Báo Công An Đà Nẵng

Góc khuất của nạn xâm hại tình dục trẻ em

Thứ năm, 03/01/2019 20:00

Nếu như những vụ án phức tạp, những đối tượng phạm tội liều lĩnh thường xuất hiện ở những thành phố lớn thì địa bàn nông thôn lại là nơi xảy ra những vụ việc “oái oăm” hơn. Một phần nguyên nhân là do nhận thức pháp luật của người dân nông thôn còn hạn chế nên đối tượng phạm tội cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Để rồi những bi kịch liên tiếp xảy ra mà người hứng chịu lại chính là thành phần dễ tổn thương nhất trong xã hội: phụ nữ và trẻ em.

Dù được tuyên truyền rất nhiều nhưng người dân nông thôn vẫn xem nhẹ tội phạm xâm hại trẻ em. (minh họa)

Chuyện của D.!

Căn nhà nhỏ nằm cuối xóm chỉ có hai người ở, một người mẹ trẻ và đứa bé gần 2 tuổi. Mặc dù đã hơn 18 tuổi nhưng tâm trí của Trương Thị D. (trú H. Duy Xuyên, Quảng Nam) vẫn chỉ như một đứa trẻ lớp 2. Hoàn cảnh D. khá éo le, mẹ bỏ đi trong khi cha phải ra thành phố mưu sinh, lâu lâu mới về. Vậy mà, đứa trẻ trong thân xác người lớn ấy vẫn phải tự tay nuôi con trong khi chính em cũng chưa thể nấu được cho mình một bữa cơm đàng hoàng.

Không biết tự khi nào chuyện 2 mẹ con D. ngồi vọc cát giữa trưa đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong xóm. “Mẹ chơi đồ hàng phần mẹ, con lấm lem phần con. Sữa từ thiện người ta cho con chưa được bịch nào thì mẹ đã uống hết. Hàng xóm cũng phải đi lo công chuyện gia đình đâu thể nào trông chừng mẹ con D. hoài được. Thấy tội đó mà có ai giúp được gì đâu”, một người hàng xóm phân trần.

Bị thiểu năng từ nhỏ nên D. không đi học mà  ở nhà lông bông đầu làng đến cuối xóm, ai cho gì thì ăn, ai nói gì cũng chỉ cười. Mặc dù vậy nhưng D. càng lớn lại càng xinh xắn và trở thành đối tượng bị trêu ghẹo chọc phá của những thanh niên lêu lổng. Nghĩ D. khờ nên thế nào cũng được vì vậy cũng ít ai để ý D. đi đâu làm gì. Rồi chuyện gì đến cũng đến, trong một lần đoàn lô tô về xã biểu diễn, D. bị đám thanh niên trong đoàn bắt đi biệt 3 ngày.

Chị Ph. (hàng xóm) kể lại: “Không thấy nó về nhà, gia đình mới đi tìm thì nghe phong thanh mấy thằng thanh niên đoàn lô tô bắt nó lên xe máy chở đi và nhốt tại nhà nghỉ không cho ra ngoài. Nhưng đi đâu, nhà nghỉ nào thì cũng chẳng biết đâu mà lần. Tới lúc tụi nó thả ra thì con D. cũng chẳng nhớ gì, chẳng biết ai hại mình chỉ biết 3 tháng sau thì bụng nó to dần lên”.

Biết con mình bị hãm hại tập thể nhưng vì nhà nghèo, con mình lại ngờ nghệch, kiện tụng cũng không đến đâu vì vậy gia đình D. cũng chỉ biết im lặng cho qua chuyện. Chuyện D. bị xâm hại đến có thai được xem như “chuyện không may” và những kẻ gây ra vụ việc cũng vẫn nhởn nhơ mà không chịu bất kỳ sự trả giá nào.

Cũng may, “trời sinh voi sinh cỏ”, D. nuôi con nhờ vài trăm ngàn đồng hỗ trợ ít ỏi của địa phương hàng tháng và những tấm lòng hảo tâm đóng góp nhưng đứa trẻ vẫn lớn lên từng ngày. Những bữa ăn nửa sống nửa chín của người dại khờ và những chậu quần áo giặt còn nguyên xà phòng cũng không làm khó cuộc sống của hai mẹ con... Tôi hỏi D.: “Có thương con không?”. D. cười gật đầu: “Thương!”. Dường như cô gái không hề biết định kiến xã hội đã vô hình chung tước đoạt đi quyền được pháp luật bảo vệ của em.

Mẹ con D., hai nạn nhân của nạn xâm hại tình dục.

Đâu là hồi kết?

Câu chuyện của D. không phải là hiếm thấy bởi tâm lý muốn “thu xếp ổn thỏa” khi gia đình có người bị xâm hại luôn là suy nghĩ thường trực của nhiều người nông thôn. Miễn có người cưới con mình, miễn chịu chu cấp chi phí nuôi con thì không ai muốn làm to chuyện vì ngại xấu hổ với xóm giềng. Người lớn mặc kệ rằng đám cưới đó có đem đến một tương lai hạnh phúc cho con mình hay không? Họ không quan tâm điều đó, chỉ cần hợp thức hóa vụ việc để khỏi mất mặt với xóng giềng. Chính tâm lý ấy đã vô hình chung đẩy những đứa trẻ như D., thậm chí có nhiều em có tương lai tươi sáng xuống đáy xã hội và góp phần làm gia tăng những vụ xâm hại tình dục.

Còn nhớ vụ án Phan Tấn Kỷ (29 tuổi) vì hành vi hiếp dâm em họ của mình là Lê Phan Anh T. khi em chưa đầy 14 tuổi. Sự việc xảy ra nhưng người lớn trong nhà lại cố tình lờ đi sắp xếp cho T. cưới một thanh niên khác trong làng để che mắt thiên hạ, còn Kỷ âm thầm cấp dưỡng để khỏi... đi tù. Nhưng khi em T. sinh con, gia đình Kỷ chỉ cấp dưỡng vài ba tháng lấy lệ. Đến lúc ấy, ông S. (cha em T.) mới gửi đơn tố cáo đến chính quyền địa phương. Lúc này chính quyền địa phương mới hay biết sự việc và vào cuộc thì con của T. với chồng mới cũng đã hơn 1 tuổi. Vụ việc này một lần nữa cho thấy thực tế những vụ việc giao cấu với trẻ em thì đa số nạn nhân và gia đình luôn muốn che giấu, tự giải quyết. Cũng vì vậy mà tình trạng tội phạm ấu dâm, giao cấu với trẻ em không ngừng gia tăng, những tên “yêu râu xanh” sau khi gây án vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật.

Theo thống kê của Công an tỉnh Quảng Nam, năm 2018 các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra 23 vụ (tăng 3 vụ so với năm 2017). Tỉnh Quảng Nam đã đặt ra mục tiêu, từ nay đến năm 2020, hằng năm giảm tội phạm xâm hại trẻ em từ 10%- 15%; giảm số trẻ em bị xâm hại tình dục từ 20%-30%; giảm số trẻ em bị bạo lực, bạo hành, bị mua bán 40%; giảm số vụ án do người chưa thành niên phạm tội từ 15%-20%; phấn đấu 100% trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực, bạo hành được phát hiện, can thiệp trợ giúp kịp thời... tiến tới giảm cơ bản tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị bạo lực, bạo hành, trẻ em bị mua bán.

Để hoàn thiện bài viết này, người viết đã liên hệ khá nhiều cơ quan ban ngành để xin số liệu cụ thể về nạn xâm hại trẻ em. Thế nhưng những con số từ hội phụ nữ, hội bảo vệ trẻ em và cơ quan thực thi pháp luật cung cấp lại khá mâu thuẫn với nhau bởi số vụ được đưa ra ánh sáng pháp luật chỉ là một phần rất nhỏ trong thống kê chung. Như vậy có thể thấy rằng, dù đã được lên tiếng rất nhiều nhưng cộng đồng vẫn còn khá thờ ơ, thậm chí là bao che cho loại tội phạm này lộng hành. Họ không ý thức được rằng, sự thờ ơ đó đã gián tiếp đẩy bao số phận trẻ em vào bi kịch.

ĐỒNG DAO