Gồng mình chống nắng hạn (Bài 3: Thủy điện "khát" nước)
Từ khi thủy điện Đắc Mi 4 (H. Phước Sơn, Quảng Nam) tích nước, dòng sông Đắc Mi dài hơn 50km từ khu vực cầu Bến Giằng (H. Nam Giang, Quảng Nam) trở lên thượng nguồn bỗng trơ đáy. Mùa khô, từ đường mòn Hồ Chí Minh nhìn xuống dòng sông, những tảng đá nhọn dưới đáy sông nhô lên trông như những bãi chông lớn trải dài hàng chục cây số.
Thủy điện Đắc Mi 4 đắp đập ngăn dòng chảy khiến dòng sông Đắc Mi trở thành dòng sông chết. |
Dừng chân nghỉ bên đường Hồ Chí Minh sau khi đi rẫy về, bà Alăng Thị Hồng (trú xã Cà Dy, H. Nam Giang) than dài: Nhiều tháng nay trời không mưa, thủy điện cũng không xả nước. Giếng đào gần nhà không có nước nên bà con phải lặn lội vào rừng sâu tìm khắp khe suối để lấy nước về dùng. Dòng sông Đắc Mi này trước đây là nguồn sống của hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng từ ngày nhà máy thủy điện Đắc Mi 4 xây đập, chặn ngang dòng sông Đắc Mi để chuyển nước về phía sông Thu Bồn nhằm phát điện, người dân sống dọc sông Đắc Mi đã mất đi nguồn sinh kế từ nghề khai thác thủy sản. Hiện trạng dòng sông bây giờ là những bãi đá ngầm nhấp nhô, vươn cao dưới cái nắng cháy da, chẳng khác gì dòng sông chết. Các cửa van của thủy điện xả nước về phía sông Đắc Mi luôn trong tình trạng đóng chặt. Chỉ đến khi mùa mưa cần xả lũ, lúc đó các cửa van mới mở, nước mới ùn ùn chảy về hạ du.
Nắng hạn kéo dài, nhiều hồ chứa thủy điện ở vùng cao Quảng Nam như A Vương, Sông Bung... cũng lâm vào cảnh thiếu hụt nước nhiều tháng nay. Tuy nhiên, theo Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn của Chính phủ, nhiều nhà máy thủy điện đầu nguồn ở Quảng Nam bắt buộc phải thực hiện điều tiết nước về phía hạ lưu để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Ông Lê Đình Bản - Giám đốc Cty Thủy điện Sông Bung (đơn vị quản lý nhà máy thủy điện Sông Bung 4) cho biết, trung bình 4 tháng qua, lượng nước về hồ thủy điện Sông Bung 4 chỉ đạt 58% so với năm ngoái và thấp hơn nhiều so với tính toán trung bình các năm. Sản lượng điện chỉ đạt 9,1% so với kế hoạch. Cụ thể, Nhà máy thủy điện Sông Bung 4 chỉ phát được 52 triệu kwh, trong khi kế hoạch năm là 440 triệu kwh. Dù khó khăn là vậy, song Công ty cũng đã phối hợp với ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng lên lịch phát điện và sử dụng nước tiết kiệm. Hiện thủy điện hạn chế phát điện để giữ nước.
Còn chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện A Vương thông tin, mực nước hồ thủy điện A Vương hiện ở cao trình khoảng 366m, dung tích hữu ích là 160 triệu mét khối. So với năm ngoái thì mực nước hồ năm nay cao hơn 20 triệu mét khối, trong khi lưu lượng nước về hồ thấp hơn nhiều. Dù lượng nước về hồ thấp, nhưng nhà máy thường xuyên sử dụng nước trong hồ để cấp về hạ du nhằm góp phần chống hạn.
Lượng mưa không ổn định, thời tiết nắng nóng cực đoan khiến lượng nước về các hồ thủy điện liên tục giảm qua các năm. Trong khi đó nhu cầu sử dụng nước ở vùng hạ du ngày một tăng thì việc các nhà máy thủy điện xả nước về hạ du chỉ giúp giảm hạn hán, chứ không thể đủ nước đẩy mặn. Theo các chuyên gia thủy lợi, việc chống hạn kết hợp với chống mặn ở hạ du cần phải tính toán kỹ càng và phục vụ lâu dài, trong đó có giải pháp đầu tư xây dựng công trình đắp đập ngăn mặn trên sông. Hiện nay, lưu lượng dòng chảy trên sông Vu Gia - Thu Bồn đã xuống rất thấp, một số hồ chứa phải hạn chế phát điện để trữ nước phục vụ chống hạn. Theo ngành chức năng, tổng lượng nước thiếu so với dung tích hữu ích tại các hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam lên đến 653 triệu mét khối.
Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho hay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam về kế hoạch vận hành điều tiết nước ở các hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2, Đắc Mi 4, Sông Bung 2..., những thủy điện trên thời gian gần đây đã có sự phối hợp tương đối tốt. "Từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống hạn và nhiễm mặn. Do đó đến nay, tình hình xâm nhập mặn cơ bản đã được kiểm soát. Để chủ động ứng phó với tình hình thời tiết phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt năm 2020, thời gian qua các địa phương đã thực hiện đắp đê ngăn mặn, đắp bờ giữ nước để làm đất, tiết kiệm việc cấp nước ngay từ đầu vụ, tưới nước theo phương pháp "ướt- khô xen kẽ", tưới luân phiên. Các diện tích có khả năng thiếu nước, vùng cuối kênh khó khăn về tưới nước nên chuyển mạnh sang sản xuất cây trồng cạn; tu sửa kênh mương để tránh thất thoát nước"- ông Tý khuyến cáo.
Còn theo Bộ TN&MT, việc bảo đảm nguồn nước cấp cho hạ du, nhất là cấp cho mục đích sinh hoạt của nhân dân ở các địa phương hạ lưu hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn thuộc Quảng Nam và Đà Nẵng thời gian còn lại của mùa khô là rất quan trọng, trong điều kiện nguồn nước và nguy cơ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn trên lưu vực trong thời gian tới là rất cao. Vì vậy, Bộ TN&MT đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo các chủ hồ thủy điện phối hợp chặt chẽ với các địa phương để bảo đảm việc vận hành xả nước ở các hồ chứa phù hợp với yêu cầu sử dụng nước ở hạ du.
(còn nữa)
BÃO BÌNH
>> Gồng mình chống nắng hạn (Bài 2: Thiếu nước từ miền núi đến hải đảo)