Gửi lại muôn sau "một khúc tâm tình..."
Người Hà Tĩnh trước kia, và cả bây giờ, cứ mặc nhiên nghĩ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là người quê mình, vẫn tự hào nhận ông là "đồng hương". Họ yêu mến, kính trọng và hơn hết là vô cùng biết ơn ông, cảm động với cái nghĩa tình "gừng cay muối mặn" của người nhạc sĩ đã dành trọn tình cảm, tâm huyết để viết và kể một câu chuyện âm nhạc đắm đuối, ngọt ngào, day dứt về mảnh đất và con người xứ sở.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng "Một khúc tâm tình" sẽ sống mãi trong lòng người Hà Tĩnh. |
Nguyễn Vắn Tý là người gốc Hà Nội nhưng được sinh ra và lớn lên ở Nghệ An. Đặc biệt thay, những sáng tác để đời lại thuộc về những vùng đất khác như Thái Bình (Bài ca năm tấn), Bến Tre (Dáng đứng Bến Tre), Hà Bắc (Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa) bên cạnh tình ca Dư âm nổi tiếng và Mẹ yêu con gắn với kỷ niệm về cô con gái người vợ thứ hai của mình. Riêng Hà Tĩnh, mảnh đất bão mưa nắng lửa ngàn đời mà tình người nồng hậu hòa quyện với chất liệu dân ca ngọt ngào đã được ông gửi gắm vào hai ca khúc bất tử: Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ.
Sẽ chẳng có gì khó giải thích, khi người Hà Tĩnh coi ông là một phần của mảnh đất này. Biết bao thế hệ, bao con người đã, đang và sẽ còn nghêu ngao hát trong tất bật vui buồn cuộc sống "Chớ, đi mô rồi cũng nhớ về...", rằng "Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn/Mà đời không ngại đào mấy con kênh...".
Những giai điệu đó, đám sinh viên nghèo chúng tôi ngày xưa say sưa hát bằng tất cả niềm thương nỗi nhớ lúc xa nhà, bằng tất cả lòng mến yêu, trân trọng, tự hào về quê hương mình. Cũng nhờ những lời ca ấy, đã kết nối những người con Hà Tĩnh xa quê xích lại gần nhau hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn bao vất vả, khó khăn nơi đất khách. Khúc tâm tình ấy cũng là nhịp cầu để kết nối bạn bè bốn phương - những người chưa một lần đặt chân tới nơi này cũng đã kịp phải lòng, cảm mến tên đất, tên làng, tự nguyện yêu thương đắm đuối tình đất, tình người Hà Tĩnh.
Chắt chiu từ những điều giản dị, từ những hiểu biết về văn hóa, tinh thần, tính cách con người Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Tý đã hết sức khéo léo kể một câu chuyện dài bằng âm nhạc. Những núi Hồng, sông La cứ thế mà dựng, mà chảy, mà lắng sâu vào lòng người những thanh âm gần gũi, mộc mạc, chan chứa ân tình. Bầu sữa ngọt lành ấy đã nuôi nấng, tưới tắm tâm hồn biết bao thế hệ, những đứa con Hà Tĩnh xưa nay cứ hồn nhiên lớn lên bằng niềm tự hào về quê hương khôn xiết, tin yêu nguồn cội vô bờ, thầm ngấm bao lời nhắn nhủ trìu mến, thân thương "Ai đi xa mô đó, có biết nhớ lấy đường về/Đường Đồng Lộc, đường Khe Giao, rồi đường Hồng Lam, Đèo Ngang, Linh Cảm...". Hỏi ai mà không nhớ, ai không nỡ quay về?
Nhắc đến mảnh đất và con người Hà Tĩnh, ngoài cái nghĩa tình "muối mặn gừng cay", còn là ý chí sắt đá, bền gan trong gian khó cùng niềm lạc quan phơi phới hướng về dài rộng tương lai. Nguyễn Văn Tý đã nói thay muôn người điều đó, nói những lời gan ruột, đằm thắm, nhẹ nhàng mà ám ảnh khôn nguôi: "Nghệ Tĩnh mình ơi, sông Lam gọi núi Hồng/Bạn về theo bạn đào núi lấp sông/Đất trời như vẫn vang vang lời trống giục/Mặt hồ lay động nên sóng mênh mông/Từng đàn cá lượn, cây lúa thêm nặng bông...".
Bây giờ, người nhạc sĩ tài hoa cùng nghĩa tình đậm sâu với con người Hà Tĩnh đã hội ngộ nhạc sĩ của "Hà Tĩnh mình thương" - An Thuyên nơi cõi khác. Ông ra đi ở cái tuổi xưa nay hiếm không có gì bất ngờ, nhưng với người yêu nhạc nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng, không tránh khỏi ngậm ngùi, tiếc nuối. Mặc dù cuộc rong chơi trần thế chưa trọn niềm vui khi ông bị bệnh tật và cô đơn giày vò những năm cuối đời; tuy vậy, bằng tất cả niềm thương quý và ngưỡng mộ tài năng mà người hâm mộ dành cho ông, hẳn ông đã sống một cuộc đời thành công và mãn nguyện.
Người Hà Tĩnh và mảnh đất này tiếc thương ông vô hạn, họ hàm ơn ông và sẽ còn muôn thuở nhắc nhớ về ông bằng việc hát lên những "khúc tâm tình" đắm đuối nghĩa nhân mà ông đã gửi tặng cho tình người xứ sở.
Có ai là người Hà Tĩnh không một lần ngân nga câu hát ân tình này: "...Cả cuộc đời ngày hôm nay lên trang sách mới/Trâu ơi theo bầy ta về đồng cỏ mênh mông...".
NGÔ THẾ LÂM