Báo Công An Đà Nẵng

“Gót chân Asin” của tân sinh viên

Thứ năm, 27/11/2014 10:04

(Cadn.com.vn) - Đậu đại học là niềm vui của nhiều sĩ tử và người thân. Đây cũng là bước ngoặt lớn trong cuộc đời mỗi thành niên, một hành trình mới để tiến tới tương lai. Tuy nhiên, những ngày đầu tiên bắt đầu cuộc sống xa nhà, sinh viên sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn...

Học phí, mối lo hàng đầu của sinh viên.

Bỡ ngỡ buổi ban đầu

Trong những ngày đầu tiên mới bước xuống phố, chắc chắn không ít tân sinh viên (SV) các vùng nông thôn sẽ bối rối bởi sự thay đổi đột ngột về môi trường học tập cũng như nơi ăn chốn ở. Công việc đầu tiên là tìm phòng trọ đã gặp nhiều khó khăn khi nhiều SV “chân ướt chân ráo” xuống phố phải đối mặt với giá thuê phòng khá đắt đỏ, từ 600 ngàn đến 1 triệu đồng. Trần Thị Lệ Xuân, tân SV ngành sư phạm tiểu học Trường Đại học Quảng Nam chia sẻ: “Một thân một ngựa xuống thành phố học tập thật sự khó khăn. Một mình thuê phòng thì giá cả đắt đỏ, mà mới nhập học lại chưa quen được bạn để ở ghép”. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều tân SV khi xuống phố, bức bách vào ký túc xá thì đa phần là phải đi ăn cơm bụi hoặc mì tôm cho qua bữa.

Lệ Xuân thừa nhận: “Vì hoàn cảnh con nhà nông nên tôi rất bối rối trong việc chi tiêu, môi trường học tập, sinh hoạt hoàn toàn mới, khó thích ứng”. Còn Thùy Linh, tân SV báo chí Trường ĐH sư phạm Đà Nẵng (ĐH Đà Nẵng)  kể: “Mới ngày đầu tiên xuống phố nên phải mua sắm đủ thứ, nào bếp gas, quạt, nồi cơm điện, các dụng cụ sinh hoạt cũng phải mất 2 triệu đồng. Vì kinh tế gia đình còn khó khăn nhưng không biết làm cách nào để cắt giảm chi tiêu”. Ở góc độ khác, Nguyễn Thị Diệu Hiền, tân SV sư phạm ngữ văn Trường ĐH sư phạm lại gặp nhiều khó khăn trong việc học tập. Hiền thổ lộ: “Khó khăn nhất của tân sinh viên là lạ mặt, lạ trường, chưa có ai hướng dẫn trong việc học. Nhiều SVsống khép kín sẽ không thể hòa nhập trong môi trường tập thể mới. Rồi tranh nhau để làm các chức vụ trong lớp nữa. Là sinh viên mới nên khó nắm bắt cách học ở đại học, chưa hiểu về hình thức học tập tín chỉ”.

Hành trình đi tìm phòng trọ không đơn giản như tờ rơi quảng cáo.

Nỗi cô đơn và cuộc “lột xác”

   Sự cô đơn là điều mà nhiều tân SV thường gặp phải khi xa gia đình, bước vào cuộc sống mới. Hầu như ngày nào các SV này cũng nhốt mình trong phòng vì không biết đi đâu. Với phương tiện di chuyển bằng xe ôm, nhiều SV đã “dính” những cú lừa ngoạn mục. Nguyễn Hoài Thanh, tân SV ĐH Sư phạm ấm ức: “Vì không khí quá ngột ngạt và nóng bức ở phố xá tôi quyết định di chuyển ra biển thay đổi không khí bằng xe ôm. Mặc dù quãng đường đi không xa lắm nhưng bác xe ôm chở mình vòng vèo sau đó hét giá 200 ngàn đồng. Xót của nhưng đành phải rút ví trả tiền”.

Bước xuống phố với sự tự hào khi trở thành tân SV khiến nhiều người muốn “lột xác” để được lộng lẫy hơn. Vì thế việc shopping mua sắm quần áo, giày dép cũng hết sức quan trọng. Tranh thủ việc tân SV xuống phố, nhiều tiểu thương ra tay chặt chém. An, một tân SV kể: “Tôi đi chợ đêm sinh viên, một chiếc giường xếp và một cái mùng giá 500 ngàn đồng. Mua về nghe mấy anh chị bảo bị “hớ” tới 200 ngàn đồng””. Nhiều SV khác đi mua quần áo về cũng than thở bị “hớ” tới mấy trăm ngàn. Vì vậy, nhiều tân SV nhanh chóng “cháy” túi bởi sự tiêu pha quá trớn, chưa hình dung được những ngày tháng học tập còn rất dài phía trước.

“Gót chân Asin” không chỉ có vậy, bởi chắc chắn rất nhiều chàng trai, cô gái nông thôn không chỉ bỡ ngỡ riêng chuyện sinh hoạt và học tập mà còn biết bao cám dỗ từ những dịch vụ xa xỉ khác ở phố xá. Vì vậy, hãy lắng nghe và quan sát các SV đi trước, không nên “lột xác” bằng mọi cách. Hãy tham gia các CLB đội nhóm tại trường để nâng cao kỹ năng, giao lưu và học hỏi để thích ứng cuộc sống mới, môi trường mới và tự tin hơn trên hành trình vươn đến trí thức.

Phan Nam