Báo Công An Đà Nẵng

Góc khuất chợ hoa giao thừa

Thứ tư, 21/02/2018 13:50

Tết đến Xuân về, bên cạnh các nhu cầu về ăn ngon, mặc đẹp thì hoa tươi, cây cảnh đẹp là nhu cầu không thể thiếu của nhiều gia đình trong những ngày Tết. Những chậu hoa rực rỡ, cây trái sum suê, trĩu quả được đặt ở những nơi trang trọng nhất trong nhà... không chỉ đẹp cho không gian ngôi nhà mà còn thể hiện ước vọng ấm no, tươi đẹp của gia chủ trong năm mới cũng như mong muốn nhận được sự trầm trồ, ngợi khen của khách đến chúc Tết. Thế nhưng, người chơi hoa, chọn quả cho ngày Tết không phải ai cũng giống ai, mỗi người một phong cách, một tính toán riêng.

Công nhân môi trường dọn dẹp chợ hoa đêm giao thừa.

Bất chấp giá cả, miễn là đẹp

Cũng như nhiều mặt hàng phục vụ Tết khác, chợ hoa thường họp rộ nhất là sau ngày ông Công ông Táo về trời 23 tháng chạp. Đây là thời điểm mà trên các ngả đường, lượng hoa, cây cảnh được tập kết về trung tâm thành phố khá nhiều, bằng đủ loại phương tiện, từ ô-tô, xe ba-gác, xe máy... Cao điểm nhất là các ngày từ 25 tháng chạp đến Tết, không chỉ chợ hoa trung tâm Đà Nẵng tại Quảng trường 2-9 với đủ loại hoa, cây cảnh muôn màu muôn sắc mà ở các khu vực ngã ba, ngã tư, các khu đất trống, khu đông dân cư... cũng có nhiều điểm bán hoa cúc, quất cảnh, hoa lan và nhiều loại hoa, cây cảnh khác. Những ngày các chợ hoa Tết mới hình thành thường bày bán các loại hoa, cây cảnh đẹp nhưng giá lại khá cao nên cũng kén người mua. Đúng là  "Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn", những khách hàng sớm nhất của các chợ hoa thường là người đi mua cho cơ quan, khách sạn, nhà hàng... Đối với các khách này, tiền bạc không thành vấn đề, miễn là đẹp, vì thế họ thường mua sớm để chọn được những cây cảnh ưng ý nhất dù giá mua có thể dao động từ vài triệu đến chục triệu đồng/cây. Nhưng với số đông người tiêu dùng là cá nhân, hộ gia đình thì việc mua hoa, cây cảnh trang trí trong dịp Tết là điều không vội, thứ nhất là vì nếu mua sớm quá, giá cả đắt đỏ, nhà cửa lại chưa dọn dẹp mua về thì biết để vào đâu, cho nên nhiều nhà chọn thời điểm mua hoa, cây cảnh là những việc cuối cùng trong năm cũ, có khi là ngày 30 Tết, thậm chí là tới gần giao thừa mới đi mua hoa.

Những người mua hoa cuối cùng trước giao thừa. 

Góc khuất chợ hoa

Có mặt tại chợ hoa Tết Đà Nẵng trước giao thừa năm Mậu Tuất 2018 chỉ vài giờ đồng hồ, điều tôi cảm nhận rõ nhất là sự khác biệt so với các năm trước. Vẫn có người mua nhưng không có nhiều cảnh mua vội, bán vội, chở vội hối hả như đã từng chứng kiến của các năm trước. Hình như mọi người đã chuẩn bị đủ cả, chỉ là đi dạo quanh chợ hoa xem dân tình mua bán ra sao, giá cả có lên xuống gì không, nếu rẻ thì mua thêm một ít về chưng cho nhà cửa thêm đẹp đẽ, đắt thì thôi chứ cũng không nhất thiết phải mua bằng mọi giá. Ở từng khu vực bán hàng, lượng hoa, cây cảnh cũng đã bán được khoảng 80% so với lúc mới hình thành,  chỉ còn một ít loại do không đẹp hoặc chưa được giá nên người bán còn giữ lại. Khoảng 20 giờ đêm 30 Tết, chợ đã vãn người mua, thỉnh thoảng có vài chậu cúc, chậu quật được khiêng lên xe để vận chuyển về nhà, còn phần lớn là các cặp nam thanh nữ tú, các gia đình trẻ dẫn nhau đi dạo chợ hoa, chụp ảnh selfie, cũng có vài người thấy rẻ thì mua thêm vài giỏ hoa lan, hoa ly...

Người bán hoa cúng chợ hoa trước giao thừa. 

Chẳng như mấy năm trước, nhiều người dù có điều kiện, có thời gian, có tiền nhưng cũng đợi đến gần giờ giao thừa mới đi mua hoa, đó có lẽ cũng là thói quen được hình thành từ thời gian khó với mục đích vừa có hoa chơi tết, vừa mua được giá rẻ. Thế nhưng năm nay thì khác, theo các người bán hoa do thời tiết tốt, lượng hoa nhiều, sức mua không cao nên trước giờ Giao thừa, lượng hoa, cây cảnh vẫn còn tương đối nhiều. Có một số nhà vườn, nhà buôn đã giảm bớt giá để mong bán nhanh hơn kịp về đón Giao thừa, nhưng vẫn có những nhà vườn, nhà buôn vẫn giữ giá, thà mang hoa và cây cảnh về tiếp tục chăm cho Tết năm sau chứ không bán rẻ với lý do nếu bán thấp thì sang năm sẽ không bán được. Vả lại làm như vậy sẽ tạo cho người mua tâm lý cứ chờ đến giờ cuối đến Giao thừa để mua được với  giá rẻ. Anh Nguyễn Văn Th., một chủ vườn bán cây quất cảnh ở chợ hoa Đà Nẵng dù chỉ còn vài giờ nữa là đến giao thừa nhưng còn khá nhiều cây cảnh. Anh cho biết đã hạ giá thấp hơn một chút nhưng người mua dường như vẫn chờ đợi để giá hạ thêm, cuối cùng là anh Th. quyết định không bán mà nhổ cây khỏi chậu, để riêng từng thứ và chở về nhà để sang năm chăm chút tiếp. Anh nói: "Để có những chậu hoa xinh đẹp trong những ngày Tết, các nhà vườn đã bỏ rất nhiều công sức chăm sóc, nâng niu. Năm nào được giá thì bù lại phần nào vất vả chứ ai cũng chờ đợi giá rẻ, thậm chí gần như cho không mấy năm trước thì tội cho nhà vườn quá. Chẳng thà mang về còn hơn".

Nhà vườn đập bỏ chậu cảnh chứ quyết không bán rẻ. 

Cũng như anh Th, một số chủ vườn khác cũng đập bỏ hàng  hóa chứ quyết không bán với giá rẻ. Xung quanh việc này cũng có nhiều ý kiến trái chiều, người thì bảo sao không bán rẻ chứ mang về làm chi cho cực, hoặc bán rẻ còn hơn là chẳng được đồng nào. Nhưng bán hay bỏ là quyền của họ, có lẽ họ muốn thay đổi tâm lý ham rẻ của người mua. Có lẽ cũng vì lý do đó mà mấy năm trở lại đây, số người đi mua hoa, cây cảnh vào đêm giao thừa cũng đã giảm nhiều, phần lớn các gia đình đều mua trước Tết vài ngày để có hoa đẹp và chủ động hơn dù giá có đắt một chút, chứ đợi đến giao thừa thì cũng hên xui, có năm mua được rẻ, có năm hết hàng phải mua với giá đắt mà hoa lại xấu.

Càng gần tới giao thừa, chợ hoa càng vắng người, những người bán hoa tập hợp nhau lại thành từng nhóm làm lễ cúng đất, gặp mặt ăn uống trước khi chia tay với lời hẹn Tết năm sau sẽ có nhiều sản phẩm đẹp hơn, tốt hơn cùng nhau bày bán ở chợ hoa. Và những người cuối cùng còn ở lại chợ hoa trước giao thừa là những công nhân của  Công ty môi trường đô thị với việc dọn dẹp, làm sạch khu vực Quảng trường trước ngày đầu năm mới.

M.HẰNG