Báo Công An Đà Nẵng

Góc khuất blouse trắng (2)

Thứ bảy, 06/08/2016 12:19

* Bài 2: Câu chuyện "chiếc lá cuối cùng"

(Cadn.com.vn) - Trong hàng chục đứa trẻ ra đời mỗi ngày tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi, thỉnh thoảng lại có những em bé kém  may mắn khi phải mang mầm bệnh quái ác. Khi đó, chính những người thầy thuốc đã gieo niềm tin, niềm hạnh phúc cho bệnh nhân và người nhà của họ, như người họa sĩ thầm lặng vẽ chiếc lá xanh trong truyện ngắn nổi tiếng "Chiếc lá cuối cùng" của nhà văn Ohenri.

Với các bệnh nhi nặng, y bác sĩ như người mẹ cũng chiến đấu và gieo niềm hy vọng để các em chiến thắng bệnh tật. Ảnh: C.K

Tìm lại nụ cười cho trẻ

Đang chuẩn bị trò chuyện với chúng tôi thì bác sĩ Võ Hữu Hội, Trưởng khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng phải bỏ dở vì tiếng vọng nhỏ nhẹ từ phía ngoài: "Ba Hội ơi, nhờ qua xem giúp, cháu nó cười rồi". Hỏi vì sao có tiếng "Ba" ở đây, chị Lưu Thị Bốn-điều dưỡng trưởng của Khoa cười hiền: "Nghe thương thương như gia đình vậy đó. Có nhiều người, do lo lắng, buồn phiền vì bệnh tật của con cái nên khi mới vào đây họ hay nổi nóng, nặng lời với y, bác sĩ. Nhưng lâu dần, tiếp xúc với nhau hàng ngày như người một nhà, họ mới hiểu và cảm thông cho công việc của chúng tôi. Nhiều người, khi con họ qua cơn hiểm nghèo thì ứa nước mắt xin lỗi và nói rằng các y, bác sĩ đã sinh ra cháu lần thứ hai".

Với nhiệm vụ chẩn đoán sớm, điều trị hồi sức tích cực cho các bệnh nhân nặng từ 28 ngày tuổi đến 16 tuổi, trong số 50 giường bệnh của khoa thì có đến một nửa là các trường hợp được chăm sóc đặc biệt, nhiều ca trong số này phải duy trì thở máy trong thời gian điều trị lâu dài. 21 năm gắn bó với công việc này, nữ điều dưỡng Lưu Thị Bốn đã chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh, nhiều mảnh đời tận cùng khốn khó vì bệnh tật. Mỗi buổi sáng từ phòng giao ban đi thăm bệnh, chị và các đồng nghiệp luôn mang theo niềm hy vọng đến với bệnh nhân và gia đình. Khi đến giường bệnh, thấy các em nở nụ cười hoặc có thể trò chuyện, ai cũng mừng muốn khóc.

Nhưng chứng kiến nhiều em bé nằm bất động ngày này qua ngày khác, cha mẹ các cháu buồn phiền tuyệt vọng, lòng ai cũng quặn thắt. "Dù vậy, nhiệm vụ của mình là kiên trì với các em, chia sẻ với gia đình và gieo vào họ niềm tin bằng mọi nỗ lực, không bao giờ buông xuôi. Chị em chúng tôi nhiều lúc không cầm được nước mắt khi chứng kiến một người mẹ khi đưa con vào đây thì tóc còn xanh, theo con chống chọi với bệnh tật cho đến khi bạc tóc. Nhưng kiên định với niềm tin, hợp tác với bác sĩ, họ đã cùng con mình vượt qua cơn nguy hiểm một cách kỳ diệu dù lúc đầu họ gần như buông xuôi", chị Bốn kể.

Được xem là một khoa "nóng" của Bệnh viện Phụ sản - Nhi, y bác sĩ của khoa thường tiếp bệnh nhân và gia đình trong những cơn âu lo, tuyệt vọng nên việc "đón nhận" những lời nạt nộ, thậm chí là chửi bới, mạt sát vô cớ là chuyện thường xuyên. Nhưng nói như lời điều dưỡng Phan Thị Lài, đã theo nghề y thì phải chuẩn bị tâm lý cho những điều đó, với những khoa đặc biệt mà ranh giới an nguy rất mong manh thì khả năng chịu áp lực, "chịu thiệt" trước những bức xúc của người nhà bệnh nhân để cùng họ đi trên một chặng được dài là rất quan trọng. "Vì chưa hiểu quy trình, hoặc vì quá lo lắng cho con nên họ mới bức xúc như vậy. Hồi mới làm nghề, có khi chị em tôi ôm nhau khóc vì bị họ la mắng, chửi bới ức quá. Nhưng rồi nhận ra, mình chịu thiệt trước đi, lâu dần rồi họ cũng hiểu", chị Lài tâm sự.

Bác sĩ xin tiền giúp bệnh nhân điều trị

Bác sĩ Trương Thành Tâm, người đã âm thầm gắn bó với bộ phận Ung thư Nhi thuộc khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng thừa nhận rằng, áp lực trong công tác chuyên môn kéo dài từ năm này qua năm khác không là gì so với vài chục giây đồng hồ báo tin cho người nhà khi con cháu họ mắc ung thư. Bác sĩ Tâm tâm sự: "Áp lực của bác sĩ không chỉ là đưa ra phác đồ điều trị đẩy lùi bệnh cho các em, để các em được sống khỏe mạnh, mà chính là khoảnh khắc thông báo tin xấu này cho người nhà. Vì nhiều người quan niệm đó là "án tử hình". Sau khi nghe tin, người thì ngất lịm, người thì hoảng loạn, có người khóc nấc lên không chấp nhận kết quả. Chúng tôi phải tìm liệu pháp tâm lý phù hợp nhất trong lúc bản thân mình cũng rất buồn".

Phần lớn các bệnh nhân từ 15 tuổi trở xuống vào đây mắc bệnh ung thư máu. Mỗi đợt điều trị theo phác đồ thường kéo dài trong 1 tháng, sau khoảng 10 ngày về nhà, các em tiếp tục vào điều trị đợt tiếp theo. Nếu tuân thủ đúng theo chế độ chữa bệnh, phần lớn bệnh nhân sau đó về nhà sống khỏe mạnh trong thời gian rất lâu. Vì tính kiên trì, lâu dài trong điều trị bệnh nên hầu hết bệnh nhân, người nhà và bác sĩ đều coi nhau như một gia đình. Vì phải điều trị bệnh lâu dài cho người nhà nên nhiều gia đình gặp rất nhiều khó khăn, túng thiếu. Bác sĩ Tâm nhớ lại, từ lãnh đạo khoa cho đến đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng từng rơi nước mắt trước hoàn cảnh một cụ bà tuyệt vọng vì không có tiền nuôi đứa cháu mồ côi chẳng may mắc bệnh ung thư máu. "Xót xa cho hoàn cảnh của bà cụ, chúng tôi họp phân công nhiệm vụ cho từng bác sĩ, y tá tìm các Mạnh Thường Quân để giúp bà chữa bệnh bằng được cho cháu bé. Hiện nó đang sống khỏe mạnh với bà, lại được đi học đàng hoàng", bác sĩ Tâm kể.

Chuyện trực tiếp đi quyên góp từ các nhà hảo tâm để giúp người bệnh nghèo của các y, bác sĩ tại đây đã chạm vào trái tim của rất nhiều người. Chính vì vậy, từ lâu nay, có nhà hảo tâm giấu tên cứ định kỳ hàng tháng lại đến thăm và tặng quà, trao tiền hỗ trợ cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Một nhóm bạn trẻ tình nguyện cũng thực hiện tiết kiệm, dùng nguồn tiền hỗ trợ từ việc hiến máu nhân đạo để tổ chức sinh nhật, tết thiếu nhi, tổ chức vui chơi cho các cháu. Một bộ phận khác lại thực hiện nhiệm vụ liên lạc, nắm tình hình các bệnh nhân điều trị thành công, xuất viện để cập nhật, theo dõi diễn biến sức khỏe để nâng cao đời sống sau điều trị của các em.

"Câu chuyện trong "gia đình" của chúng tôi thường bắt đầu bằng sự bàng hoàng, tuyệt vọng nhưng lại tiếp diễn bằng tình thương, niềm hy vọng được gieo lên bởi sự chân thành. Không chỉ là đẩy lùi bệnh cho các em nhỏ mà quan trọng hơn, chúng tôi nhen nhóm hạnh phúc, niềm tin từ trong tuyệt vọng", bác sĩ Tâm chia sẻ.

Công Khanh
(còn nữa)