“Gót chân Achilles” của Trung Quốc trong thương chiến với Mỹ
Cho đến nay, việc vẫn có thể tồn tại mà không có chip từ Mỹ hứa hẹn sẽ là bài thử nghiệm cuối cùng cho Huawei, mặc dù Cty đã có những bước tiến gần đây trong việc phát triển bộ vi xử lý của riêng mình.
Lệnh cấm của Tổng thống Donald Trump đang khiến tham vọng dẫn đầu công nghệ 5G của Huawei điêu đứng. Ảnh: AFP |
Khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, đó cũng là thời điểm những “gót chân Achilles” của hai nước sẽ dần dần lộ ra. Vậy trong cuộc chiến đau thương này, “gót chân Achilles” của Trung Quốc là gì? Đó có phải là Huawei - gã khồng lồ công nghệ nổi tiếng của nước này?
Đó chính là Huawei?
Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào những con chip máy tính nhập khẩu, bất chấp những nỗ lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình. Đối với tất cả những nỗ lực - trở thành một lực lượng toàn cầu trong công nghệ cao cạnh tranh với Mỹ - Trung Quốc hầu như không thể tạo ra các ứng cử viên hàng đầu trong lĩnh vực quan trọng: ngành công nghiệp mang tên “Thung lũng Silicon”.
Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu chip máy tính trị giá hơn 300 tỷ USD. Đây được cho là xương sống của tất cả các sản phẩm kỹ thuật số của nước này. Số tiền này thậm chí nhiều hơn khoản Bắc Kinh dành cho việc mua dầu thô từ nước ngoài. Washington hiện dùng chính phụ thuộc của Bắc Kinh vào các vi mạch của Mỹ làm con bài chống lại Huawei. Bộ Thương mại Mỹ hồi tuần trước hạn chế các Cty Mỹ bán linh kiện và công nghệ cho Huawei, về cơ bản là cắt đứt Huawei ra khỏi phần mềm Google, chip Qualcomm và hơn thế nữa. Bộ này cho biết, họ sẽ cho phép Huawei tiếp tục hợp tác với các nhà cung cấp Mỹ trong 90 ngày để ngăn chặn sự gián đoạn đối với các mạng di động sử dụng thiết bị của Cty. Tuy nhiên, quyết định của Washington gây ảnh hưởng lớn đến “điểm mềm quốc gia” của Trung Quốc, vốn đè nặng lên tâm trí của các nhà lãnh đạo nước này trong nhiều thập kỷ. Nhiều Cty công nghệ trên khắp thế giới quay lưng lại với Huawei.
Thật ra, gã khổng lồ của Trung Quốc cũng đã có sự chuẩn bị dài hơn cho khả năng trừng phạt như thế này từ Mỹ. Mong muốn giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, chính quyền ở Trung Quốc đã cam kết chi hàng chục tỷ USD để giúp các Cty sản xuất chip ở trong nước. Tham vọng đứng đầu lĩnh vực bán dẫn đã làm gia tăng căng thẳng thương mại với Mỹ, quốc gia muốn Bắc Kinh thu hẹp lại những gì họ cho là “hỗ trợ không công bằng” cho các Cty của họ. Washington đã tìm ra lý do để trừng phạt trực tiếp một nhà sản xuất chip được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, Cty sản xuất chip Fujian Jinhua. Sau khi Micron Technology, một đối thủ của Mỹ, cáo buộc Cty Trung Quốc ăn cắp thiết kế chip, Bộ Thương mại Mỹ ngăn không cho họ mua linh kiện của Washington.
Cần phải cùng nhau phát triển
Thị phần của các Cty Trung Quốc vẫn còn khiêm tốn trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. Gần như tất cả các chip phức tạp nhất vẫn phải được nhập khẩu. Một số nhà sản xuất chip bộ nhớ do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, lưu trữ dữ liệu, đã công bố kế hoạch sản xuất lớn. Nhưng thị trường toàn cầu cho những con chip như vậy hiện đang bão hòa, cho thấy tương lai khá nghiệt ngã. “Nhìn chung, sự hỗ trợ của chính phủ giúp ngành công nghiệp Trung Quốc”, Gu Wenjun, chuyên gia phân tích tại ICwise, một Cty nghiên cứu thị trường bán dẫn ở Thượng Hải cho biết. Tuy nhiên, theo ông, giờ đây, thị trường trở nên quá nóng và hay thay đổi, những tác động tiêu cực đang ngày càng rõ rệt.
Trung Quốc đóng vai trò là nhà lắp ráp điện tử hàng đầu thế giới, và thị trường điện tử tiêu dùng rộng lớn của họ đã thuyết phục một số nhà quan sát rằng, đây là thời điểm để nước này thu hút hoặc bồi dưỡng kiến thức để sản xuất chip tiên tiến. Nếu Trung Quốc có thể bắt kịp việc sản xuất đồ chơi và sau đó sản xuất điện thoại di động, họ sẽ nghĩ đến việc “tại sao họ không sản xuất chất bán dẫn”? Cho đến nay, việc vẫn có thể tồn tại mà không có chip từ Mỹ hứa hẹn sẽ là bài thử nghiệm cuối cùng cho Huawei, mặc dù Cty đã có những bước tiến gần đây trong việc phát triển bộ vi xử lý của riêng mình.
Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc trong tuần này, người sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi nói rằng, trong “thời kỳ hòa bình”, một nửa số chip của Huawei đến từ các Cty Mỹ và nửa còn lại tự họ sản xuất. Huawei đã dự trữ chip cho những trường hợp khẩn cấp như thế này, ông Nhậm khẳng định và nói thêm, “nhưng Cty không bao giờ có thể hoàn toàn bác bỏ công nghệ Mỹ”. Nhà sáng lập Huawei còn cho biết, các thành viên trong gia đình ông đều dùng iPhone. “Chúng tôi sẽ không liều lĩnh loại bỏ chip Mỹ”, ông Nhậm nói và nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải cùng nhau phát triển”.
Trung Quốc có trụ vững?
Năm 2014, Bắc Kinh đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong tất cả các phân khúc của ngành công nghiệp chip vào năm 2030, và các quỹ đầu tư bán dẫn của chính phủ quốc gia và địa phương bắt đầu mọc lên trên khắp đất nước.
Theo chuyên gia Bai Ming, nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu hợp tác kinh tế và ngoại thương của Trung Quốc, thật ra Bắc Kinh đã trỗi dậy mạnh mẽ và cạnh tranh hơn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Kể từ đó, Trung Quốc tập hợp được sức mạnh dân tộc toàn diện và đạt được tiến triển đáng kể về khoa học và công nghệ, đặc biệt là những công nghệ hàng đầu như 5G và trí tuệ nhân tạo. Chuyên gia này nhận định, hiện Trung Quốc ở vị thế tốt hơn so với 10 năm trước trong giải quyết các xung đột thương mại với các quốc gia khác. Tỷ trọng xuất khẩu và nhập khẩu trong nền kinh tế Trung Quốc đã giảm đáng kể trong khi tỷ lệ đóng góp của tiêu dùng cho tăng trưởng tăng vọt lên 76,2%.
Do đó, ông Ming cho rằng, khó có khả năng xảy ra tình trạng mất việc làm trên quy mô lớn bởi ngoại thương đã giảm tỷ trọng đóng góp đối với tăng trưởng của nền kinh tế. Nhưng ông Ming cũng cảnh báo, Trung Quốc nên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ nội địa cũng như đẩy mạnh cải cách thuế để thúc đẩy đầu tư.
KHẢ ANH