Báo Công An Đà Nẵng

Google tung đòn cảnh báo Australia

Thứ bảy, 23/01/2021 12:29

Google đã dọa sẽ gỡ bỏ công cụ tìm kiếm của mình khỏi Australia vì nước này ép gã khổng lồ công nghệ chia sẻ tiền bản quyền với các bên sản xuất tin tức.

Google đã dọa sẽ gỡ bỏ công cụ tìm kiếm của mình khỏi Australia.

Theo BBC, Australia đang đưa ra một đạo luật dự thảo mang tính bước ngoặt nhằm bắt Google, Facebook và có thể là các Cty công nghệ khác trả tiền cho các hãng thông tấn cho nội dung tin tức của họ. Nhưng những gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã “phản đòn”, lập luận rằng các luật này phiền hà và sẽ gây thiệt hại đến việc tiếp cận dịch vụ cục bộ. Trong tuyên bố đưa ra ngày 22-1, Google đã nói trước một phiên điều trần của Thượng viện rằng luật này là "không thể triển khai được”. 

Mel Silva, Giám đốc điều hành của Google tại Australia nói: “Nếu phiên bản này trở thành luật, nó sẽ không cho chúng tôi lựa chọn thực sự nào khác ngoài việc ngừng cung cấp chức năng Google tìm kiếm ở Australia”. Chúng tôi không thấy có đường hướng nào, với những rủi ro về mặt tài chính và vận hành, để mà chúng tôi có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ ở Australia”, BBC dẫn lời Giám đốc Mel Silva nhấn mạnh. Các chính trị gia Australia dự kiến sẽ thảo luận về luật tại quốc hội trong năm nay và có khả năng rất cao là sẽ sớm ban hành luật. 

Google là công cụ tìm kiếm có tầm chi phối ở Australia và đã được chính phủ mô tả là một tiện ích gần như thiết yếu với ít cạnh tranh trên thị trường. Chính phủ Australia đã lập luận rằng, vì các gã khổng lồ công nghệ có được khách hàng từ những người muốn đọc tin tức, các gã khổng lồ công nghệ nên trả cho các tòa soạn một số tiền "tương xứng" cho hoạt động báo chí của họ. Lời đe dọa loại bỏ sản phẩm bậc nhất của Google là điều nghiêm trọng nhất với Cty này, trong một cuộc tranh luận đang được theo dõi sát sao trên toàn cầu và trong bối cảnh ngày càng có nhiều tranh luận về việc chỉnh đốn quyền lực của các Cty công nghệ lớn. Bà Silva nói luật sẽ đặt ra "một tiền lệ không thể bảo vệ được đối với hoạt động của chúng tôi" và không phù hợp với sự chia sẻ thông tin tự do trên mạng hoặc "cách thức mà mạng Internet vận hành".

Tuần trước, sau khi các tin tức xuất hiện trên các phương tiện truyền thông địa phương, Google xác nhận rằng đã chặn các trang tin của Australia trong kết quả tìm kiếm của khoảng 1% người dùng ở khu vực. Gã khổng lồ cho biết đây là một thí nghiệm để kiểm tra giá trị của các dịch vụ tin tức của Australia. 

Google không phải là gã khồng lồ công nghệ đầu tiên ra đòn như thế này. Hồi tháng 9-2020, Facebook cũng đã đe dọa sẽ chặn người dùng ở Australia chia sẻ các tin tức trên nền tảng của nó nếu luật được thông qua. Mạng xã hội Facebook nói rằng nếu luật đang được đề xuất được ban hành, Cty này sẽ ngăn người Australia chia sẻ tin tức trên Facebook và trên Instagram, Cty con của Facebook. Lúc đó, Giám đốc điều hành của Facebook tại Australia và New Zealand, ông Will Easton, nói dự thảo luật này "hiểu sai động lực của Internet và sẽ gây thiệt hại cho chính các Cty truyền thông mà chính phủ đang cố gắng bảo vệ". Ông lập luận rằng nó sẽ buộc Facebook phải trả tiền cho nội dung mà các nhà xuất bản tự nguyện đặt trên nền tảng của nó để tạo ra lưu lượng truy cập trở lại các trang tin của họ. Ông Easton tuyên bố Facebook đã chuyển 2,3 tỷ nhấp chuột từ nguồn cấp tin tức của Facebook trở lại các trang mạng tin tức của Australia, trị giá khoảng 148 triệu USD  trong năm tháng đầu năm 2020.

Động thái của Facebook và cả Google đang khiến căng thẳng giữa các Cty công nghệ và cơ quan chức năng Australia leo thang đáng lo ngại, có thể gây ảnh hưởng cho người dùng mạng.

KHẢ ANH