“Gốc rễ” cực đoan hóa ở Indonesia
(Cadn.com.vn) - Chính quyền Indonesia thời gian qua đã rất nỗ lực xóa bỏ “tai tiếng” là trung tâm Hồi giáo cực đoan ở Đông Nam Á. Thế nhưng vụ khủng bố Jakarta vừa qua là dấu hiệu cảnh báo sự trở lại của khủng bố tại quốc đảo này khi ngày càng nhiều thanh thiếu niên trẻ tuổi cam kết trung thành với tổ chức IS.
Vụ tấn công Jakarta xảy ra giữa lúc xuất hiện những cảnh báo sau loạt những cam kết trung thành với IS của các nhóm nhỏ những thanh niên và phụ nữ trẻ Indonesia. Câu trả lời cho lý do tại sao những thanh niên người Indonesia đang trở nên cực đoan hơn nằm ở Solo, cách Jakarta 650km. Nhiều người tin rằng “những hạt giống” cực đoan của Indonesia được trồng tại thành phố này, trong đó có Bahrun Naim, 32 tuổi, kẻ bị cáo buộc chủ mưu vụ khủng bố Jakarta.
Ngôi nhà của gia đình Bahrun Naim ở Solo. Ảnh: BBC |
Gốc rễ của ý thức hệ cực đoan
Solo - hoặc Surakarta - là thị trấn nhỏ yên bình, với nhiều cánh đồng lúa. Khoảng nửa triệu người sống ở đây. Đây cũng là quê hương của Tổng thống Joko Widodo.
Nhưng các quan chức cho biết, đây cũng là nhà của một số nhóm phiến quân nổi dậy. Abu Bakar Bashir, lãnh đạo tinh thần của Jemaah Islamiah - nhóm chịu trách nhiệm về vụ đánh bom Bali năm 2002 - thành lập một trường học ở đây, và truyền bá hệ tư tưởng cấp tiến. Naim cũng từng học ở Solo, không phải tại trường của Bashir mà là một ngôi trường cách đó không xa. Nhiều người nghĩ rằng, đây là nơi tư tưởng cấp tiến của y bắt đầu, khiến y từ bỏ công việc một quản lý quán cà-phê Internet và là một sinh viên toán học để đến Syria tham gia thánh chiến.
Trong những năm gần đây, Solo gặp khó khăn về kinh tế. Đây từng là trung tâm sản xuất dệt may nhưng đã bị các trung tâm sản xuất ở các thành phố lân cận cạnh tranh dữ dội. Các chuyên gia cho rằng, bất ổn kinh tế là một trong những yếu tố thúc đẩy thanh niên đi theo lời kêu gọi thánh chiến. Việc báo chí thường xuyên giật tít về các cuộc tấn công gây sốc “IS điều khiển một cậu bé Solo”, một người bán báo trong các công viên địa phương cho biết ông cảm thấy “xấu hổ”. “Tôi không biết liệu điều đó có đúng hay không nhưng người dân Solo không như thế này. Chúng tôi không phải là những kẻ khủng bố”, ông cho biết.
Yati, một người hàng xóm của gia đình Naim, cho biết: “Họ sống tách biệt. Họ không bao giờ hòa đồng với chúng tôi”. Gia đình Bahrun Naim sống trong một ngôi nhà sơn màu xanh và trắng trên một con phố nhỏ. Ngôi nhà vắng lặng và không muốn ai đến thăm. “Chúng tôi không muốn nói chuyện với người lạ”, cha của Naim cho biết. Mẹ Naim tỏ ra rất giận dữ khi các phương tiện truyền thông đưa hình bà lên báo sau vụ tấn công. Em trai Naim, Dahlan trò chuyện một cách miễn cưỡng. “Bahrun đến Syria để học. Cảnh sát cáo buộc anh trai tôi, song không rõ liệu anh tôi có tội hay không”, Dahlan cho biết. Ngôi nhà hiện đang được giám sát chặt chẽ.
Bị cực đoan hóa trong tù
Anis Priyo Anshori, người từng là luật sư của Naim, cho biết, y là một người sáng tạo, thông minh nhưng không sống khép kín. Ông Anshori cho biết, năm 2010, Naim bị kết tội tàng trữ đạn dược và phải ngồi tù 2,5 năm. “Theo như tôi biết, khi còn trẻ y đã gia nhập một nhóm cực đoan”, ông Anshori cho biết.
Hầu hết các chuyên gia tin rằng, y bị cực đoan tại trường học hoặc trong nhà tù. Cảnh sát nói rằng, các phần tử phiến quân thường xuyên lui tới nhà thờ Hồi giáo vốn quản lý trường học mà Naim đã học, mặc dù lãnh đạo trường cho biết họ chỉ dạy các chương trình giảng dạy bằng tiếng Indonesia và không phải là mảnh đất màu mỡ để truyền bá ý thức hệ. Nhưng vấn đề lớn hơn mà Indonesia đang phải đối mặt đang diễn ra ở một số trường học và nhà tù. Abu Bakar Bashir - thủ lĩnh của nhóm Hồi giáo Jemaah Islamiah - vẫn có thể đưa các bài giảng đến sau song sắt, truyền bá tư tưởng cấp tiến cho một nhóm các tân binh.
Cơ quan tình báo tin rằng, Naim là một trong những tân binh đầu tiên, mặc dù cho đến nay chưa có bằng chứng để chứng minh điều này. Kể từ khi chuyển tới Syria, Naim đã tuyển dụng và lập kế hoạch các cuộc tấn công chống lại Indonesia.
An Bình
(Theo BBC)