không gian im ắng vì mỗi người đều mang tâm sự riêng. “Không có con của cải làm ra còn có ý nghĩa chi nữa. Hơn nữa, sống ở quê không có con người ta dị nghị lắm, đời còn dài biết đâu trời sẽ thương mình”, chị Lan phân trần. Đã hơn một năm ròng cuộc sống của vợ chồng chị gắn liền với Khoa hiếm muộn BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. Những lần làm thủ thuật, chuyển phôi, kích trứng cứ như cái vòng luẩn quẩn cuốn chặt lấy đôi vợ chồng. Những cảnh xếp hàng chờ đến lượt khám đã trở thành “thói quen”, ám ảnh chị mỗi ngày.
Còn với vợ chồng anh Vũ (quê Quảng Trị) được xem là “may mắn” nhất xóm “hiếm muộn” vì vợ chồng anh vừa có tin vui được 4 tháng. Thế nhưng, để có được niềm hạnh phúc như bây giờ, vợ chồng anh cũng phải trải qua 2 năm đầy đắng cay khổ cực. Căn phòng trọ nhỏ chỉ vừa kê đủ chiếc giường và chiếc bếp nấu ăn đã “chứng kiến” cả quá trình tìm con của vợ chồng anh Vũ. Căn phòng ẩm thấp chỉ có tấm hình em bé ngộ nghĩnh treo trên tường như ngọn đèn hải đăng dìu dắt hai vợ chồng qua những tháng ngày bi quan, tuyệt vọng.
“Năm 2014, tôi đọc báo thấy Khoa Hiếm muộn của BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng đã áp dụng thành công phương pháp thụ tinh nhân tạo giúp giảm chi phí cho các cặp vợ chồng khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Trước đây phải vào tận bệnh viện Từ Dũ mới có hy vọng nên vợ chồng tôi khăn gói vô đây thử vận may một lần”, anh Vũ cho biết. Những lần canh trứng thất bại, những giây phút tuyệt vọng vì kết quả xét nghiệm khiến vợ chồng anh trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm. “Nhiều lúc vợ chồng tôi buông xuôi muốn bỏ về quê cho xong nhưng rồi lại tiếc quá trình đã qua nên lại tiếp tục cố gắng. Bây giờ có con rồi vợ chồng tôi vẫn ở đây chờ sinh luôn. Đã vượt qua 2 năm rồi thì mấy tháng nữa có nhằm nhò chi”, anh Vũ cười hiền.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Lê – Trưởng khoa Hiếm muộn BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cho biết, mỗi năm có khoảng 8.000 trường hợp đến khám và điều trị vô sinh. “Hiện nay bệnh viện đã triển khai kỹ thuật điều trị hiếm muộn mới. Từ năm 2014 đến nay bệnh viện đã thực hiện thành công 116 chu kỳ chuyển phôi tươi và 25 chu kỳ chuyển phôi đông lạnh với tỷ lệ thành công tương đương với các bệnh viện lớn trong nước. Đặc biệt là triển khai thành công thụ tinh trong ống nghiệm đã giảm thời gian đi lại của bệnh nhân và còn giúp giảm 40% chi phí điều trị. Hiện nay, một ca hiếm muộn, vô sinh thực hiện tại Đà Nẵng bình quân khoảng 70 triệu đồng”.
Tại khu trọ của xóm “hiếm muộn” không chỉ có vợ chồng chị Lan, anh Vũ mà còn có rất nhiều những cặp vợ chồng khác cũng đang mỏi mòn trên hành trình tìm con. Họ cùng chung sống, giúp đỡ lẫn nhau, chung nhau một bếp ăn. Cứ mỗi khi thêm một người có tin vui thì cả xóm trọ đều hồ hởi. Họ mừng cho người khác và cũng để có thêm hy vọng cho mình. Hành trình mà họ trải qua không chỉ là hành trình tìm con mà còn là hành trình vượt qua những định kiến và định mệnh trong đời. Với họ, được nghe tiếng gọi của con là niềm hạnh phúc lớn nhất mà họ theo đuổi, mong chờ.
Đồng Dao