Báo Công An Đà Nẵng

Hà Nội trong cơn lốc của Vũ Bằng

Thứ ba, 11/12/2018 11:01

Nhà văn Vũ Bằng (1913-1984) ngoài là một nhà văn ông còn là một nhà báo. Từ năm 16 tuổi, Vũ Bằng đã có truyện đăng báo, sau đó, ông lao vào công cuộc viết văn, viết báo bằng tất cả sự say mê. Với ông, nghề văn, nghề báo là đam mê chứ không chỉ đơn giản là mưu sinh. Nói đến nhà văn Vũ Bằng hẳn độc giả không thể không nói đến các tác phẩm: Miếng ngon Hà Nội (bút ký, Nxb. Nguyễn An Ninh, Sài Gòn, 1955); Món lạ miền Nam (bút ký, 1969, Tân Văn xuất bản, Sài Gòn, 1969); Bốn mươi năm nói láo (hồi ký, 1969, Tủ sách Nam Chi, cơ sở xuất bản Phạm Quang Khải); Thương nhớ mười hai (bút ký, 1972, Nxb. Nguyễn Đình Vượng, Sài Gòn, 1972).

Nhà văn Vũ Bằng 

Năm 2010, TS Võ Văn Nhơn (Trường ÐH Khoa học xã hội & nhân văn TPHCM) đi sưu tập tư liệu ở gia đình thi sĩ Ðông Hồ và Mộng Tuyết (Hà Tiên) đã tình cờ bắt gặp một loạt số báo Mới có đăng các tác phẩm của Vũ Bằng bao gồm các phóng sự ông viết vào những năm 1953-1954. Theo khảo cứu của TS Võ Văn Nhơn, báo Mới (do Phạm Văn Tươi làm giám đốc) xuất bản tại Sài Gòn, đã đặt hàng Vũ Bằng viết các phóng sự về Hà Nội. Các tác phẩm của Vũ Bằng đăng trên Mới gồm ba loạt phóng sự: Hà Nội trong cơn lốc; Lo thầy chạy thuốc; Người văn nghệ, anh đi đâu? và hai truyện: Tình đặc biệt, Ăn tết chữ. Sau đó, phát hiện của TS Võ Văn Nhơn đã được NXB Phụ Nữ tiếp nhận và xuất bản tập sách Hà Nội trong cơn lốc với các bài: Hà Nội ăn mặc, Hà Nội ăn mày, Hà Nội ăn cắp, Hà Nội ăn chơi, Ăn thuốc và uống thuốc, Cải lão hoàn đồng, Buôn bằng cấp, Những người say văn nghệ, Một bọn đánh đĩ văn nghệ, Một cách kiếm tiền mau và mạnh...

Các phóng sự của Vũ Bằng tập trung vào đời sống thị dân của Hà Nội thời ấy, cách khắc họa sắc sảo cộng với khả năng len lỏi, cảm nhận, đúc rút thông tin từ những ngóc ngách của Hà Nội chính là món ăn tinh thần khoái khẩu của độc giả Nam kỳ. Nói như TS Võ Văn Nhơn, các phóng sự của Vũ Bằng "cho chúng ta thấy lại một Hà Nội trong thời kỳ bị thực dân Pháp tạm chiếm với đủ các sinh hoạt bi hài...". Những phóng sự này bây giờ đọc lại xem ra vẫn rất thời sự. Những trang ông viết về chuyện đạo văn, đạo sách; chuyện chăn dắt ăn mày; chuyện những thầy thuốc vô lương tâm chữa bệnh chỉ vì đồng tiền, hình như cũng không khác gì với những vụ án, những phóng sự chúng ta đọc trên báo chí gần đây. Chỉ khác là những phóng sự này hấp dẫn hơn vì được viết bằng một ngòi bút tài hoa, sắc sảo; vì được phân tích, lý giải một cách rất cặn kẽ. Với một cái nhìn hiện thực sắc sảo nhưng các phóng sự của Vũ Bằng vẫn tràn đầy niềm tin vào con người, vào sự tiến bộ.

 

Bên cạnh những thầy thuốc vô lương tâm chữa bệnh chỉ vì đồng tiền vẫn còn có những bác sĩ biết thương yêu bệnh nhân, có người còn lén vợ chữa bệnh miễn phí cho một anh công nhân nghèo (Lương tâm chưa chết, Một tuần một ngày chữa bệnh không lấy tiền).

Chính điều đó làm nên một lớp độc giả của Vũ Bằng ở miền Nam, trong đó có TS Nhơn - người đã có công tìm kiếm và đưa các tác phẩm của Vũ Bằng ra khỏi lãng quên gần 60 năm.

Trong Người văn nghệ, anh đi đâu?, sau khi tiếc nuối một thời làm văn làm báo sôi nổi trước 1945, một thời xây "mộng đẹp trong khói lửa" kháng chiến, ông đã phê phán mạnh mẽ cái "vũng sình lầy lấy mệnh danh là "ao tù văn hóa" hiện tại" (Một bọn chán chường) và cái bọn người văn nghệ cứ "viết bứa bừa, viết lia lịa, viết bất phân chánh kiến này hay chánh kiến kia. Nghĩa là cứ ai trả tiền là viết, thì dịch, không cần biết những người trả tiền mình đó làm hại dân tộc mình hay làm lợi cho dân tộc mình". Nhưng ông vẫn tin những người trẻ tuổi thiết tha với văn nghệ, vào "cái lớp văn nghệ mới hy vọng của ngày mai" (Những người không biết chờ đợi, Đoàn người leo núi, Ngày mai... ngày mai).

Chỉ trong hai năm 1953, 1954, Vũ Bằng đã có đến ba phóng sự và hai truyện đăng trên báo Mới. Việc ưu ái Vũ Bằng này đã được tòa báo lý giải trong mấy lời cuối phóng sự Hà Nội trong cơn lốc: "... Với cốt tính đặc biệt ấy của một nhà văn miền Bắc, không phải đến bây giờ, nhờ thiên bút ký này, Vũ Bằng mới tạo cho mình một chỗ ngồi trong văn đàn của xứ sở. Từ đã lâu lắm, những công trình sáng tác của ông, rải rác khắp các báo chí trong Nam ngoài Bắc, đã khiến bút hiệu Vũ Bằng thành một bảo đảm văn chương".

T.Q