Báo Công An Đà Nẵng

Guitar ánh sáng và bóng tối - dấu ấn độc đáo của Nguyễn Hữu Hồng Minh

Thứ năm, 17/01/2019 11:50

Guitar ánh sáng và bóng tối, tập sách chân dung nghệ sĩ, tác phẩm và dư luận của Nguyễn Hữu Hồng Minh (*) do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành. Nội dung Guitar ánh sáng và bóng tối chia thành 3 phần rõ rệt: Còn lại tình yêu, Mưa qua thềm ký ức, Tát nước bể dâu. Còn lại tình yêu gần như là phần chủ lực của tập sách gồm nhiều trang viết của Hồng Minh về những trải lòng của mình trong sự ngưỡng mộ các tên tuổi từng vang dội một thời mà anh đã tiếp cận được trong quá trình làm báo như: Văn Cao, Phạm Duy, Trần Văn Khê, Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng, Phú Quang, Trần Mạnh Tuấn, Dương Thụ, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Ánh 9... Khởi đầu là bài viết "Khuôn mặt em" tôi phổ thơ Văn Cao, bên cạnh những cảm xúc ấn tượng đặc biệt về con người và tác phẩm Văn Cao, tác giả kể lại kỷ niệm của mình khi phổ nhạc bài thơ "Khuôn mặt em" của ông. Ca khúc này anh viết khi là sinh viên Đại học Tổng hợp (năm 1993), nhưng phải ôm ấp, chỉnh sửa mãi đến hơn 15 năm sau mới ưng ý. Đó là kỷ niệm đẹp của anh khi nhớ về nhạc sĩ Văn Cao. Với Khánh Ly (Tiếng hát ướp nước mắt đằng sau những nụ cười), tác giả cho biết: "Ca sĩ Khánh Ly là người đã hát ca khúc Bấy giờ phổ thơ của cha tôi-nhà thơ Đông Trình, bởi nhạc sĩ Trần Đình Quân từ trước năm 1975". Bởi vậy, sau này, khi bà về nước ra mắt tác phẩm, Hồng Minh đã có được cuộc hẹn với danh ca để viết bài giới thiệu trên báo, như một sự trả nghĩa cho những ân tình xưa. Với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Trịnh Công Sơn đời phố đời người), vốn là người bạn khá thân thiết với nhà thơ Đông Trình- thân phụ của Hồng Minh, nên từ tuổi 12 cho đến khi vào đại học anh có nhiều cơ hội được gặp ông nhiều lần với sự tiếp đãi chân tình. Đó cũng là cái duyên cớ về sau, anh được mời làm người dẫn chương trình "Đêm nhạc Phố-Trịnh Công Sơn đong đầy cảm xúc bên cạnh sự tham gia của nhiều ca sĩ nổi tiếng tại Đà Nẵng. Với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (Nguyễn Trọng Tạo sông quê miền quan họ)-nhà thơ, nhạc sĩ vừa mất cách đây vài tuần, qua góc nhìn của Hồng Minh: "Khó có thể phân định riêng biệt Nguyễn Trọng Tạo là một nhà thơ, nhạc sĩ hay một họa sĩ? Vì hình như ông là người đa tài, cộng hưởng cả ba địa hạt sáng tạo ấy. Chưa kể ông còn là cây bút phê bình, thẩm định thơ sắc sảo, có một vị trí riêng khi nhận định, đưa ra giới thiệu các gương mặt thơ trẻ định vị từ những năm 2000 đến nay. Tôi thấy cái tên ông đã vận vào chính ông. Đó là Trọng Tạo-xem trọng những gì thuộc về sáng tạo".

Một ca khúc của Nguyễn Hữu Hồng Minh trong Guitar ánh sáng và bóng tối.

Dĩ nhiên, trong tập sách, Nguyễn Hữu Hồng Minh đã dành không ít cho những ký ức liên quan đến người và việc ở quê nhà thân yêu: "Trở lại Đà Nẵng với tôi như là cuộc trở về tìm kiếm những kỷ niệm ấu thơ, những ngày tháng tươi đẹp. Và âm nhạc vẫn là dòng sông trong vắt an ủi tôi bình yên nhất khi thả dài cùng bóng đêm cùng những con sóng ồn ã quen thuộc của một thành phố bung đầy sức trẻ hoang dại ...", để rồi từ đó, bạn đọc lại gặp gỡ những gương mặt: nghệ sĩ Saxophone Ngọc Minh (Minh kèn, những nốt trắng của tâm hồn đen); nhạc sĩ, guitarist Cao Minh Đức (Cao Minh Đức những nocturne harmonic); nhạc sĩ Diệp Chí Huy (Mặt nạ âm thanh); nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm (Đà Nẵng tình người); gia đình nhạc sĩ Trần Hồng (Người tìm ngọc và những viên ngọc quý) và kể cả dư âm còn lại của nhạc sĩ La Hối (Về Hội An tìm dấu vết La Hối "Xuân và tuổi trẻ")... Song có lẽ thú vị nhất và cảm xúc nhất ở phần 1 tập sách là bài viết "Guitar, ánh sáng và bóng tối", bởi theo tác giả: "Trên thế giới có lẽ cây guitar đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn và luôn luôn huyền diệu. Bởi lẽ nó như nhạc cụ của bậc đế vương và kẻ ăn mày. Của ông chủ và ô-sin. Của bác học và bình dân. Của biệt thự đền đài và trần ai gió bụi. Của salon và sến súa". Bởi xung quanh câu chuyện cây guitar, còn là những kỷ niệm về người thầy dạy đàn đầu tiên, dìu dắt tác giả đến với thế giới âm thanh: "Tôi có kỷ niệm theo học guitar thầy Minh Trí từ năm lớp 8, 13 tuổi. Ông là người thầy đầu tiên truyền thụ cho tôi về sở nhạc, về đàn guitar.

Những ca khúc đầu tiên của tôi viết từ lớp nhạc này. Bởi thế càng khó quên... Danh thủ rock - guitar solo Cao Minh Đức là con trai đầu của ông. Đức cũng là người "đứng lớp" cùng cha mình, luyện ngón cho tôi và bạn bè cùng tuổi. Ngay từ thuở đó bọn tôi đã nể, đã phục Đức "sát đất" về ngón.  Ở căn nhà sâu tít trong con hẻm nhỏ trên đường Trưng Nữ Vương, chúng tôi vừa học âm nhạc vừa nghe tiếng chuông nhà thờ gần đó đồng vọng. Đức ốm, nhỏ thó, cây đàn lớn hơn khổ người. Vật vã luyện ngón bằng cách đánh thi với... máy cassette. Đức có năng lực thẩm thấu âm thanh và phục hiện trên ngón như ma quỷ nhập thần. Những cú luýt, rô-tê, cu-lê... du đuổi cùng các nghệ sĩ thế giới với những ngón điệu nghệ tuyệt chuẩn cùng Hotel California (Eagles), Gimme! Gimme! (ABBA), Papa (Paul Anka)... cùng rất nhiều tuyệt phẩm khác"... Và cũng theo tác giả: "Nhưng nghĩ cho cùng, cao thủ guitar cuối cùng vẫn chỉ là nhạc công! Một cái nghề nhọc nhằn và lạ lùng! Đời sẽ quên sao? Không, những gì đã đi vào sâu thẳm tâm hồn con người sẽ sống mãi trong ký ức họ. Không thể quên được! Như tuổi trẻ, như ngày tháng qua! Bài hát hay cung đàn của người nghệ sĩ còn nuôi nấng những bến bờ đã mất!... Tôi biết chắc chắn một điều như vậy!...".

Ở phần 2 (Mưa qua thềm ký ức), giới thiệu khoảng gần 40 ca khúc cùng những lời tự sự về những tình khúc của Nguyễn Hữu Hồng Minh. Chẳng hạn, về ca khúc Kỷ niệm xanh mãi, tác giả có đoạn viết: "Trẻ mãi. Đó chỉ có thể là giấc mơ gửi vào nghệ thuật. Kỷ niệm xanh, ca khúc đầu tay của tôi viết năm 16 tuổi, 1988 tại Đà Nẵng". Về ca khúc Hà Nội giọt đêm tan chảy", tác giả cho hay: "Tôi viết ca khúc Hà Nội giọt đêm tan chảy một cách tình cờ. Mà sự tình cờ ấy phải là cuộc chuẩn bị dài hàng chục năm...". Ở phần ba (Tát nước bể dâu) là những thông tin báo chí, những sẻ chia của thân hữu và những người quan tâm, đồng cảm cùng âm nhạc Nguyễn Hữu Hồng Minh, gồm nhiều bài viết khá cảm tình của các tác giả KTS Trần Phụng Tiên Phuông (TP HCM), Nguyễn Thoại Vy (Đà Nẵng), Kim Vũ (TP HCM)... như lời nhận định của Phan Tam Khê (Paris, Pháp): "Thơ chưa đủ sao mà lại muốn thành nhạc sĩ? Nhưng sau khi đọc thơ và lời nhạc của anh, tôi đã tìm ra lý giải. Âm thanh là một nhu cầu thiết yếu trong thơ ca anh. "Đa thanh", ngôn từ của anh, trong thơ có phần gò bó, chật chội. "Đa thanh" trong âm nhạc: súc tích và tự do. Hai yếu tố đó nương tựa nhau để tạo ra một Nguyễn Hữu Hồng Minh độc  đáo".

TRẦN TRUNG SÁNG

(*) Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh sinh năm 1972 tại Đà Nẵng. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn- báo chí Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh. Đã từng được nhiều giải thưởng văn học về Thơ và Truyện ngắn của các báo, tạp chí uy tín trong nước như Tiền Phong (1990), Tuổi trẻ (1996), Sông Hương (2003)... Ngoài thơ văn, anh còn sáng tác âm nhạc. Từ năm 1988 đến nay anh đã viết khoảng hơn 100 ca khúc. Nhiều đêm nhạc Nguyễn Hữu Hồng Minh đã được giới thiệu tại các trường Đại học ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đà Nẵng.