Báo Công An Đà Nẵng

Góc khuất blouse trắng (5)

Thứ tư, 10/08/2016 10:56

* Bài cuối: Lắng nghe và thấu hiểu

(Cadn.com.vn) - Trong bối cảnh mà thỉnh thoảng ngành Y tế lại gặp phải một vài sự cố đáng tiếc do sai sót nghiệp vụ hoặc vi phạm đạo đức nghề nghiệp kiểu "con sâu đổ rầu nồi canh", thì tuyệt đại đa số những chiếc blouse trắng vẫn âm thầm vượt qua nhiều khó khăn, áp lực và cả hiểm nguy để thực hiện những lời thề thiêng liêng khi họ chuẩn bị bước vào nghề. Rằng tính mạng người bệnh, sức khỏe người dân là trên hết, rằng họ làm việc để phục vụ chứ không phải là ban ơn. Chính vì vậy, họ cũng cần được sẻ chia và hơn nữa là một cái nhìn khách quan, công bằng khi đã thấu hiểu những góc khuất nghề nghiệp.

Để nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân, đội ngũ y bác sĩ càng ngày càng chịu nhiều áp lực. Ảnh: L.H

Bác sĩ không phải là thánh!

Sau loạt bài “Góc khuất blouse trắng”, phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Ngô Thị Kim Yến–Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng. Theo bác sĩ Yến, những câu chuyện được phản ánh trong loạt bài cũng chính là tâm sự, là nỗi niềm nhưng cũng chỉ là một phần, góc khuất rất nhỏ so với sự khốc liệt của ngành Y. Vì là nghề liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người nên sau sự tuyển chọn đầu vào một cách khắt khe, “cày ải” một thời gian đằng đẳng trên giảng đường, phòng thí nghiệm thì ngay khi ra trường, xã hội đã lập tức đòi hỏi bác sĩ phải hoàn hảo như một... vị thánh. Trong khi đó, người thầy thuốc cũng mang gánh nặng áo cơm với mức lương xuất phát như bao ngành nghề khác, mỗi ngày giải quyết hàng trăm ca bệnh, xoay đến chóng mặt, lại phải đòi hỏi sự điềm tĩnh, không được quyền sai sót thì quả là áp lực quá lớn đối với họ. Trong suốt câu chuyện, bà Yến thường nhắc đến 2 cụm từ vốn đã trở nên quen thuộc, đó là “quy trình” và “tắc trách”. Với nghề y, đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi cao hơn, trách nhiệm lớn hơn bởi đây là nghề trực tiếp tác động đến sức khỏe con người. Nhưng cần phải phân biệt rạch ròi trường hợp nào là do tai biến chuyên môn, trường hợp nào là sai sót, tai nạn nghề nghiệp. “Ngành Y hiện vẫn còn hạn chế, đó là năng lực quản trị bệnh viện. Áp lực càng cao thì càng dễ xảy ra sai sót, làm việc không đúng quy trình cũng vậy. Còn một điều nữa, không dễ để có thể nhận được sự chấp nhận, thấu hiểu của người dân. Đó là sự cố y khoa. Ta chỉ hạn chế tối đa chứ không thể không có. Ngay cả những nước tiên tiến, có dịch vụ y tế hàng đầu thế giới vẫn không thể không có. Nhưng khi xảy ra sự cố, một số người lại cho là bác sĩ tắc trách”, bà Yến tâm sự.

Bà Yến cho rằng, đã đến lúc bệnh nhân, người nhà và đội ngũ y bác sĩ trở thành đối tác của nhau để thu hẹp góc nhìn vốn rất khác nhau như xưa nay. Bác sĩ phải thấu hiểu được nỗi đau của bệnh nhân, ở chiều ngược lại họ cũng cần người dân hiểu rõ quy trình của việc khám chữa bệnh để hợp tác. Với sức khỏe người dân, bác sĩ làm việc theo kiểu ban ơn là tuyệt đối không được, nhưng bệnh nhân luôn coi mình là số một lại càng không. “Có người trình độ rất cao, hiểu rõ bản chất, nguyên nhân của một sự cố. Cũng đau đớn, xót xa nhưng họ không làm rùm beng lên mà gửi thư cho chúng tôi, đúng từng câu, từng chữ, không mạt sát, không chửi bới. Từ lòng tự trọng nghề nghiệp, thấy thấm thía hơn và lấy đó làm bài học để tự trau dồi mình”. Bà Yến nói, đêm hôm mà nghe một cuộc điện thoại, cảm giác đầu tiên là rất sợ. Sợ những sự cố liên quan đến mạng người. Cái quan trọng nhất là phải dũng cảm đương đầu, nếu không thì nặng nề lắm. Mà làm nghề y, tâm lý nặng nề lại đặc biệt nguy hiểm. Thế nên phải hài hòa, sai sót phải chịu trách nhiệm, nhưng guồng máy ngành Y vẫn phải tiếp tục vận hành.

Ngoài chuyên môn, cán bộ y tế cần có những kỹ năng mềm trong ứng xử, giao tiếp
với bệnh nhân để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ảnh: LH

Nghề y là phục vụ chứ không phải ban ơn

Bác sĩ Nguyễn Trường Minh–Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng tâm sự, trong bối cảnh mà sức khỏe của người dân ngày càng được quan tâm thì các bệnh viện phải tự đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, quy trình khám chữa bệnh thuận lợi, đội ngũ y bác sĩ tự trau dồi chuyên môn, cung cách phục vụ để cung cấp dịch vụ tốt nhất. “Bệnh nhân được xem như khách hàng, được đưa đón, được giải thích, vào viện là được khám ngay. Cán bộ y tế phải nhận thức là mình đang phục vụ chứ không phải ban ơn”, bác sĩ Minh nói.

Một trong những vấn đề để cán bộ y tế và bệnh nhân, người nhà trở thành đối tác của nhau, theo bà Ngô Thị Kim Yến, đó là tác phong cách ứng xử, giao tiếp. Sinh viên rất khó khăn để thi đỗ trường Y, đỗ rồi là cắm đầu vào học, thực tập, thực tế để nâng cao trình độ chuyên môn mà không được đào tạo những kỹ năng mềm này,  trong khi nó đặc biệt quan trọng trong xây dựng hình ảnh của người bác sĩ cũng như không gian làm việc chuyên nghiệp của một bệnh viện. Nhiều người chuyên môn rất giỏi nhưng thiếu khả năng tương tác với bệnh nhân, người nhà sẽ dẫn đến những hiểu lầm, căng thẳng không đáng có. Ngoài chương trình đào tạo của Bộ, Đà Nẵng sẽ là một trong những địa phương tiên phong, thuê hẳn một Cty nước ngoài trực tiếp đào tạo nghi thức xã giao, ứng xử cho cán bộ y tế. Mở đầu sẽ là 400 người gồm lãnh đạo các khoa, đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng của Bệnh viện Đà Nẵng. “Không giáo trình, không sách vở, họ sẽ bày cho cách đi đứng, ăn uống, giao tiếp và xử lý những tình huống thường gặp. Đây vốn là những điểm yếu, là hạn chế của mình bấy lâu nay. Chuyên môn tốt là điều tiên quyết rồi, nhưng cán bộ y tế ứng xử có chuẩn mực, tạo được một phong thái, cung cách làm việc chuyên nghiệp sẽ phục vụ tốt hơn công tác khám chữa bệnh cho nhân dân”, bà Yến cho biết.

Trong quá trình thu thập thông tin để thực hiện loạt bài viết này, một số cán bộ y tế tâm sự với chúng tôi rằng: dạo này nhiều đồng nghiệp của họ hay trải lòng trên mạng xã hội. Rằng ngành Y hay bị vơ đũa cả nắm chỉ vì một vài con sâu làm rầu nồi canh. Rằng một bệnh viện mỗi năm cứu chữa thành công cho hàng nghìn bệnh nhân nguy kịch, bác sĩ thức trắng nhiều đêm liền để cấp cứu bệnh nhân thì ai cũng xem đó là điều đương nhiên, thế nhưng chỉ cần xảy ra một sai sót là dư luận, xã hội mạnh mẽ lên án, chưa nói những câu chuyện hiểu lầm, thêu dệt. Với loạt bài “Góc khuất blouse trắng”, Báo Công an TP Đà Nẵng mới chỉ khai thác được một phần nhỏ, một góc khuất như sự sẻ chia, thông cảm với sự khốc liệt của ngành Y.

Công Khanh