Báo Công An Đà Nẵng

Góp ý hoàn thiện dự án Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND và dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi

Thứ sáu, 20/03/2015 11:14

(Cadn.com.vn) - ĐÀ NẴNG- Trong 2 ngày 19, 20-3, Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH)  tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐB HĐND). Hội thảo có sự tham gia của PGS.TS Đinh Xuân Thảo, PGS.TS  Hoàng Văn Tú, ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, bà Liliane Danso-Dahmen, Giám đốc Văn phòng Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á và các chuyên gia quốc tế, các nhà nghiên cứu pháp luật, các ĐBQH và ĐB HĐND các tỉnh miền Trung.

PGS.TS Đinh Xuân Thảo phát biểu khai mạc hội thảo.

Hội thảo đã nghe ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH báo cáo tổng quan các vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND; nghe 13 tham luận của các đại biểu về các nội dung: Bình luận tổng quan về dự thảo Luật; trách nhiệm và sự phân công, phối hợp giữa UBTVQH, Hội đồng bầu cử (HĐBC) Quốc gia, Chính phủ, UBMTTQVN và các cơ quan hữu quan trong hoạt động bầu cử; vai trò, chức năng của HĐBC và cơ quan bầu cử các cấp; giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả tham chính của phụ nữ và người thiểu số bắt đầu từ quá trình bầu cử; nâng cao chất lượng ứng cử viên, hài hòa cơ cấu, thành phần và phân bổ ĐBQH, ĐB HĐND các cấp; xác định tư cách đại biểu và xử lý khiếu nại, tố cáo về ứng cử viên và kết quả bầu cử... Hội thảo cũng dành thời gian để các đại biểu trao đổi, thảo luận về các vấn về liên quan công tác bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp nhằm góp phần xây dựng và hoàn thiện dự thảo luật trình QH xem xét lần cuối trước khi thông qua tại kỳ họp sắp tới.                  

* Chiều 19-3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi với sự tham gia của đại diện các ngành trong khối nội chính của TP và các quận, huyện; lãnh đạo các địa phương và các nhà nghiên cứu, luật gia... Dự thảo BLDS sửa đổi gồm 6 phần, 26 chương với 712 điều, quy định những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và các quan hệ khác hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (gọi chung là quan hệ dân sự). Các vấn đề trọng tâm được đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị, gồm: Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; Quyền nhân thân chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; Bảo vệ người thứ 3 ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu... Ngoài ra,  các ĐB cũng thảo luận, góp ý nhiều nội dung liên quan đến các vấn đề: hình thức sở hữu; thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác; điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi; lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; thời hiệu...

Ý kiến của các ĐB, đại diện các ngành, các đơn vị sẽ được Ban tổ chức tiếp thu, tập hợp và chọn lọc để báo cáo Quốc hội và các cơ quan liên quan xem xét, chỉnh lý.

M.Hằng