Gừng càng già càng cay!
Ấn tượng đầu tiên khi cầm thi tập “Thì thầm với cỏ” là bức tranh bìa xinh xắn diễn đạt hình ảnh một thiếu nữ đứng trong khung cảnh cây lá lung linh, cùng chim muông hòa lẫn giữa thiên nhiên dịu vợi đến nao lòng, khiến bạn đọc không thể cưỡng được ý muốn lập tức tìm đến bài thơ mang tựa đề chính này: “Với cỏ ta chỉ biết thì thầm/ Như muôn đời cỏ thì thầm với gió/ Miên man xanh dưới trời xanh bất tận/ Chợt bay lên chấm trắng một cánh cò”. Quả nhiên, những câu thơ như vậy, không thể nào làm thất vọng sự chờ mong bạn đọc, bởi chỉ với mấy dòng đầu, tác giả đã tạo nên một thi ảnh tuyệt vời tựa một bức họa đồng quê thênh thang, bất tận... Không dừng lại ở đó, nguồn cảm hứng của tác giả tiếp tục tuôn chảy: “Chỉ chừng ấy thôi mà chiều đẹp thế/ La lả bay dịu vợi đến nao lòng/ Tựa câu thơ một buổi chiều rực nắng/ Cầm nỗi buồn đưa tiễn người sang sông”. Điều hơi bất ngờ, là bên cạnh hình ảnh thiên nhiên hiền hòa, tươi đẹp, thanh bình như vậy, bỗng dưng bài thơ lại chùng xuống một nỗi buồn “đưa tiễn người sang sông”. Thì ra, cái tâm hồn đa cảm và cũng rất dễ đa sầu của nữ thi sĩ đã dự báo: “Cũng như thế một mai ta về làm cỏ/ Sẽ hồn nhiên xanh xanh đến vô tư/ Tự rút ruột mình để mình xanh biếc/ Rồi bâng quơ hát khúc sa mù…”.
Nhà thơ Vạn Lộc sinh ra và lớn lên ở làng Đông Yên, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Do bối cảnh chiến tranh, bà phải sớm rời bỏ quê nhà, dấn bước vào cuộc sống phố thị lăn lộn mưu sinh, thăng trầm với những công việc, nghề nghiệp không hề nhẹ nhàng để lo cho gia đình, chồng con. Thế nhưng, trong tâm hồn người phụ nữ chất phác đơn sơ ấy vẫn luôn sâu nặng với tình yêu thơ ca. Tính bình quân gần 30 năm nay, gần như cứ vài ba năm, Vạn Lộc lại có một thi phẩm mới ra đời. Trong đó, có nhiều tập thơ đạt các giải thưởng cao của Trung ương và địa phương như: Gió thổi từ Đông Yên (NXB Văn học, 2011), Chín chín nhịp (NXB Hội Nhà Văn 2019), Gió miền lục bát (NXB Hội Nhà Văn 2021), Hái mùa đông vạt nắng (NXB Hội Nhà Văn 2023)… Thơ của Vạn Lộc mang nặng tình yêu quê nhà, với những kỷ niệm tuổi thanh xuân, với những dòng sông, lũy tre, cánh đồng làng bát ngát nhớ thương… Và điều đáng chú ý, trong những năm gần đây, thơ Vạn Lộc càng lúc càng phổ biến rộng rãi, được bạn đọc yêu chuộng, gần gũi, bởi nơi đó thể hiện một nguồn thơ đa dạng mà tươi trẻ, sâu sắc, đậm màu triết học mà lạc quan, nhẹ nhàng… Trong lời giới thiệu thi tập thứ 12 của Vạn Lộc, Tiến sĩ Huỳnh văn Hoa đã viết : “Phải nói, trong tập thơ này, những vần thơ Vạn Lộc viết về quê hương là khá hay, chuẩn về từ ngữ, âm điệu. Bởi lẽ, quê hương dưỡng nuôi hồn thơ của chị từ thuở bé thơ, kể cả quê hương của chồng – xứ Huế. Huế nặng nghĩa, nặng tình”. Và ông nhấn mạnh: “Thì thầm với cỏ là tiếng thơ hồn hậu, giàu cảm xúc, tạo được sự đồng cảm nơi người đọc”.
Tác giả Châu Thạch – một thi hữu của Vạn Lộc nêu nhận xét: “Trong “Thì Thầm Với Cỏ” Vạn Lộc viết nhiều về những địa danh đất Quảng, nơi chứa nhiều kỷ niệm trong dòng sông ký ức của thi nhân. Kỷ niệm thành thơ và thơ tràn cảm xúc như sóng gợn trường giang là đặc tính của Vạn Lộc trong tập thơ này. Trong tập thơ này, Quảng Nam, Đà Nẵng, Duy Xuyên, Duy Trinh, Quế Sơn, Quế Lộc, Thu Bồn, Ô Gia… thân thương như hình cha bóng mẹ, bài thơ nào cũng tha thiết trong lòng, nhớ thương da diết với tiếng thơ thì thầm, mến yêu, âu yếm”. Cũng theo Châu Phan: “Đối với nhiều nhà thơ, càng già thơ càng bớt hay, nhưng nhà thơ Vạn Lộc thì khác. Ở tuổi thất thập trở lên, mỗi ngày thơ bà thêm mượt mà sâu nhiệm trong hương tình yêu cuộc đời cao quý, trong hương thiền nhẹ nhàng thanh khiết. Trước những biến động bãi bể nương dâu trên quê hương, Vạn Lộc không u sầu trong hoài niệm như bao nhà thơ khác, bà vẫn nhìn quê hương bằng đôi mắt lạc quan, bởi tình yêu quê hương trong lòng bà là “nguyên vẹn” nên mọi thay đổi không làm cho tình yêu ấy kém đi: “Thu Bồn đã xôn xao sóng/ Đã thôi bịn rịn chuyến đò/ Trưa hè bầy chim chao võng/ Giấc mơ thơm ngát tuổi thơ/ Quê nhà vẫn quê nhà ấy/ Vẹn nguyên thương nhớ lòng mình/ Nhúm nhau đã cật đã ruột/ Một đời máu thịt Duy Trinh (Về Phía Mùa Xuân)”.
Bước vào tuổi 80 bằng sự đánh dấu tập thơ thứ 12 “Thì thầm với cỏ” đầy xúc cảm và sáng tạo, một lần nữa, nhà thơ Vạn Lộc khẳng định sự hiện diện của mình - một nữ thi sĩ đã, đang đóng góp đầy ấn tượng trong dòng văn học hiện đại của miền Trung và cả nước.
Trần Trung Sáng