Hà Nội- Huế- Sài Gòn: Nghĩa tình sắt son
Chiều 3-10, tại Hà Nội, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Tọa đàm, gặp mặt kỷ niệm 60 năm kết nghĩa 3 TP: Hà Nội - Huế - Sài Gòn (8-10-1960 - 8-10-2020).
Giao lưu với các nhân chứng lịch sử. |
"Là cây một cội, là con một nhà..."
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, cách đây 60 năm, theo nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân thủ đô, UBMTTQ, Ủy ban Hành chính TP Hà Nội cùng các đồng chí đại diện nhân dân Huế, Sài Gòn quyết định thành lập Ban vận động kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn đầu tháng 10-1960 do bác sĩ Trần Duy Hưng- Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội làm Trưởng ban. Vào tối 8-10-1960, tại Câu lạc bộ Ba Đình (Hà Nội), Ban vận động đã tổ chức trọng thể Lễ ký kết giữa 3 thành phố lớn Hà Nội - Huế - Sài Gòn. "Từ đây, nhân dân Hà Nội đã ghi tên Huế - Sài Gòn trong trái tim mình, trong tâm trí"- Chủ tịch UBND TP Hà Nội xúc động.
Phong trào kết nghĩa Hà Nội- Huế - Sài Gòn cũng từ đây đã phát triển nhanh chóng và đạt được kết quả to lớn trên địa bàn thủ đô. Nhiều phong trào thi đua trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội đều hướng về miền Nam ruột thịt. Trong 10 năm (1965-1975), Hà Nội đã tiến hành 29 đợt tuyển quân, động viên 8,6 vạn thanh niên nhập ngũ để bổ sung cho các quân binh chủng, trực tiếp chi viện cho các chiến trường. Hơn 11.560 người con ưu tú của thủ đô đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của dân tộc...
Phát biểu tại Tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy TT-Huế Lê Trường Lưu cho rằng, 60 năm qua, mỗi bước phát triển của TT-Huế bên cạnh nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, còn mang đậm dấu ấn nghĩa tình sâu nặng của nhân dân thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thời gian tới, để tiếp tục tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, phát huy thế mạnh, vai trò của mỗi địa phương, Bí thư Tỉnh ủy TT-Huế đề nghị 3 địa phương tập trung tăng cường hợp tác, hỗ trợ trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đồng thời tiếp tục hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo cán bộ, nhất là lĩnh vực quản lý, vận hành hệ thống về xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh...
Tại buổi tọa đàm, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, lễ kết nghĩa giữa 3 thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn là sự kiện mang biểu tượng khẳng định cho ý chí sắt đá thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam: Hà Nội, Huế, Sài Gòn "là cây một cội, là con một nhà". Mối tình thắm thiết keo sơn ấy đã ghi vào những trang sử vẻ vang của 3 tỉnh, thành và mãi khắc sâu trong lòng nhân dân cả nước. Đó là một trong những nền tảng tạo nên sức mạnh to lớn trong suốt chiều dài của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Mỗi chiến công vang dội, là sự hòa quyện của lòng căm thù mãnh liệt, của ý chí quyết tâm, của mối tình keo sơn chia ngọt sẻ bùi của quân và dân 3 thành phố; là tinh thần một lòng cùng động viên nhau trong chiến đấu, lao động và sản xuất, bảo vệ miền Bắc, chi viện miền Nam theo tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"; là niềm tin mãnh liệt cùng nhân dân cả nước sát cánh bên nhau khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh, khôi phục kinh tế...
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm, gặp mặt. |
Mối tình đoàn kết keo sơn
Tham luận về kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn dưới góc nhìn lịch sử, PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định, nhìn lại phong trào kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn là dịp để thấy rõ mối tình đoàn kết keo sơn của quân và dân 3 thành phố, tỉnh trong cả nước, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc, đưa nước ta ngày càng phát triển... Tham luận với chủ đề "Huế trong lịch sử dân tộc và mối tương quan Huế - Hà Nội - Sài Gòn", ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VH & TT tỉnh TT-Huế cho biết, từ cái nôi đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Nghệ, trong suốt 1.000 năm qua văn minh Việt đã không ngừng được chuyển tải mạnh mẽ về phương Nam thông qua trung tâm Phú Xuân - Huế để rồi sau đó hình thành một trung tâm khác ở Nam Bộ, đó là Sài Gòn - Gia Định.
Về mối tương quan giữa 3 thành phố, tham luận của PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nêu rõ: Hà Nội, Huế, Sài Gòn là đại diện tiêu biểu cho 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam. Một điểm chung của 3 thành phố này là đều đã từng là kinh đô hoặc thủ đô, thủ phủ của mỗi miền trong tiến trình lịch sử đất nước. Đáng chú ý, GS.TS Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Đông Phương TP Hồ Chí Minh xúc động ôn lại kỷ niệm: Đó là trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ông đưa dũng sĩ Phan Văn Gừng (Sài Gòn) đi thăm trận địa pháo cao xạ trên đê sông Hồng. Đó là thời kỳ ở Hà Nội và miền Bắc vừa chiến đấu, vừa sản xuất xây dựng xã hội chủ nghĩa và chi viện cho miền Nam. Khi đoàn cán bộ Sài Gòn vừa đến nơi thì máy bay Mỹ tấn công, đúng lúc ấy cô tiểu đội trưởng ở đó hô to: "Vì Sài Gòn, Huế, nhắm thẳng quân thù, bắn!". "Đó là những hình ảnh đã ngấm vào máu, vào con tim khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Tình nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn nói riêng và 2 miền Nam Bắc nói chung được xây nên bằng máu, bằng xương nên không gì có thể lay chuyển được"- GS.TS Trình Quang Phú bồi hồi ôn lại...
HẢI LAN