Gọi tên mỹ thuật Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - Những trầm tích văn hóa lịch sử, sự đổi thay từng ngày của Đà Nẵng đã tạo cảm hứng sáng tác cho các họa sĩ và nhiều họa sĩ nói rằng, mỹ thuật Đà Nẵng sẽ được gọi tên trong thời gian đến.
Một bức tranh về điệu múa của đồng bào Cơ Tu được các họa sĩ sáng tác |
Đà Nẵng qua những nét cọ
Từ TPHCM, họa sĩ Lê Thánh Thư ra Đà Nẵng tham gia trại sáng tác mỹ thuật do Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức. Và trong thời gian chưa đến 20 ngày, ông đã sáng tác được 2 bức tranh ấn tượng. Trong bức "Không gian sống", bằng những nét vẽ đương đại, họa sĩ Thánh Thư đã đưa những hình ảnh rất Đà Nẵng vào khung tranh như Nhà thờ Con Gà, những điệu múa Chăm hay nhịp sống hối hả của đô thị... Còn bức tranh "Đời sống trên sông" thì thể hiện dòng sông Hàn với ký ức về những khu nhà chồ xưa và bây giờ là bộ mặt sông hoàn toàn đổi khác, dịu dàng và lung linh. Họa sĩ Thánh Thư nói, 2 bức tranh này sáng tác trong khoảng thời gian ngắn như vậy là bởi cảm xúc mãnh liệt từ những chuyến tham quan Đà Nẵng mang lại. "Đà Nẵng là mảnh đất rất đặc biệt. Ở đây, tôi thấy không chỉ là đô thị hiện đại, mà ở đó những trầm tích văn hóa, lịch sử rất phong phú. Nhịp sống đô thị và những giá trị văn hóa, lịch sử hòa quyện vào nhau, điều đó cho tôi nhiều cảm xúc để sáng tác"-họa sĩ Thánh Thư chia sẻ.
Dường như cảm xúc sáng tác mà họa sĩ Thánh Thư cảm nhận được khi tham gia trại sáng tác mỹ thuật Đà Nẵng cũng là cảm xúc chung của nhiều họa sĩ khác. Với bức tranh sơn dầu "Người của biển", Đà Nẵng dưới góc nhìn của họa sĩ Trịnh Thanh Tùng (TPHCM) là một thiếu nữ đẹp, ngực trần, tràn đầy sức sống. Không chỉ thể hiện sức trẻ của đô thị Đà Nẵng, họa sĩ Thanh Tùng còn hướng nét cọ về quá khứ để diễn đạt nỗi đau của những người mẹ mất con trong chiến tranh, hình hài quặt quẹo của những em nhỏ nhiễm chất độc da cam. "Đà Nẵng là đô thị trẻ phát triển năng động nhưng Đà Nẵng vẫn còn đó những nỗi đau từ chiến tranh. Tôi muốn nhìn về quá khứ để hiểu nỗi đau mà người dân mảnh đất này phải trải qua"-họa sĩ Thanh Tùng nói. Còn với họa sĩ Lê Huỳnh (Nha Trang) thì ông ấn tượng về nền văn hóa Chămpa nên những tác phẩm của ông thể hiện hình tượng của vũ nữ apsara, những tượng thần trầm mặc hay sự cổ kính của phố cổ Hội An...
Họa sĩ Lê Huỳnh giới thiệu tác phẩm của mình. |
Để mỹ thuật Đà Nẵng được gọi tên
Trại sáng tác mỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần này có 14 họa sĩ nổi tiếng của các nước tham gia và tất cả đều tặng lại tác phẩm của mình cho Bảo tàng. Họa sĩ Thanh Tùng chia sẻ, đây là lần đầu tiên ông tham gia trại sáng tác ở Đà Nẵng vì lời mời rất chân tình từ thành phố. "Chúng tôi không nghĩ đến giá trị vật chất của tác phẩm, mà quan trọng là muốn tranh của mình được trưng bày, gìn giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, điều đó ý nghĩa hơn nhiều"-họa sĩ Thanh Tùng tâm sự. Còn họa sĩ Lê Huỳnh bày tỏ ấn tượng về việc thành phố Đà Nẵng xây Bảo tàng Mỹ thuật, bởi trên cả nước hiện nay chỉ có TPHCM và Đà Nẵng là có bảo tàng mỹ thuật riêng. "Cả nước chưa có tỉnh nào làm được như thế. Khi bảo tàng mỹ thuật được xây dựng thì chắc chắn sẽ đưa phong trào mỹ thuật của Đà Nẵng phát triển. Chúng tôi rất tự hào khi có tác phẩm được trưng bày tại đây"-họa sĩ Lê Huỳnh nói. "Thành phố không thiếu những họa sĩ giỏi nhưng lại thiếu môi trường mỹ thuật nên không thể khuyến khích các họa sĩ sáng tác. Trong bối cảnh đó, việc Đà Nẵng xây dựng bảo tàng mỹ thuật có ý nghĩa rất lớn đối với giới mỹ thuật của thành phố. Tuy nhiên lãnh đạo thành phố cần phải thật sự quan tâm đến lĩnh vực này, các họa sĩ cũng phải làm việc miệt mài, bởi nếu anh không sáng tác thì không thể đưa mỹ thuật Đà Nẵng phát triển được"-họa sĩ Vũ Trọng Thuấn bày tỏ. Với những bước tiến như hiện nay, mỹ thuật Đà Nẵng kỳ vọng sẽ phát triển như các trung tâm hội họa trên cả nước nhưng để có được ngày đó thì còn nhiều việc phải làm.
Hoàng Anh