Google - nạn nhân mới nhất trong cuộc xung đột Mỹ-Trung
Các nguồn tin của Reuters cho biết, Trung Quốc đang chuẩn bị tiến hành điều tra Google, vì các cáo buộc liên quan đến việc “người khổng lồ tìm kiếm” này lợi dụng hệ điều hành Android để kìm hãm cạnh tranh.
Tấm bảng mang tên Google được nhìn thấy trong Hội nghị và Triển lãm Giải trí Kỹ thuật số Trung Quốc (ChinaJoy) ở Thượng Hải hồi năm 2018. Ảnh: Reuters |
Google bị cáo buộc độc quyền
Việc điều tra chống độc quyền với Google được ông lớn công nghệ Trung Quốc Huawei, hãng đang trở thành đích ngắm cho các biện pháp trừng phạt thương mại của Mỹ, đề xuất với chính phủ nước này hồi năm ngoái. Cơ quan quản lý thị trường sau đó đã tiếp nhận và đệ trình lên Ủy ban chống độc quyền của Quốc vụ viện Trung Quốc để xem xét. Tuy nhiên, việc có tiến hành một cuộc điều tra chính thức hay không sẽ được quyết định sau tháng 10 và chịu ảnh hưởng lớn bởi tình trạng quan hệ Mỹ - Trung lúc đó.
Nguồn tin của Reuters cho biết, các cáo buộc của Huawei cho rằng Google đã lợi dụng vị trí của hệ điều hành Android để kìm hãm sự cạnh tranh trên thị trường. Giới chức Trung Quốc sẽ xem xét các cáo buộc cho rằng vị trí độc tôn trên thị trường của Google đã gây ra "tổn thất khủng khiếp" cho các Cty Trung Quốc như Huawei, khi việc mất đi sự hỗ trợ từ nền tảng Android của hãng công nghệ Mỹ đã làm các công ty này mất sự tin cậy và doanh thu của mình.
Huawei cho biết việc không tiếp cận được với các ứng dụng dịch vụ của Google, thành phần quan trọng đối với hầu hết các thiết bị Android trên thị trường quốc tế, cũng như không được Google hỗ trợ kỹ thuật cho các điện thoại mới của Huawei đã khiến hãng này sụt giảm 12 tỷ USD doanh thu so với mục tiêu ban đầu trong năm 2019. Để thoát khỏi phụ thuộc vào Google, hãng công bố kế hoạch đưa hệ điều hành Harmony lên smartphone từ năm sau.
Vẫn chưa rõ cuộc điều tra của Trung Quốc, nếu xảy ra, sẽ tập trung vào dịch vụ nào của Google. Hầu hết các nhà sản xuất smartphone nước này đều dùng phiên bản Android nguồn mở với các ứng dụng thay thế dịch vụ Google. Dịch vụ tìm kiếm, email… của Google bị cấm tại Trung Quốc.
Các ví dụ về chống độc quyền tại Châu Âu và Ấn Độ có thể được các nhà quản lý Trung Quốc xem xét và thực hiện tương tự với Googe. Trong đó, cách tính tiền phạt sẽ dựa trên doanh thu toàn cầu của một công ty thay vì doanh thu chỉ ở quốc gia sở tại. Liên minh Châu Âu từng phạt Google 4,3 tỷ EUR (5,1 tỷ USD) vào năm 2018 vì các hành vi phản cạnh tranh, bao gồm việc buộc các hãng sản xuất cài đặt sẵn ứng dụng trên hệ điều hành Android, hạn chế cài ứng dụng từ bên thứ 3 và ép dùng công cụ tìm kiếm Google. Ấn Độ gần đây đang xem xét cáo buộc Google độc quyền quảng cáo cho ứng dụng thanh toán di động.
Đáp trả của Trung Quốc
Không phải tự nhiên mà Google lại "từ chối" Huawei. Việc Huawei bị chính phủ Mỹ đưa vào "danh sách đen về thương mại" đã ngăn Google hỗ trợ kỹ thuật cho các điện thoại mới của Huawei cũng như ngăn chúng truy cập vào các ứng dụng dịch vụ của Google, thành phần quan trọng đối với hầu hết thiết bị Android trên thị trường quốc tế. Đây chỉ là một trong những sức ép mà các Cty công nghệ Trung Quốc đang phải hứng chịu từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mới đây nhất, Cty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC cũng bị Mỹ đưa vào "danh sách đen về thương mại" tuy có phần đỡ "khắt khe" hơn so với Huawei nhưng cơ bản vẫn là hạn chế. Không chỉ các hãng công nghệ sản xuất phần cứng mà Bytedance, Cty mẹ của ứng dụng video nổi tiếng Tiktok, cũng đang bị yêu cầu phải từ bỏ hoạt động kinh doanh Tiktok tại thị trường Mỹ. Do đó, cuộc điều tra lần này của Bắc Kinh được xem như hành động đáp trả việc chính quyền tổng thống Trump gần đây đã liên tục chèn ép các Cty công nghệ Trung Quốc, do các cáo buộc liên quan đến an ninh quốc gia.
Cuộc điều tra này đến đúng vào thời điểm Trung Quốc đang tiến hành cải tổ lại luật chống độc quyền của mình, bao gồm việc gia tăng đáng kể mức phạt tối đa và mở rộng phạm vi các tiêu chí để đánh giá quyền kiểm soát thị trường của một Cty nào đó.
Các vụ kiện chống độc quyền trước đây cũng đã từng được Trung Quốc sử dụng để điều tra các Cty công nghệ lớn khác của Mỹ. Microsoft là mục tiêu của cuộc điều tra kéo dài nhiều năm của cơ quan chống độc quyền Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2014. Vào năm 2016, báo New York Times cho biết các nhà chức trách Trung Quốc sau đó đã quyết định chấm dứt hỗ trợ cho phần mềm Windows cũ.
AN BÌNH
Trung Quốc mong muốn phát triển quan hệ tốt đẹp và ổn định với Mỹ Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải khẳng định Trung Quốc cam kết hướng tới quan hệ Mỹ-Trung phát triển tốt đẹp và ổn định, dù quan hệ song phương đang vấp phải những khó khăn nghiêm trọng. Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến nhân ngày Quốc khánh Trung Quốc và lễ hội Trung thu, Đại sứ Thôi Thiên Khải nêu rõ Trung Quốc vẫn luôn phản đối một "cuộc chiến tranh lạnh mới" và chính sách chia tách. Bên cạnh đó, Đại sứ Thôi Thiên Khải cũng nhắc tới những bất đồng trong quan hệ song phương thời gian qua, coi đây là một vấn đề "hiếm hoi" trong 41 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông nhấn mạnh mối quan hệ ổn định và tốt đẹp giữa hai nước là quan tâm chung của hai bên. Quan chức này nêu rõ chính sách của Trung Quốc với Mỹ vẫn luôn ổn định và thống nhất, theo đó Bắc Kinh sẵn sàng phát triển các mối quan hệ với Mỹ trên cơ sở thiện chí và chân thành. Theo ông, hai nước nên nhanh chóng đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng mà không có xung đột, bất đồng, dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi. |