Gùi chữ lên non
(Cadn.com.vn) - Còn một tháng nữa năm học mới bắt đầu nhưng các thầy cô giáo trẻ vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) đã tất bật hành lý lên non. Trên những cung đường ngoằn ngoèo, hun hút, hàng chục chiếc xe máy nối nhau đến với đồng bào. Những chiếc ba lô trĩu nặng chứa đựng tình yêu thương được gói gọn trong những thức quà bánh thầy cô mang lên cho các học trò nghèo của mình.
Học sinh tới tuổi đến trường được các thầy cô đến nhà vận động đi học. |
Miền núi mùa này chiều thường hay mưa làm cho núi rừng vốn đã hoang vu càng thêm buồn bã. Phải ghì chặt tay lái chúng tôi mới vượt qua con đường nhựa 20 km lồi lõm, một bên là vách núi cao, một bên vực sâu hun hút từ thị trấn Tăk Por đến điểm trường THCS xã Trà Vinh. Nằm cheo leo trên lưng chừng đồi là khu tập thể của hơn 30 thầy cô giáo trẻ. Sau những tháng ngày nghỉ hè được ở bên gia đình các thầy cô ai cũng háo hức cho một năm học mới. Tiếng nói cười, kể chuyện, những món quà miền xuôi đến từ nhiều nơi trên vùng đất Quảng Nam khiến câu chuyện càng râm ran.
Cô giáo Võ Thị Thúy (24 tuổi, quê Duy Xuyên) cho biết: "Năm nào trường cũng phải họp hội đồng sớm hơn các trường miền xuôi bởi công tác vận động học sinh đến trường nơi đây vô cùng gian nan. Chúng tôi lên đây sớm để chia nhau đi khắp các bản vận động các em đi học. Đa số học sinh ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn nên các em học được năm nào là mừng năm đó".
Trong khu nhà tập thể, mỗi phòng có hơn 10 giáo viên ở, đồ đạc xếp kín, phải nằm ngang mới đủ chỗ ngủ. Cô Thúy chia sẻ: "Bây giờ đỡ khổ hơn hồi trước nhiều vì đường đã được trải nhựa, trước đây toàn là đường đất mùa mưa thế này bùn lội đến tận đầu gối. Còn khu tập thể này nhờ có điện nên đỡ buồn hơn. Trước đây mình dạy ở điểm trường thôn chỉ đến 7 giờ tối là lên giường ngủ vì không đủ ánh sáng làm việc".
Bên bếp lửa, những câu chuyện được nối tiếp giản dị, đầm ấm. |
Trong số các thầy cô cắm bản có những cô giáo vừa lập gia đình nhưng vẫn phải gác lại hạnh phúc riêng để gùi chữ lên non như cô giáo Phan Thị Thu Hồng. Sau tuần trăng mật, cô dâu mới lại chia tay chồng để tiếp tục với sự nghiệp dạy học miền núi. Có 3 cô giáo đang mang thai nhưng vẫn vượt núi để đến với học sinh. Đường sá xa xôi khúc khuỷu nhưng các cô vẫn ngồi xe máy hàng giờ và lội bộ vào các điểm trường thôn để vận động học sinh.
Cô Hồng kể trong 3 năm dạy học ở đây không biết bao nhiêu lần cô đi làm công tác vận động gặp vô cùng khó khăn, gian khổ. Có những học sinh thấy cô giáo đến nhà là trốn ra rẫy hoặc đôi khi chính cha mẹ các em cũng không muốn con đến trường bởi họ chỉ suy nghĩ đơn giản làm ra cái khoai cái sắn mới no được cái bụng.
Màn đêm buông xuống, khắp bản làng Trà Vinh chìm trong bóng tối, cơn mưa mỗi lúc càng nặng hạt. Các thầy cô phải đội nón tránh nước mưa dột để nấu bữa cơm chiều. Vì là cuộc gặp mặt sau 3 tháng hè nên bữa ăn cũng có phần thịnh soạn hơn. Mỗi người góp một tay nhặt rau, lau chén đũa, không khí như được hâm nóng hơn.
Mặc cho bên ngoài mưa rơi trên những tán lá rừng, bên bếp lửa, khuôn mặt của những thầy cô giáo trẻ vẫn sáng bừng lên niềm tin yêu. Dù đã quen với bản làng nhưng không ít cô giáo vẫn khóc vì nhớ nhà, nhớ chồng con nhất là khi phải xa gia đình sau 3 tháng hè. Cùng dùng bữa cơm thân mật với các thầy cô mà chúng tôi thấy mắt cay xè. Có vào tận nơi, chứng kiến đời sống của giáo viên miền núi mới thấu hiểu được sự hy sinh thầm lặng của những con người trẻ tuổi nơi đây.
Thầy giáo Lê Ngọc Phúc (quê Đắc Lắc), một người vui tính và hòa đồng đọc cho mọi người nghe những vần thơ do thầy sáng tác trong những tháng ngày xa bản làng khiến ai cũng xúc động: "Đắc Lắc thướt tha và giản dị/ Quảng Nam trĩu nặng những ân tình/ Dù xa vẫn nhớ về nơi ấy/ Hình bóng trong lòng mãi vấn vương".
Đêm về khuya trời càng lạnh, rửa mặt bằng nước suối khiến chúng tôi tê cóng cả bàn tay. Trong căn phòng nhỏ các thầy cô lại sửa soạn bút, sách vở để ngày mai vào từng thôn vận động học trò. Mang nhiều suy nghĩ mông lung tôi chìm vào giấc ngủ giữa mênh mông núi rừng, bên tai vẫn văng vẳng câu thơ các thầy cô đọc cho nhau nghe lúc chiều: "Gửi em cô gái vùng cao/ Làm nghề nhà giáo lao đao ít nhiều...".
Hà Dung