Góc khuất bệnh viện
(Cadn.com.vn) - Nhắc đến bệnh viện, người ta thường nghĩ đến những hình ảnh bệnh tật, sự đau đớn và những hoàn cảnh thương tâm. Thế nhưng, đi sâu vào môi trường này mới thấy phía sau cánh cổng bệnh viện còn rất nhiều câu chuyện, cảnh đời khác. Người ta sống nhờ bệnh viện, tồn tại ở nơi đây nhờ quy luật cung - cầu.
* Bài 1: Nghề ấp con thuê
Chiếc xe cấp cứu kêu inh ỏi tiến vào sân bệnh viện (BV), trên chiếc băng ca, một sản phụ gương mặt trắng bạch được các y tá vội vã đẩy vào bên trong. Cánh cửa vội đóng sập, để lại sau lưng là người nhà sản phụ đầy lo lắng bất an. Tiếng lao xao trên hành lang vang lên, người hỏi han kẻ bàn luận. "Chu cha, thai có 29 tuần mà đã muốn ra rồi thì sau này khó nuôi lắm đây", một người đàn ông tỏ ra am hiểu, nói. "Không biết sao mà dạo này người ta sinh non nhiều dữ, ngày xưa tụi tui đi làm ruộng quần quật luôn tay luôn chân mà con cái đứa nào đứa nấy cũng đủ ngày đủ tháng, cứ cụi cụi mà lớn. Bây giờ sinh đứa con sao mà khó quá!", một phụ nữ trung niên tặc lưỡi…
Chợt có một người phụ nữ tiến lại gần người nhà sản phụ vừa cấp cứu chìa ra số điện thoại rồi nói: "Nếu gia đình cần người ấp cháu thì cứ liên hệ số điện thoại này cho em nha". Chưa hết bối rối vì không biết tình hình vợ con ra sao, anh chồng lại bất ngờ về lời đề nghị được "ấp con" của người phụ nữ nọ. "Ủa, ấp cái chi rứa chị, vợ tui còn chưa sinh nữa mà?". Chưa nói hết câu, người phụ nữ kia đã ngắt lời: "Thì anh cứ giữ lấy số điện thoại của em, còn ấp iếc ra sao rồi sau anh sẽ biết".
Người nhà nằm la liệt ngoài hành lang bệnh viện để chờ đến lượt ấp con. |
Tò mò, tôi lân la hỏi chuyện một lao công đang quét dọn thì bà này cho biết dịch vụ ấp này là dùng hơi ấm của mình để ôm ấp những đứa trẻ sinh non. Tuy nghe có vẻ xa lạ nhưng những người làm nghề này không hiếm. Tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày có đến 5, 6 ca sinh non, có trẻ chỉ hơn 6 tháng tuổi là đã ra đời, vì vậy càng thu hút đông lực lượng những người "cho thuê ấp". Bà cho biết thêm, nếu nhà có người sinh non thì cực lắm, nhất là sinh non dưới 35 tuần tuổi thì trung bình phải ở viện ấp con từ 1 đến 2 tháng cho đến khi trẻ đạt cân nặng theo yêu cầu. Đó là chưa kể trẻ sinh non còn hay mắc những bệnh về hô hấp nên thời gian nằm viện có thể lâu hơn.
Để tìm hiểu kỹ hơn về dịch vụ cho thuê người ấp con này, tôi đến lầu 2 của bệnh viện nơi có 2 phòng Kangaroo với hàng chục đứa trẻ đang được ấp ở bên trong. Bên trong căn phòng hắt ánh đèn mờ những đứa bé tí hon nằm gọn trên ngực của người ấp. Chúng như những con mèo nhỏ đang nằm cuộn mình nhờ hơi ấm của bố mẹ, người thân mà tiếp tục cuộc trưởng thành. Vì phòng ấp dành cho các bé sơ sinh phải được vô trùng nên luôn được bảo vệ kiểm soát chặt chẽ, ra vào phải có giấy thăm nuôi. Ngoài hành lang, hàng chục chiếc chiếu được trải là nơi trú ngụ của các gia đình ấp con, mỗi lượt chỉ được một người vào.
Gặp lại người phụ nữ cho thuê ấp lúc nãy, tôi bắt chuyện thì được chị cho biết đã làm nghề này được hơn 6 tháng. Tình cờ khi người quen trong xóm sinh non nhờ chị đi chăm đẻ nên đã "bén duyên" với nghề. Lúc đầu chị chỉ nhận nhiệm vụ mang sữa mẹ vào cho em bé và chăm sóc cho người mẹ nhưng sau đó chị nhận luôn ấp con. "Trước đây, trẻ sinh non thường được cách ly và nuôi trong lồng kính nhưng bây giờ có phương pháp tốt hơn là dùng hơi ấm của người thân để giúp trẻ hoàn thiện các chức năng. Gọi phòng Kangaroo là mô phỏng hình ảnh con chuột túi ấp con của nó đó. Ngực của mình cũng như chiếc nôi ôm đứa trẻ vào lòng để nó có hơi ấm mà lớn", chị M. nói.
"Nói thì đơn giản như vậy nhưng để ấp được trẻ không hề dễ dàng tí nào mà đòi hỏi người ấp phải có sự kiên nhẫn tuyệt đối và phải có sức khỏe nữa. Hơn nữa, người mẹ sinh non sau sinh sức khỏe còn rất kém không thể chịu đựng được thời gian ấp lâu nên họ hàng, anh chị phải thay nhau vào ấp. Nhưng 1, 2 tuần thì được chứ ấp cả 2, 3 tháng thì phải thuê người ấp phụ thôi chứ sức đâu mà chịu nổi", chị M. cho biết thêm.
Chị M. cho biết số tiền ấp 1 ngày 300 ngàn đồng có thể là cao so với nhiều người nhưng đã rơi vào hoàn cảnh như vậy thì phải chịu thôi bởi người được thuê ấp phải rất vất vả. "Nhiều người nói tụi tui lợi dụng hoàn cảnh mà lấy giá cao nhưng có ai đi ấp rồi mới hiểu. Nằm yên cả ngày và hết sức nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương em bé. Muốn đi vệ sinh, uống miếng nước cũng phải có người vô thay mới đi được, chưa kể nếu người ấp có sức khỏe kém thì không bao giờ chịu được áp lực. Làm nghề này thì đông lắm nhưng chỉ làm một thời gian là phải ngưng để nghỉ ngơi, hiếm ai có sức mà ấp liên tục", chị M. chia sẻ.
Trung bình sau mỗi đợt ấp, chị M. đều kiếm được hàng chục triệu đồng. Số tiền này so với thu nhập khi chị ở quê là rất cao lại có thể thích thì làm mệt thì ngưng nên chị dư dả để gửi tiền về nhà chăm lo cho 2 đứa con đang ở độ tuổi đến trường. Cứ ấp con cho người này xong lại có người nhờ tiếp nên chị M. chẳng bao giờ hết việc. Kể từ dạo ấy, bệnh viện vừa là nhà vừa là chốn ăn nên làm ra của chị M.
Kết thúc câu chuyện, chị M. khoe: "Vừa rồi có cặp vợ Việt chồng tây, cô vợ mang bầu mới có 28 tuần thì vợ chồng đi máy bay bên Úc về. Tới nơi là động thai vô bệnh viện sinh con được có 1,2kg. Có tiền nên họ thuê 4 người thay nhau ấp con. Ấp miết 2 tháng rưỡi giờ em bé được 3,5kg xuất viện rồi. Thấy họ hạnh phúc đón con về mà mấy người đi ấp như tụi tui cũng vui lây". Nói rồi chị M. vội khoác chiếc áo vô trùng để chuẩn bị vào ca ấp mới.
Đồng Dao
(còn nữa)