Báo Công An Đà Nẵng

Hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn bị xâm nhập mặn nghiêm trọng

Thứ hai, 25/06/2018 13:18

Sau đợt nắng nóng kéo dài nhiều tuần qua, hiện nay tình trạng xâm nhập mặn đã tiến sâu vào lưu vực các con sông chính của Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Cá biệt, có nơi nồng độ mặn đo được lên đến 6,3 phần nghìn đã gây ra những tác động xấu đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân hai địa phương này.

Cán bộ ngành nông nghiệp đo nồng độ mặn tại một cửa đập ngăn mặn trên sông Thu Bồn.

Tại Đà Nẵng, từ ngày 12-6 đến nay, do thủy triều cao làm nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng với độ mặn lên đến 1.695mg/l, cao hơn mức cho phép gần 7 lần. Đây là nguyên nhân khiến một số khách hàng phản ánh với Công ty cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) về việc dùng nước thủy cục nấu nước uống có vị lợ. Ông Hồ Hương- Tổng Giám đốc Dawaco cho biết, đây là tình huống bất khả kháng do nguồn nước thô lấy tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, do đó Xí nghiệp sản xuất nước sạch tăng cường chạy bơm phòng mặn từ đập dâng An Trạch để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho người dân. Trong những ngày độ mặn lên cao, Xí nghiệp sản xuất nước sạch của Cty duy trì độ mặn sau xử lý ở quanh mức 200mg/l, đây là chỉ số nằm trong ngưỡng an toàn theo QCVN01:2009/BYT.

Cũng theo ông Hương, tổng công suất sử dụng nước trong những ngày qua đạt từ 285.000 - 287.000m3/ngày, gần đạt đỉnh cung ứng của Dawaco ở mức 290.000m3/ngày. Do đó Dawaco đã trao đổi với các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia và đề nghị thủy điện xả nước về đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ, bảo đảm nguồn nước ngọt thô sản xuất, cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho thành phố. Tuy nhiên, hiện các hồ chứa ở thượng nguồn cũng đang ở tình trạng thiếu nước do lượng mưa năm nay thấp. Trước mắt, để bảo đảm cấp nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố, Dawaco tăng cường lấy nước ngọt từ Trạm bơm An Trạch, do đó, lưu lượng và áp lực nước trong mạng lưới hiện tại thấp so với bình thường. Để bảo đảm đủ nước về lâu dài, ngày 17-6, Dawaco đã giải phóng mặt bằng để triển khai thi công dự án Nâng công suất cấp nước nhà máy nước Cầu Đỏ thêm 120.000m3/ngày. Đến cuối tháng 6-2018, Dawaco tiếp tục triển khai xây dựng nhà máy nước Hòa Trung với công suất 10.000m3/ngày. Dự kiến đưa vào hoạt động 2 dự án trên trong quý 1-2019.

Còn tại địa bàn Quảng Nam, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nông dân ở vùng hạ lưu sông sông Thu Bồn và sông Vĩnh Điện đoạn chảy qua H. Duy Xuyên, TX Điện Bàn và TP Hội An rất lo lắng vì nguồn nước thủy lợi đang bị nhiễm mặn nặng, không thể lấy nước để tưới đồng ruộng. Ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng NN&PTNT H. Duy Xuyên (Quảng Nam) cho biết, hạ lưu sông Thu Bồn đoạn chảy qua địa phận H. Duy Xuyên đã bị nước mặn xâm nhập sâu. Nồng độ mặn tại bể hút đo được vào ngày 20-6 đã lên đến 6,3 phần nghìn. Do đó 2 trạm bơm điện trọng yếu ở xã Duy Phước (H. Duy Xuyên) không thể hoạt động nhiều ngày khiến gần 500ha lúa Hè-Thu đang trong thời kỳ tưới dưỡng của 2 xã Duy Phước và Duy Vinh bị ảnh hưởng. Nếu thời gian tới mặn vẫn tiếp tục xâm nhập sâu vào hạ lưu sông Thu Bồn, chắc chắn số diện tích lúa non sẽ bị khô hạn.

"Thủ phạm" gây ra tình trạng xâm nhập mặn trong mùa kiệt những năm qua đã được các cơ quan chuyên môn TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, cũng như các nhà nghiên cứu chỉ rõ là do các nhà máy thủy điện ở đầu nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn tích nước. Chính vì vậy, vào trung tuần tháng 6-2018, tại hội thảo đối thoại liên tỉnh lần thứ 6 của Ban điều phối Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng đã đề xuất điều chỉnh Quy trình liên hồ theo Quyết định 1537 của Thủ tướng Chính phủ. Trong các chuyên gia tập trung phân tích những mâu thuẫn trong vận hành hồ chứa hiện nay, nhất là vào mùa lũ và mùa kiệt; những giải pháp cấp bách trước tác động, ảnh hưởng của lũ lụt, sạt lở, xâm nhập vùng hạ lưu khi xét đến chế độ vận hành của hệ thống hồ chứa thủy điện... Theo đó, các hồ thủy điện hiện nay thường vận hành phát điện từ 7 giờ - 21 giờ, do đó khoảng thời gian từ 21 giờ đến 7 giờ hôm sau thường không có nước về hạ du. Chính vì vậy, khi dòng chảy thượng nguồn bị gián đoạn và suy giảm thì mặn sẽ xâm nhập sâu và gia tăng.

Do đó, để nâng cao khả năng đẩy mặn cho Nhà máy nước Cầu Đỏ, các chuyên gia kiến nghị cho phép vận hành mở cửa linh hoạt hệ thống đập dâng An Trạch. Đối với địa bàn Quảng Nam, các chuyên gia kiến nghị các hồ A Vương, Sông Bung 4 sẽ phát điện xen kẽ sao cho dòng chảy liên tục từ 7 giờ - 21 giờ; hồ Đak Mi 4a sẽ xả theo Quy trình liên hồ 1537 nhưng chỉ xả từ 22 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau.

Với thực trạng xâm nhập mặn đang có xu hướng gia tăng và phức tạp như những năm qua, thiết nghĩ chính quyền TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cũng như các cơ quan chức năng của 2 địa phương cần cấp bách kiến nghị Chính phủ điều chỉnh Quy trình liên hồ 1537 QĐ/TTG của Thủ tướng Chính phủ.

QUANG PHÚC